(KTSG) - Vài năm trở lại đây, một số ca sĩ và nhóm nhạc nổi tiếng từ Sài Gòn lên Đà Lạt mở show, dự án âm nhạc khá thành công. Nhiều sản phẩm băng đĩa nhạc của các ca sĩ cũng lấy phong cảnh Đà Lạt làm phông nền. Đà Lạt, một nơi chốn sương khói, “thoát ly” nhịp sống ồn ào và kỹ nghệ trình diễn sân khấu quen thuộc để khán giả được trở về thiên nhiên, tận hưởng thứ âm nhạc gần gũi - là điều có thể giải thích cho các hiện tượng thành công nói trên chăng?
Liveshow của ca sĩ Hà Anh Tuấn ở Đà Lạt thường là hết vé trước hàng tháng trời. Hình ảnh nam ca sĩ này che dù hát trong mưa, bên tháp cổ trường Grand Lycée Yersin (nay là Cao đẳng sư phạm Đà Lạt) khiến các khán giả trẻ say mê như họ được xem thấy một “nam nhân” lãng mạn bước ra từ một bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc. Họ gọi đó là cảm giác chill (tạm hiểu là “thoát ly”). Đa số người mua vé các chương trình này là khán giả trẻ đến từ các thành phố khác từ Bắc chí Nam, đặc biệt là Sài Gòn.
Thoát ly và khuây khỏa
Một chuyến du lịch ngắn ngày kết hợp với thưởng thức một đêm nhạc lãng mạn ở một thành phố có khung cảnh (vẫn còn) lãng mạn, thì còn gì bằng!
Đến Đà Lạt để chill trong âm nhạc, các dự án tổ chức dạng “sân khấu-cà phê-nhà vườn” mời ca sĩ từ Sài Gòn lên Đà Lạt biểu diễn nở rộ ngay trước đại dịch Covid-19. Thời gian giãn cách làm gián đoạn các dự án này, và cũng gây thua lỗ cho nhiều nhà đầu tư, tuy nhiên đến nay khi thị trường du lịch dần phục hồi thì mô hình này cũng bắt đầu quay trở lại.
Có thể kể đến thành công và tạo tiếng vang tiêu biểu nhất là dự án Mây lang thang. Sân khấu ngoài trời với một dàn nhạc “sống” chuyên nghiệp, các ca sĩ tên tuổi trình diễn ngay bên những ngọn đồi và mảnh vườn đặc thù Đà Lạt... Mô hình sân khấu này đã có sức hút đặc biệt đối với du khách vào các ngày cuối tuần. Sau khi thử nghiệm thành công ở Đà Lạt, nhóm dự án này đã mang Mây lang thang về Sài Gòn, thường tổ chức các show lớn trên một khách sạn khu đắt đỏ bậc nhất của quận 1 nhưng có lượng vé phát hành rất tốt.
Kiểu sân khấu ngoài trời, nghe nhạc giữa thiên nhiên mây trời (đôi khi cả... trong mưa) ở Đà Lạt quyến rũ du khách trẻ một cách đặc biệt bởi bấy lâu sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa đêm ở Đà Lạt khá nghèo nàn. Trong một thành phố du lịch, có bề dày về sinh hoạt văn hóa, nhưng đời sống phòng trà đêm lại chưa thật đa dạng. Những phòng trà có thể tạm gọi là chuyên nghiệp không đủ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, nhu cầu thưởng thức các chương trình trình diễn đại chúng theo phong cách phù hợp với đặc thù môi trường, không gian của giới trẻ du lịch đến thành phố này rất cao.
Trong một thị trường âm nhạc cạnh tranh cao, các sân khấu trình diễn cũng đang sa vào bế tắc, chưa tìm kiếm được những sáng tạo mới mẻ tại Sài Gòn, thì Đà Lạt cũng là một nơi khuây khỏa trong các chuyến lưu diễn của những ca sĩ từ nổi tiếng đến... chưa kịp nổi tiếng. Sân khấu nhà vườn, sân khấu lưng đồi, phòng trà mini ở Đà Lạt sẽ trao ban cơ hội để họ được khán giả - những người cần đến âm nhạc trong một tour ngắn hạn - được chill và chìm đắm, điều mà họ khó có thể trải nghiệm đủ đầy ở các thành phố du lịch khác.
Âm nhạc được khung cảnh chắp cánh, ngược lại khung cảnh được âm nhạc và ánh đèn sân khấu làm cho long lanh!
Các ca sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc trữ tình cũ như Võ Lê Vy, Nguyên Hà hay Lân Nhã... cũng chọn Đà Lạt làm bối cảnh làm hình ảnh cho các MV, album của mình. Võ Lê Vy trên trên đồi cỏ hồng với những tình khúc Pháp lời Việt gợi nhớ một vẻ lãng mạn Tây phương từng có ở thành phố này; Lân Nhã trên bìa album Nhã với hình ảnh chụp từ cửa kính cà phê Tùng hay ca sĩ này cùng với bạn hát cùng thời Nguyên Hà trên bìa đĩa than Cơn mưa phùn cũng với khung cảnh bàng bạc hồ và núi trong sương mờ... Họ, những ca sĩ trẻ đã nắm bắt được phần nào “tài nguyên khung cảnh” mà hình ảnh một thành phố mang lại cho sản phẩm âm nhạc của họ để thuyết phục người nghe.
