Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành từ ngày mai, 23-9

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định tăng lãi suất điều hành trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát trong mục tiêu "ổn định" lạm phát và tỷ giá.

Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng một số loại lãi suất điều hành. Ảnh minh họa.

Ngày 22-9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành các Quyết định số 1606 và Quyết định số 1607 điều chỉnh một số mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 23-9-2022.

Cụ thể, theo Quyết định số 1606, lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh lên mức 5,0%/năm, còn lãi suất tái chiết khấu 3,5%/năm.

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ  chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 6%/năm.

Như vậy, các loại lãi suất này điều chỉnh tăng thêm 1%/năm so với trước đó.

Bên cạnh đó, Quyết định số 1607 quy định về trần lãi suất tiền gửi. Theo đó, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm. Lãi suất này tăng khoảng 0,3%/năm so với quy định trước đó.

Còn mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1-6 tháng là 5%/năm, riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1-6 tháng là 5,5%/năm. Mức này tăng khoảng 1%/năm so với quy định trước đó.

Trước đó, trong năm 2020, đã giảm lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên với mức cắt giảm là 0,5%/năm kể từ ngày 13-5-2020. Đồng thời, NHNN cũng đã điều chỉnh giảm hàng loạt các loại lãi suất điều hành khác nhau, nhằm phù hợp với diễn biến kinh tế xã hội khi đó là dịch bệnh Covid-19 vừa bùng phát.

NHNN điều chỉnh tăng lãi suất điều hành trong bối cảnh phiên họp chính phủ hôm nay nhắc đến vấn đề Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.

Tại phiên họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát. Theo đó, NHNN sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình.

Trước đó, nhiều tổ chức đưa ra dự báo lãi suất điều hành của Việt Nam sẽ điều chỉnh tăng trong quí 3 trở đi, sau khi nhiều loại lãi suất ở các thị trường các nhau bắt đầu nhích tăng như lãi suất liên ngân hàng (thị trường vay mượn giữa các nhà băng), thị trường huy động vốn từ dân cư.

1 BÌNH LUẬN

  1. Thị trường đã đi trước nhà điều hành một bước. Ngay từ tháng 6/2022 các ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất huy động và cho vay để ứng phó với áp lực căng thẳng về nguồn và sử dụng vốn. Tỷ giá thị trường thực tế đã vượt qua 24 ngàn/ USD. Việc tăng lãi suất điều hành nhắn gởi đi thông điệp về sự thừa nhận sức ép ngày một tăng của tình trạng lạm phát cao. Cả thế giới đã và đang gồng mình chống lạm phát. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Phương châm hơn nhau ở chỗ, hiểu biết để chủ động chung sống với thị trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới