Nhu cầu tiêu thụ được dự báo dần hồi phục từ nửa cuối năm 2022 và đầu năm 2023 trong khi giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng giảm sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận của Vinamilk trong thời gian tới.
Tín hiệu hồi phục
Trong bối cảnh ảnh hưởng của “hậu Covid-19”, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước phải chịu áp lực từ giá cả nguyên vật liệu leo thang, chi phí vận chuyển và xăng dầu tăng mạnh. Tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty F&B cũng bị ảnh hưởng bởi giá cả hàng hoá tăng cao ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp quý 2-2022 của Vinamilk với sự cải thiện so với quý trước đang cho thấy những tín hiệu lạc quan.
Tính riêng mảng nội địa, biên lợi nhuận gộp đã tăng 70 điểm cơ bản so với quý đầu năm nhờ vào một số yếu tố như: yếu tố mùa vụ khi tiêu thụ sữa trong quý hè cao hơn; biên lãi gộp của dòng sản phẩm sữa tươi 100% cải thiện so với cùng kỳ. Đây là thành quả của sự đầu tư mạnh mẽ của Vinamilk cho hệ thống trang trại bò sữa, tiến tới chủ động nguyên liệu sữa tươi.
Các động lực trong ngắn và trung hạn
Cũng theo một dự báo của VNDirect, doanh thu nội địa của Vinamilk sẽ tăng trưởng 9,8% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm khi nhu cầu phục hồi. Nhu cầu tiêu thụ sữa trong năm 2022 được dự báo sẽ tăng 6% so với cùng kỳ về sản lượng, cao hơn mức 4% của năm trước. Dự báo này dựa trên một số cơ sở (1) mức nền tiêu thụ thấp trong năm 2021; (2) cầu tiêu thụ sữa tăng cao nhằm cải thiện sức khỏe và (3) nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến sức khỏe cao hơn dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch như sữa chua tăng cao.
Các chiến lược tiếp thị của Vinamilk cũng bắt đầu mang lại hiệu quả và thúc đẩy doanh thu nội địa tăng trở lại từ quý 3-2022. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc hệ thống phân phối trong nửa đầu năm được kỳ vọng sẽ mang lại những cải thiện nhất định về tăng trưởng doanh thu trong những quý tới. Ngoài ra, việc học sinh quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè trong quý 3-2022 và Tết Nguyên đán đến sớm được trông đợi sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các tháng cuối năm.