Mà đâu chỉ các ca sĩ thuộc thế hệ mới, những danh ca thời cũ như Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Lê Uyên... hay thế hệ sau đó như Trần Thu Hà, Thanh Lam... cũng xuất hiện ở Đà Lạt bằng dịp này, dịp khác, cách này hay cách khác trong thời gian gần đây.
Một kỳ nghỉ êm đềm đi cùng một show diễn có khán giả trẻ đón đợi - Còn gì bằng!
Âm nhạc: cuộc gặp gỡ mới mẻ cho thành phố
Vào đêm cuối tuần ở khu phố đi bộ ở trung tâm Đà Lạt bây giờ là không gian của âm nhạc cộng đồng. Du khách có thể thấy một cô Tây tóc vàng mang vẻ đẹp digan chơi violin trên hè phố, có thể thấy những nhạc công ngoại quốc chơi nhạc trong một bar nhạc jazz trên đường Trương Công Định hoặc thỉnh thoảng nhận ra những giọng ca phòng trà Sài Gòn đang đứng hát tự do bên đường. Vây quanh họ là những nhóm du khách tuổi đôi mươi. Đêm cuối tuần, các nhóm nhạc trẻ địa phương cũng tụ tập chơi nhạc ở khu Hòa Bình. Một cư dân Đà Lạt lâu năm có nhà ở đầu đường 3 tháng 4 nói với người viết bài này rằng, nhìn thành phố có một cộng đồng văn hóa trẻ trung vào những tối cuối tuần, anh ta chợt nghĩ rằng âm nhạc đang tạo ra những cuộc gặp gỡ mới mẻ cho thành phố.
Vài năm trước, Hiền, một bạn trẻ sáng lập dự án Phố Bên Đồi đã loay hoay tìm cách thể hiện các ý tưởng về một thành phố nghệ thuật thông qua những hoạt động mỹ thuật cộng đồng. Những hoạt động đạt được những viral (lan tỏa) về truyền thông nhưng thực chất các giá trị mang lại về phương diện chất lượng chưa cao. Gần đây, chàng trai gốc Đà Lạt này cải tạo một không gian ở một trung tâm sinh hoạt phong trào thanh thiếu niên theo kiểu hành chính trên đường Lý Tự Trọng thành một creative studio. Tại đây có những đêm hòa nhạc, nói chuyện về âm nhạc và các chủ đề văn hóa. Các nghệ sĩ lưu trú, biểu diễn nhạc cổ điển cũng có một thính phòng tương đối tươm tất để đưa tác phẩm đến công chúng.
Không gian này tạo thêm cho thành phố một điểm đến trẻ trung, nhẹ nhàng và có nét thanh lịch. Xét về khía cạnh du lịch, là một sản phẩm mới, gợi ý cho một tour thưởng thức nghệ thuật mà có thể Đà Lạt đủ điều kiện để thực hiện một cách có hiệu quả trong tương lai gần.
Cũng như trong thời hoàng kim văn hóa của Đà Lạt trước năm 1975, đây là nơi chốn mà các nhạc sĩ lớn của miền Nam thường lui tới. Đà Lạt đủ không gian “vô nhiễm” trước thời cuộc chiến tranh để mang lại cho các nghệ sĩ những khoảng thư nhàn, sống cho sáng tạo. Có thể điểm lại khá nhiều sáng tác nổi tiếng của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Lam Phương, Hoàng Nguyên, Đức Huy... được viết tại Đà Lạt. Không gian văn hóa Đà Lạt cũng kịp sinh ra những tài năng trong âm nhạc như Tuấn Ngọc, Thanh Tuyền... và những cuộc gặp gỡ dấu ấn trong âm nhạc như Lê Uyên-Phương, Khánh Ly-Trịnh Công Sơn.
Viễn kiến về một thành phố âm nhạc?
Kể từ thời mở cửa, thành phố Đà Lạt đã thay đổi theo khuynh hướng du lịch, thương mại đại chúng, cùng với những áp lực gia tăng dân số, nên việc phục dựng hay tiếp nối một không gian trí thức tinh hoa của “thuở vàng son nào đó” trong quá khứ là điều bất khả. Nhưng trong một điều kiện mới, có thể âm nhạc vẫn là một hướng gắn kết có tiềm năng để làm mới cho du lịch Đà Lạt, tạo dựng giá trị thức thời cho thành phố này khi mà các sản phẩm du lịch đại chúng khai thác từ nông nghiệp đang ngày càng mai một, dựa vào thiên nhiên thì ngày càng giả tạo, nhân danh tài nguyên văn hóa thì ngày càng hời hợt...
Việc Đà Lạt đang tìm cách lập hồ sơ theo quy định của UNESCO xây dựng mạng lưới Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Âm nhạc là một hướng tư duy mở. Nhưng trong con đường phấn đấu để được công nhận, việc các nhà quản trị của đô thị này tạo ra các cơ chế khai phóng, cổ vũ sáng tạo, kêu gọi đầu tư kinh doanh sản phẩm sáng tạo thực sự và thiết lập mạng lưới dịch vụ lý tưởng, chuyên nghiệp làm nền tảng là rất cần thiết. Sức sống thuyết phục của một thành phố sáng tạo sẽ không nằm ở danh hiệu hay các mỹ từ truyền thông nhất thời, mà từ một tầm nhìn quản lý biết đặt các giá trị sáng tạo vào trung tâm; từ thế nội lực và nếp sinh hoạt văn hóa lấy cộng đồng làm chủ thể.