Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Văn hóa đọc không ‘chết’

Hải Lý

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hồi nhỏ tôi thường giúp mẹ bán rau, bán bèo để có tiền mua sách. Tôi và những bạn thân cùng lớp gom tiền mua sách đọc chung, đổi sách với nhau. Sách quý như vàng vì chúng hiếm hoi. Tôi đọc say mê tất cả những cuốn sách rơi vào tay. Chẳng có thư viện nào ở thành phố dệt mang âm hưởng tiếng thoi đưa, tiếng còi vào ca mà tôi không biết.

Triễn lãm sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TPHCM. Ảnh: N.K

Quý báu là thế, nhưng thời bao cấp sách dường như là thứ duy nhất không có giá trong giá ngoài. Bây giờ sách vẫn là hàng hóa độc tôn mà giá bán luôn bằng hoặc thấp hơn giá bìa. Có cuốn vừa in xong, còn chưa nóng chỗ trên kệ các nhà sách, đã thấy giảm giá 10-20%. Dù đã giảm giá, nhiều người vẫn chê sách đắt, bất chấp giấy in trắng hơn, trình bày bắt mắt hơn và không ít cuốn xem qua nội dung, hoặc lời giới thiệu ở bìa sau, đã muốn đọc.

Tôi không muốn tin lý do người ta ít mua sách vì sách đắt. Cái chính là bởi người ta không tìm đâu ra thời gian cho sách. Trong cái thế giới bề bộn và ngồn ngộn dòng chảy thông tin hôm nay, lật ngang lật ngược nhằm có thời gian đọc hết cuốn sách 300-400 trang thật sự không dễ dàng. Đọc nhanh cũng mất ba, bốn tiếng trong khi xem một bộ phim trung bình hai tiếng, chi phí thời gian bằng phân nửa. Với ti vi, radio người ta có thể vừa xem, vừa nghe tin tức và làm bao nhiêu việc khác. Ngay cả đọc báo mạng hàng ngày, bỏ ra một hai giờ đồng hồ là đủ để “nhồi nhét” đầy rẫy thông tin vào đầu. Trên Internet thông tin quay cuồng, nháo nhào, lướt ào ào qua mắt người đọc. Điểm mặt một số lớn các phương tiện truyền thông, con người đang sử dụng tỷ lệ không hề nhỏ trong quỹ thời gian eo hẹp mỗi ngày để đọc, để nghe, để xem và ngẫm nghĩ…

Dưới góc độ tiếp thu kiến thức, không thể nói văn hóa đọc đã và đang mất đi. Thực tế văn hóa đọc chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác. Sách, báo chí, truyền hình, phim ảnh, mạng xã hội… giống như những chiếc cầu lưu chuyển thông tin đến con người. Các cây cầu đó khác nhau về độ dài ngắn, lòng đường rộng hẹp, chất lượng trải nhựa và ưu thế riêng biệt của chúng quyết định lưu lượng người qua lại. Nếu có một cây cầu ít người đi thì không có nghĩa là dòng người lưu thông qua các cây cầu khác cũng giảm.

So với chính nó ba mươi, bốn mươi năm trước, sách không còn là phương tiện truyền tải kiến thức nhiều ưu thế. Sách đang bị cạnh tranh tứ bề, đang “bơi” trong cơ chế thị trường. Và tất nhiên trong cuộc cạnh tranh dữ dội về truyền tải thông tin, nơi tốc độ và sự chính xác đang làm chủ, sách với những đặc trưng truyền thống cố hữu, tỏ ra hụt hơi.

Vậy sách có “chết” không? Văn hóa đọc sách có đi vào ngõ cụt không? Tôi đặt câu hỏi này cho những người đến và đi, lướt qua và dừng lại trong cuộc sống. Phần lớn nói rằng không. Một phần tư trả lời có và phần còn lại không có ý kiến. Họ phân vân giữa có và không. Những người nói không chủ yếu thuộc lứa tuổi ngoài bốn mươi trở đi. Đối tượng U-50, U-60, U-70 thậm chí nhấn mạnh sách không bao giờ “chết”. Những người nghỉ hưu có xu hướng đọc sách nhiều hơn, đọc vài chục trang/ngày. Có người đọc “ngấu nghiến” mỗi ngày, vài ngày một cuốn như bù đắp, giành giật những gì đã bỏ qua suốt quãng thời gian vùi đầu “cày cuốc” mưu sinh.

Thế hệ trẻ, độ tuổi 20-30 giải thích cho tôi sách đã mất ánh hào quang và tầm ảnh hưởng. Họ không có thời gian cho sách trừ những cuốn bắt buộc phải đọc trong chương trình đại học, cao đẳng dạy nghề. Người trẻ có hàng “núi” việc phải làm, nào là đi du lịch, nào là làm việc để năm 30, 35, 40 tuổi có thể nghỉ hưu, nào còn gia đình, bạn bè chát chít trên mạng… Cứ như thể cha mẹ, ông bà họ không kinh qua những lo toan ấy không bằng. Đương nhiên, người trẻ không muốn thừa nhận việc họ sống nhanh hơn các thế hệ đi trước. Họ đề nghị tôi dùng từ sống “nhanh”, sống “hiệu quả”, không phải sống “gấp”.

Người trẻ cũng không thể cưỡng lại quy luật lớn lên, già đi, rồi họ cũng sẽ quay trở về với sách. Sẽ là khập khiễng khi đặt sách và các phương tiện truyền thông, giải trí khác cạnh nhau vì thông tin dẫn truyền tính thời sự, còn sách trao cho người đọc những bí ẩn của suy nghĩ trong trường chinh tồn tại trên trái đất. Có gì đáng lĩnh hội hơn khám phá của con người về chính suy nghĩ của con người? Nhiều bộ phim cuốn hút và hấp dẫn được chuyển thể dựa trên những cuốn sách có sức thẩm thấu ma lực. Nhưng ít có phim hay hơn bản gốc sách. Hơn hai trăm năm đã qua đi, người ta vẫn đọc Anna Karenina của đại văn hào Lev Tolstoy với khát vọng thấu hiểu những ngóc ngách của tình yêu.

Bất chấp sự trường tồn của các tác phẩm bất hủ với thời gian, ngày nay sách tìm cách đến với người đọc, không giống ngày xưa chúng tôi đi tìm sách. Ở nhiều quốc gia, người ta dạy trẻ em tiếp xúc với sách ngay từ khi còn bé, rèn luyện và duy trì thói quen đọc sách. Các nhà văn, nhà thơ giao lưu với độc giả, giới thiệu, ký tặng sách, quảng bá sách trên mạng xã hội. Các nhà xuất bản, các tác giả Việt Nam cũng đang làm tương tự cho dù chưa thể trên phạm vi rộng do kinh phí giới hạn.

Ai đó đã nói sách là món ăn tinh thần, làm giàu tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn nên không thể mang rao bán như một món hàng chợ. Song việc tiếp thị đâu có làm giảm giá trị tinh thần của sách? Những cuốn sách hay đến mấy mà nằm hoài trên kệ, phủ bụi thời gian, ít ai biết đến để mua thì phỏng có ích gì? Ngược lại, có các cuốn sách bán vèo vèo nhờ tiếp thị bài bản, chuyên nghiệp. Người ta đọc chúng. Có thể người này chê dở, người khác khen hay, tựu trung họ đọc. Khơi dậy tình yêu với sách có nhiều cách, nhưng có lẽ một trong những cách ấy bắt đầu từ bán sách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới