(KTSG Online) - Những diễn biến liên quan đến cước vận tải container đường biển trong thời gian qua đang là nội dung mà cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các hãng tàu đặc biệt quan tâm.
- Vận tải biển toàn cầu đối mặt với rủi ro ‘hạ cánh cứng’
- Cước vận tải biển suy giảm nhanh khi nhu cầu tiêu dùng chững lại
Cước vận tải biển đang giảm nhanh
Chỉ số cước xuất khẩu container Thượng Hải (Shanghai Containerized Freight Index- SCFI) vào ngày 9-9-2022 được ghi nhận ở mức 2.562 điểm, giảm 10% so với một tuần trước đó, và giảm xấp xỉ 50% so với mức kỷ lục ghi nhận hồi đầu năm nay (SCFI đạt 5.109 điểm vào ngày 7-1-2022). Tuần trước cũng đánh dấu tuần thứ 13 liên tiếp chỉ số SCFI giảm điểm, và con số 13 này dự kiến sẽ không dừng lại.
Theo trang tin Lloyd’s List, giá cước vận chuyển container tuyến Á - Âu đã lùi về mức được ghi nhận vào tháng 3-2021, trong khi với tuyến xuyên Thái Bình Dương (từ châu Á đến bờ Tây Mỹ), giá cước đã về dưới 3.500 đô la Mỹ/FEU(*), con số thấp chưa từng thấy kể từ thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Bình luận về nguyên nhân dẫn đến cước vận chuyển đang giảm, chuyên gia Lars Jensen, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Vespucci Maritime cho biết, hiện nay hiệu ứng thắt cổ chai trên chuỗi cung ứng đang giảm dần dẫn đến công suất vận chuyển tăng. Bên cạnh đó, triển vọng tiêu dùng suy giảm tại Bắc Mỹ và châu Âu do lạm phát, tình trạng ngưng trệ sản xuất trên diện rộng tại Trung Quốc vẫn tiếp tục do chính sách kiểm soát Covid-19 và thiếu điện do mực nước thấp trên sông Trường Giang. Tất cả những yếu tố này góp phần kéo mức cước giảm xuống.
Lượng tàu mới được bổ sung vào thị trường trong năm 2022 cũng góp phần lớn làm giảm áp lực về cung dịch vụ. Theo Alphaliner thì trong bảy tháng đầu năm 2022, có 91 tàu container mới được đưa vào khai thác với tổng sức chở lên đến gần 512.000 TEU, trong đó hãng tàu Evergreen đưa bốn tàu 24.000 TEU(*) chạy tuyến Á - Âu hay CMA CGM đưa chín tàu 15.000 TEU vào khai thác các tuyến khác nhau.
Đồng thuận với quan điểm rằng cước giao ngay (spot rate) của các tuyến xa đang giảm nhanh, ông Peter Sand, Giám đốc phân tích tại hãng tư vấn Xeneta bổ sung: “Xu hướng giảm giá sẽ tiếp tục khi mùa cao điểm hàng hóa sẽ không tới, cầu vận chuyển đang giảm, độ tin cậy của lịch trình vận chuyển đang tăng chậm còn tắc nghẽn thì lại đang giảm xuống ở một số nơi nhất định”.
Mặc dù đang giảm rất nhanh, nhưng mức cước vận chuyển hiện nay vẫn còn cao hơn gấp ba lần so với con số trung bình giai đoạn 2015-2019. Tuy nhiên, trang Lloyd’s List cũng ghi nhận rằng thị trường vận tải biển có thể sẽ tiến tới giai đoạn mà buổi tiệc cho các hãng tàu container sắp tàn.
Các chủ hàng đang đàm phán lại về cước hợp đồng
Phát biểu trên trang tin Loadstar vào giữa tuần qua, ông Chang Chao-feng, Giám đốc điều hành của Yang Ming, hãng tàu container lớn thứ 5 châu Á, đã thừa nhận rằng trong bối cảnh cước vận chuyển container giao ngay đang giảm, các hãng tàu chịu nhiều áp lực từ phía các chủ hàng để thương lượng lại cước vận chuyển theo hợp đồng (contract rate). Yang Ming là hãng tàu lớn đầu tiên thừa nhận rằng việc thương lượng lại đang diễn ra giữa hãng tàu và các chủ hàng.
Ông Chang nói: “Mới hồi tháng 5 vừa rồi, với các lô hàng xuất đi châu Âu và Mỹ, cả các chủ hàng và chúng tôi đều rất lạc quan khi thương lượng cước vận chuyển theo hợp đồng, ở thời điểm đó thì mức cước vẫn là cao. Mức giảm đột ngột của cước giao ngay đã tạo ra áp lực rất lớn lên các hợp đồng đã ký”. Ông Chang cho biết Yang Ming sẽ thảo luận thêm với khách hàng, trên tinh thần không chủ động yêu cầu sửa đổi và điều chỉnh ngay lập tức, nhưng hãng tàu sẽ thực hiện các điều chỉnh cần thiết, tùy thuộc vào hợp đồng.
Mặc dù lợi nhuận ròng của hãng tàu Yang Ming trong sáu tháng đầu năm 2022 đã tăng đến 60% lên 4 tỉ đô la Mỹ, nhưng ông Chang cho rằng thị trường đã đảo chiều nhanh hơn dự định, và hiện Yang Ming đang rất thận trọng khi nói đến triển vọng kinh tế trong thời gian tới, bởi xung đột Nga - Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, và cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ thì đang đến gần.
Nhận định về việc thương lượng lại cước hợp đồng của các chủ hàng, ông Bjorn Vang Jensen, Phó chủ tịch của tổ chức tư vấn Sea-Intelligence cho biết tất cả các chủ hàng cỡ trung bình và cỡ lớn đều đang trong quá trình thương lượng lại về cước, hoặc ít nhất đang chuẩn bị để làm việc với các hãng tàu về nội dung này. Ông cũng dự đoán rằng sắp tới, chính các hãng tàu cũng phải đàm phán lại với các chủ tàu về cước thuê tàu để tránh khả năng bị lỗ.
Không phải hãng tàu nào cũng sở hữu tất cả các con tàu mà họ vận hành. Các hãng lớn luôn đi thuê số lượng tàu nhất định để khai thác. Hãng tàu lớn nhất thế giới MSC thuê 316 tàu trong tổng số 692 tàu mà hãng khai thác, Evergreen thuê 78/203 tàu, Zim thuê 130/138 tàu… Chính vì vậy, chi phí thuê tàu luôn chiếm một phần lớn trong chi phí hoạt động của các hãng tàu.
Từng phải chịu đựng mức cước vận chuyển cao kỷ lục, cùng với đó là tình trạng thiếu chỗ vận chuyển và chất lượng dịch vụ thấp, các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa có thể đang cảm nhận được rằng gió đã bắt đầu đổi chiều.
------------
(*) FEU: đơn vị tương đương với 1 container 40 feet, hay 2 container 20 feet.
(**) TEU: đơn vị tương đương với 1 container 20 feet