Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dệt may Bangladesh bươn chải tìm thị trường mới ở châu Á

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngành công nghiệp dệt may khổng lồ của Bangladesh đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới ở các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc. Nguồn dự trữ ngoại tệ cạn kiệt buộc chính phủ và doanh nghiệp tăng tốc mở rộng cơ sở khách hàng của mình khi lạm phát gia tăng làm giảm các đơn hàng từ các thị trường chính ở Bắc Mỹ và châu Âu, đặc biệt trong những tháng cuối năm.

Các hãng quần áo may sẵn của Bangladesh đóng góp đến 20% GDP và hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Nhưng nay họ phải đối mặt với nhu cầu sụt giảm, với 3/4 xuất khẩu của ngành sang EU và Mỹ - nơi khách hàng đang vật lộn với suy thoái kinh tế sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ.

Dệt may Bangladesh tăng trưởng kỷ lục trong giai đoạn 2015 – 2021. Nguồn: BGMEA

Hoạt động dưới 30% công suất

Shahidullah Azim, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), nói với Nikkei Asia: “Hầu hết các nhà máy đang nhận được đơn đặt hàng dưới 30% công suất của họ cho mùa đông tới trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát kỷ lục trên khắp châu Âu và Hoa Kỳ. Để đối phó với sự rối loạn kinh tế và chính trị đang diễn ra trên toàn cầu, chúng tôi đã bắt đầu tìm kiếm các thị trường mới cho xuất khẩu”.

Tăng cường xuất khẩu có vai trò sống còn với Bangladesh lúc này vì nguồn dự trữ ngoại hối đang cạn dần. Chính phủ Bangladesh gần đây phải cầu cạnh Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để vay 4,5 tỉ đô la nhằm giảm bớt rủi ro và bất ổn có thể lây lan sang Bangladesh từ các nền kinh tế láng giềng Sri Lanka và Pakistan.

Canada, Mỹ, Bỉ, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh là 9 thị trường chính, chiếm hơn 70% xuất khẩu hàng may sẵn của Bangladesh. Các chuỗi thời trang nhanh như H&M, Primark và Zara, cùng với các nhà bán lẻ như Walmart và Target là khách mua hàng của Bangladesh.

Bangladesh là nhà xuất khẩu quần áo lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. BGMEA cho biết giá trị hàng may sẵn đã vượt ngưỡng 42 tỉ đô la trong năm ngoái từ khoảng 30 tỉ đô la cách đây năm năm.

"Nếu chỉ phụ thuộc vào Mỹ và EU thì chúng tôi sẽ gặp rủi ro lớn. Trong thời gian dịch Covid, xuất khẩu dệt may của Bangladesh sang một vài nước châu Á đã tăng đáng kể”, phó chủ tịch BGMEA nói. Ông Azim cũng đồng thời là CEO của hãng may mặc Classic Fashion Concept.

Ông cho biết người mua hiện đang yêu cầu các lô hàng trả chậm. “Nhưng chúng tôi biết cách giải quyết trở ngại này. Chúng tôi đang tập trung vào các thị trường thay thế. Chúng tôi sẽ tổ chức các buổi triển lãm hàng may mặc riêng lẻ tại Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng 10 tới để thu hút thêm các nhà bán lẻ và thương hiệu từ hai nước này”, ông Azim nói.

Fahmida Khatun, Giám đốc điều hành Trung tâm Đối thoại chính sách – một tổ chức tư vấn ở thủ đô Dhaka, cho rằng đơn hàng may mặc giảm vào thời điểm Bangladesh đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại tệ. Xu hướng tiếp tục sẽ tác động xấu đến thị trường ngoại tệ ở Bangladesh.

Dự trữ ngoại hối của Bangladesh đã giảm từ 45,5 tỉ đô la trong năm ngoái xuống còn dưới 40 tỉ đô la vào ngày 20-7, đủ cho khoảng năm tháng nhập khẩu.

“Nền kinh tế hiện đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng trong cân đối ngoại hối. Vì vậy, việc giảm đơn đặt hàng xuất khẩu không chỉ tác động ở cấp độ ngành mà còn ở cấp độ nền kinh tế quốc gia”, ông Khatun phân tích.

Dệt may là cỗ máy cái của nền kinh tế Bangladesh khi chiếm đến 80% ngoại tệ xuất khẩu. Ảnh: Reuters

Đa dạng hóa sản phẩm

Hàng năm, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ công bố dữ liệu và thị phần toàn cầu các ngành hàng khác nhau, trong đó có dệt may. Các dữ liệu về thị trường hàng may mặc toàn cầu trong năm 2021 dự kiến sẽ công bố vào cuối tháng 9 này.

Cho đến giờ, ngành dệt may Bangladesh vẫn tự tin cho rằng họ vẫn đang đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc về xuất khẩu may mặc, với 6,8% thị phần toàn cầu và dự kiến sẽ đạt thị phần 7% trong năm 2022 này. Bangladesh muốn nâng tỷ lệ lên 10% vào năm 2025 với việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường – The Daily Star trích dẫn phát biểu của Chủ tịch BGMEA Faruque Hassan trong cuộc họp ngành hôm 10-9.

Các hãng may mặc Bangladesh cũng đang tìm cách đa dạng hóa theo những cách thức khác nhau. Cho đến nay, nhiều mặt hàng quần áo xuất khẩu của Bangladesh là “thời trang nhanh” bằng sợi cotton, đáp ứng thị hiếu chóng thay đổi của người dùng.

"Nhu cầu đối với sợi phi cotton, sợi nhân tạo như polyester và viscose đã tăng lên trên toàn thế giới. Đây là một thị trường rộng lớn. Điều này sẽ cho phép chúng tôi hướng tới các phân khúc thị trường khác, chẳng hạn như đồ thể thao hay các mặt hàng athleisure – tức đồ thể thao nhưng có thể mặc ở các môi trường khác”, Azim giải thích.

Còn Chủ tịch Kutubuddin Ahmed của hãng Envoy Textiles lại nói: “Với tình hình hiện nay, chúng tôi đang tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển (R&D) các loại vải giá rẻ và vải nhân tạo. Khả năng mua của người dân đang giảm do lạm phát”. Ông nói rằng sự chuyển đổi như vậy có thể giúp các hãng dệt may đối phó với chi phí đầu vào gia tăng.

Ahsan H. Mansur, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu chính sách của Bangladesh, nhấn mạnh rằng khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu rất cao. “Xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh đạt tăng trưởng trong những tháng gần đây. Nhưng tháng 9 này và tháng 10 tới có thể xuất hiện những xu hướng tiêu cực. Tình hình sẽ có thể tồi tệ trong những tháng tới do người mua đang tạm ngừng đơn đặt hàng. Các nhà thầu phụ sẽ bị thiệt hại nhiều nhất. Công nhân có thể bị mất việc làm”, Mansur nói.

Việt Nam đã vượt Bangladesh để trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới về hàng may mặc trong năm 2020 – theo nền tảng dữ liệu B2B ngành may quốc tế Fashion United. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nói ngành dệt may Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số hai trong năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu vượt 40,3 tỉ đô la. VITAS dự báo con số này sẽ đạt hơn 43 tỉ đô la trong năm nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới