Thứ năm, 31/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nghiên cứu tăng lãi suất huy động vào thời điểm thích hợp

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động trong điều hành tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, đồng thời nghiên cứu tăng lãi suất huy động vào thời điểm thích hợp.

Nội dung này được Thủ tướng đưa ra tại cuộc họp về về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng sáng 22-9. Cuộc họp diễn ra sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm và dự kiến tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tại Mỹ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát. Ảnh: Nhật Bắc

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN, cho biết đồng Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới trong bối cảnh nhiều đồng tiền mất giá rất mạnh so với đồng đô la Mỹ.

Theo bà, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

“Ngành ngân hàng sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng ‘ổn định không có nghĩa là cố định’ mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình”, bà Hồng khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát và thực hiện các mục tiêu đề ra. Ngoài ra, lựa chọn phân bổ vốn tín dụng hợp lý, hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

Nghiên cứu tăng lãi suất huy động linh hoạt, phù hợp, hiệu quả vào thời điểm thích hợp. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giữ ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.

Đẩy mạnh và giảm thủ tục cho vay hỗ trợ lãi suất 2%; tăng cường thông tin, truyền thông để nhân dân hiểu, tin tưởng, chia sẻ và ủng hộ các chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách tiền tệ, tín dụng.

Với Bộ Tài chính, Thủ tướng giao chủ trì tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất giảm thuế, phí, lệ phí theo thẩm quyền và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước; phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao. Tập trung đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Còn Bộ Công Thương được giao chủ trì, thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ; bảo đảm tuyệt đối an ninh nguồn cung và kiểm soát tốt giá năng lượng (điện, xăng dầu).

“Tinh thần là phải bảo đảm xuất đủ nhập và có thặng dư thương mại bền vững. Thúc đẩy cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn theo 5 hướng, gồm bảo đảm ổn định trong điều kiện bất định; giữ thế chủ động trước những diễn biến phức tạp, bất ngờ, khó lường; kiên định, nhất quán, phù hợp, hiệu quả trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ thế giới và trong nước; kiểm soát rủi ro, kịp thời ứng phó với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng; tạo dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới