Thứ bảy, 30/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Giao dịch M&A ở Việt Nam có thể ‘giảm nhiệt’ dần về cuối năm

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hoạt động giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) trong nước có thể sẽ "giảm nhiệt" trong thời gian nửa cuối năm 2022, sau khi chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm nay với tổng giá trị giao dịch gần bằng cả năm 2021.

Theo phân tích của công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn EY Việt Nam, nguyên nhân có thể "giảm nhiệt" giao dịch M&A là do các nhà đầu tư thận trọng hơn, vốn đầu tư từ các nước phát triển vào các thị trường mới nổi suy giảm, căng thẳng địa chính trị và lạm phát cao.

Báo cáo của Tập đoàn EY cho thấy trong bối cảnh hoạt động M&A toàn cầu trong nửa đầu năm nay ghi nhận giảm 18% về thương vụ và giảm 27% về giá trị và so với cùng kỳ năm ngoái thì giao dịch này của Việt Nam trong cùng thời gian trên vẫn tăng mạnh với tổng giá trị thương vụ gần bằng cả năm ngoái.

Ông Trần Vinh Dự, lãnh đạo Bộ phận Chiến lược và Giao dịch tài chính, EY Đông Dương kiêm Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, cho biết qua ghi nhận hoạt động đầu tư từ quỹ đầu tư tư nhân (PE) và quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) tại Việt Nam, có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, bất chấp những bất ổn trên thị trường vốn và thị trường nợ. Cụ thể, tổng giá trị thương vụ giao dịch M&A nửa đầu năm 2022 ở Việt Nam gần bằng cả năm 2021 (4,97 tỉ đô la Mỹ).

Tuy nhiên, trong xu hướng toàn cầu về lãi suất tăng cao, lạm phát, chuỗi cung ứng gián đoạn, bất ổn địa chính trị, giá dầu tăng và một số lĩnh vực thiếu nguồn nhân lực...  có thể sẽ tạo ra những tác động khiến hoạt động M&A tai Việt Nam "giảm nhiệt". Theo nhận định của EY, các nhà đầu tư thận trọng hơn trước các xu hướng vĩ mô, có tác động đến nền kinh tế Việt Nam.

Dù có nhiều lợi thế, Việt Nam khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực khi vốn đầu tư từ các nước phát triển vào các thị trường mới nổi suy giảm, căng thẳng địa chính trị và lạm phát cao. Đây là những yếu tố làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam, ông Dự chia sẻ.

Ở tầm toàn cầu, ông Andrea Guerzoni, Phó chủ tịch EY toàn cầu, lãnh đạo Bộ phận Chiến lược và Giao dịch tài chính, kỳ vọng nguồn vốn tư nhân sẽ là động lực chính cho các giao dịch cả về vốn và nợ trong những tháng sắp tới. Bởi theo ông, nguồn vốn tư nhân đang dồi dào trong khi lãi suất ngân hàng ở mức cao, hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục khẳng định vai trò cơ bản hơn của thị trường vốn tư nhân đối với nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Guerzoni lưu ý, một trong những rào cản đối với dòng chảy M&A sẽ xuất hiện nếu các điều kiện thị trường trở nên xấu đi, đến mức các khoản tài trợ nợ dần cạn kiệt hoặc trở nên cực kỳ đắt đỏ.

Theo báo cáo của Tập đoàn EY, tổng giá trị mua bán và sáp nhập toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm 27% so với nửa đầu năm 2021, nhưng vẫn tăng 35% so với mức trung bình giai đoạn 2015-2019.Cụ thể thị trường ghi nhận 2.274 thương vụ M&A, với tổng giá trị 2,02 nghìn tỉ đô la Mỹ, giảm 18% về thương vụ và 27% về giá trị và so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước, hoạt động này vẫn đang đi lên với mức tăng 13% về thương vụ và 35% về giá trị.Theo ông Andrea Guerzoni, hoạt động M&A trên toàn cầu đã chứng tỏ khả năng lấy lại đà tăng trưởng đáng kể, dù phải đối mặt với những khó khăn về địa chính trị. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này có thể chịu đựng được các cú sốc tiếp theo hay không vẫn còn là một câu hỏi. Các cú sốc đó có thể là những đợt phong tỏa diện rộng, căng thẳng địa chính trị leo thang, hay một cuộc suy thoái kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới