Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ấn Độ áp thuế 20% để hạn chế xuất khẩu gạo

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam có cơ hội gia tăng thị phần sau khi Ấn Độ quyết định áp thuế suất xuất khẩu 20% đối với một số loại gạo chủ lực của nước này. Quyết định áp thuế trên được Bộ Tài chính Ấn Độ thông báo vào hôm 8-9 trong bối cảnh New Delhi tìm cách làm dịu tình hình lạm phát lương thực ở trong nước.

Ấn Độ áp thuế gạo 20% để hạn chế lượng gạo xuất khẩu, giúp kiềm chế lạm phát lương thực ở trong nước trong bối cảnh triển vọng vụ thu hoạch sắp tới không khả quan. Ảnh: Getty

B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ (AIREA), cho biết chính phủ miễn áp mức thuế trên gạo đồ và gạo thơm basmati. Gạo trắng và gạo lứt (đã xay lẫn chưa xay), chiếm hơn 60% sản lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ, sẽ bị áp thuế. Ngoài ra, Ấn Độ cũng cấm xuất khẩu gạo 100% tấm.

Mức thuế trên, có hiệu lực từ ngày 9-9, sẽ không khuyến khích các khách hàng mua gạo từ Ấn Độ và có thể khiến họ chuyển hướng sang các đối thủ là Thái Lan và Việt Nam, những nước đang gặp khó khăn trong việc gia tăng thị phần xuất khẩu gạo và nâng giá bán.

“Với mức thuế này, các lô hàng gạo của Ấn Độ sẽ trở nên khó cạnh tranh trên thị trường thế giới. Khách hàng sẽ chuyển sang mua gạo Thái Lan và Việt Nam”, ông Rao nói và cho biết thêm động thái áp thuế của chính phủ sẽ đẩy giá gạo tăng lên trên toàn cầu. Ông dự báo giá gạo trắng xuất khẩu của Ấn Độ sẽ tăng vượt mức 400 đô la/tấn so với mức 350 đô la hiện tại.

Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và đang cạnh tranh với Thái Lan, Việt Nam, Pakistan, Myanmar trên thị trường thế giới.

Lượng mưa dưới mức trung bình ở các bang sản xuất gạo quan trọng như Tây Bengal, Bihar và Uttar Pradesh đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng vụ thu hoạch sắp tới ở Ấn Độ, nước cũng đã cấm xuất khẩu lúa mì và hạn chế xuất khẩu đường trong năm nay.

Thời tiết thiếu mưa khiến diện tích gieo trồng lúa của Ấn Độ trong mùa vụ này giảm 5,6%. Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết tình hình hiện tại khiến bộ này phải hành động khẩn cấp. Ashok Gulati, giáo sư tại Hội đồng Nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế Ấn Độ, cho biết việc hạn chế xuất khẩu gạo sẽ “giúp kiềm chế lạm phát ngũ cốc ở trong nước”.

Ông nói: “Ấn Độ đã xuất khẩu gần 40% lượng gạo thương mại toàn cầu, và điều đó đã giúp làm giảm giá gạo. Ấn Độ xuất khẩu gạo giá rẻ một phần là nhờ chính phủ dành các khoản trợ cấp khổng lồ cho phân bón và điện. Quyết định hạn chế xuất khẩu gạo là nỗ lực để thu hồi một phần các khoản trợ cấp đó”.

Lạm phát của Ấn Độ đang ở mức khoảng 7%, cao hơn biên độ mục tiêu 4-6% do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đặt ra. Trong năm nay, RBI đã thực hiện ba đợt tăng lãi suất để kiềm chế giá cả.

Himanshu Agarwal, Giám đốc Công ty Satyam Balajee, nhà xuất gạo lớn nhất Ấn Độ, dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ giảm ít nhất 25% trong những tháng tới do bị áp thuế.

Các nhà xuất khẩu muốn chính phủ Ấn Độ miễn trừ áp thuế cho các hợp đồng xuất khẩu tổng cộng khoảng 2 triệu tấn gạo đã được ký kết nhưng chưa giao cho khách hàng.

“Khách hàng không thể trả nhiều hơn 20% so với giá đã thỏa thuận và ngay cả người bán cũng không đủ khả năng trả khoản thuế này. Chính phủ nên miễn thuế cho các hợp đồng đã ký kết”, Agarwal nói.

Xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt kỷ lục 21,5 triệu tấn vào năm 2021, cao hơn tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.

Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 150 nước, và bất kỳ sự sụt giảm nào trong các lô hàng gạo của nước này sẽ dẫn đến lạm phát lương thực toàn cầu. Các thị trường gạo phi basmati lớn nhất của Ấn Độ là Nepal, Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Iraq, Malaysia và khu vực Tây Phi.

Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỉ người, và khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vào năm 2007, giá gạo trên thị trường thế giới đã tăng lên mức đỉnh mới, hơn 1.000 đô la/tấn

Một nhà kinh doanh gạo ở Mumbai nói Ấn Độ là nhà cung cấp gạo rẻ cho nhiều nước nghèo và điều đó giúp giá lúa mì và bắp ở các quốc gia châu Phi như Nigeria, Benin và Cameroon không tăng giá mạnh.

Ông nói: “Ngoại trừ gạo, giá tất cả các loại ngũ cốc khác đều tăng. Giờ đây sẽ đến lượt gạo tăng giá”.

Ông cho biết lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm 100% có thể ảnh hưởng đến hoạt động mua loại gạo này của Trung Quốc cho mục đích làm thức ăn chăn nuôi. Trung Quốc là nước mua gạo tấm lớn nhất thế giới với lượng mua 1,1 triệu tấn vào năm 2021, trong khi các nước châu Phi như Senegal và Djibouti mua gạo tấm để làm thức ăn cho con người.

Theo Reuters, Financial Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới