Thứ Bảy, 20/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Vì sao cần tập trung vào giống lúa thơm và chất lượng cao trong vụ đông xuân tới?

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhu cầu thị trường trong năm 2023 vẫn tiếp tục “ăn” mạnh gạo thơm và chất lượng cao. Do đó, vụ đông xuân 2022-2023 tới, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần phải tập trung đẩy mạnh gieo sạ các loại giống này.

Vụ đông xuân 2022-2023 phải tập trung cho các giống lúa thơm và chất lượng cao. Ảnh: Trung Chánh

Tại hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ thu đông, mùa năm 2022 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 vùng Nam bộ” diễn ra vào hôm nay, 22-9, ở TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 4,379 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 2,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,7% về lượng và 9,89% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. “Dự báo cả năm, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,3-6,5 triệu tấn gạo các loại”, ông Nam cho biết.

Theo ông, thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và chất lượng cao. Trong đó, các giống như Đài Thơm 8, OM 5451 và OM 18 chiếm ưu thế và có tính cạnh tranh rất cao.

Cụ thể, trong tổng số 6,2 triệu tấn gạo Việt Nam đã xuất khẩu trong năm ngoái, thì gạo thơm đạt 2,5 triệu tấn chiếm tỷ trọng 41,2%; gạo trắng chất lượng cao đạt 2,3 triệu tấn, chiếm 37,63%; gạo nếp cũng chiếm tỷ trọng 16,37% trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam. “Nhìn vào cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu, rõ ràng Việt Nam đã chuyển mạnh sang gạo thơm, gạo chất lượng cao”, ông Nam nhấn mạnh và cho biết, xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2022 và 2023.

Còn xét về thị trường tiêu thụ, gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các quốc gia châu Á và châu Phi. “Trong các quốc gia châu Á, thì xuất khẩu sang Philippines nhiều nhất, tiếp theo là Trung Quốc, trong khi với châu Phi, có Bờ Biển Ngà và Ghana”, ông Nam cho biết và nói rằng, một số nước Trung Đông và châu Âu cũng có số lượng xuất khẩu gạo tăng dần qua các năm.

Theo đó, trong 8 tháng đầu năm nay, trong tổng lượng gạo Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,8 triệu tấn, thì Philippines là 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 50% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. ”Đây là thị trường hết sức quan trọng và ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Đối với thị trường Philippines, sau khi quốc gia này chuyển cơ chế nhập khẩu gạo sang cho tư nhân, thì phân khúc nhập khẩu cũng đã có sự thay đổi, từ loại gạo trắng 15-25% tấm sang gạo thơm và chất lượng cao.

Ông Nam cho biết, phân khúc gạo thơm và chất lượng cao của Việt Nam được sản xuất từ giống lúa Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18 là những giống không có một nước xuất khẩu gạo nào có thể thay thế được. Đây là những giống lúa cho phân khúc gạo đáp ứng được nhu cầu thị trường và có tính cạnh tranh rất cao so với phân khúc gạo thơm của Thái Lan, Campuchia…

Vị lãnh đạo của VFA cho biết, sau khi Ấn Độ áp thuế xuất khẩu đối với gạo trắng và cấm xuất khẩu với gạo tấm, đã ảnh hưởng nguồn cung toàn cầu. Trong khi đó, những thị trường như Philippines vẫn tiếp tục có nhu cầu lớn về gạo, cho nên, sắp tới các giống Đài Thơm 8, OM 5451, OM 18 vẫn là chủng loại rất được ưa chuộng.

Còn với Trung Quốc, hiện thị trường này tập trung mua gạo nếp và các giống ST từ Việt Nam. Trong khi đó, đối với Ghana và Bờ Biển Ngà, thì hai thị trường này cũng nhập khẩu số lượng lớn gạo của Việt Nam, trong đó, gạo thơm và gạo chất lượng cao là chủng loại có nhu cầu lớn.

Chính những yếu tố nêu trên, ông Nam cho rằng, định hướng cơ cấu chủng loại sản xuất trọng vụ đông xuân 2022-2023 cần tập trung vào các giống lúa OM 18, OM 5451 và Đài Thơm 8.

Trước đó, tại hội nghị này, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ đông xuân 2022-2023, khu vực Nam bộ sẽ xuống giống khoảng 1,58 triệu héc ta, trong đó, vủng ĐBSCL là 1,5 triệu héc ta, giảm 6.890 héc ta so với cùng kỳ.

Theo đó, các giống lúa OM 18, OM 5451, Đài Thơm 8, OM 6967, OM 4900…, là những giống lúa được Cục trồng trọt khuyến cáo người dân đẩy mạnh gieo trồng trong vụ đông xuân 2022-2023 tới.

Ngoài ra, ông Tùng khuyến cáo, đối với diện tích khoảng 400.000 héc ta ở khu vực ven biển của các địa phương như Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh cần tập trung xuống giống sớm trong tháng 10-2022 để “né” mặn.

Đối với một số vùng xuống giống muộn, Cục trồng trọt cũng khuyến cáo cần kết thúc xuống giống trước ngày 1-1-2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới