Thứ Ba, 23/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các công ty tái chế pin Hàn Quốc trỗi dậy cùng nhu cầu xe điện

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với thành công hơn mong đợi từ các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), các công ty tái chế pin của Hàn Quốc đang nhắm đến mục tiêu mở rộng ra nước ngoài trong cuộc chạy đua kiểm soát nguồn cung kim loại pin xe điện trên toàn cầu.

Công nhân làm việc trong một nhà máy tái chế pin của Công SungEel ở Gunsan, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg

Giá cổ phiếu của SungEel HiTEch và đối thủ Sebit Chem, hai công ty tái chế pin của Hàn Quốc, đã tăng hơn gấp 3 lần kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Seoul vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8. WCP, nhà sản xuất máy tách pin xe điện lớn thứ hai của đất nước, dự kiến ​​sẽ tiến hành IPO với cuối tháng này với mức định giá 432 tỉ won (306 triệu đô la).

Các công ty tái chế pin ở Hàn Quốc, nơi có 3 trong số 10 nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới gồm LG Energy Solution, Samsung SDI và SK On, có thể dễ dàng tiếp cận phế liệu từ quá trình sản xuất pin và khách hàng mua vật liệu pin tái chế.

Các công ty này đang tận dụng nỗ lực của các công ty sản xuất pin trên khắp thế giới nhằm giảm sự phụ thuộc nguồn cung vật liệu pin từ Trung Quốc và các nhà cung cấp lớn khác gồm Cộng hòa Dân chủ Congo và Indonesia.

Yoon Chang-bae, nhà phân tích của Công ty KB Securities, nói: “Tái chế pin đang trở nên quan trọng hơn về mặt an ninh năng lượng vì các nhà sản xuất pin muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc đảm bảo các vật liệu pin quan trọng”.

Các công ty tái chế pin đã nổi lên như một điểm sáng hiếm hoi trên thị trường chứng khoán đang chùng xuống của Hàn Quốc, khi các nhà sản xuất ô tô đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe chạy bằng năng lượng sạch

“Các nhà đầu tư đang đặt cược vào tiềm năng tăng trưởng của những “mỏ khoáng sản đô thị” này khi giá kim loại pin đang tăng trở lại trong bối cảnh doanh số bán xe điện tăng mạnh ở Trung Quốc”. Yoon Hyuk-jin, nhà phân tích tại Công ty SK Securities, nói.

Trong các đợt IPO vừa qua, cổ phiếu của SungEel và Sebit đã được đặt mua với số lượng vượt trội, đánh bại tỷ lệ đặt mua cổ phiếu của LG Energy Solution, nhà sản xuất pin xe điện lớn thứ hai thế giới, đã huy động được 12,8 ngàn tỉ won (9,8 tỉ đô la) trong đợt IPO lớn nhất của đất nước vào hồi tháng 1.

Được thành lập vào năm 2000, SungEel đã phát triển năng lực tái chế pin cũ từ các bị điện tử di động đã qua sử dụng để trở thành một trong những nhà thu mua và xử lý pin lithium-ion cũ và bị lỗi hàng đầu thế giới. SungEel hiện đang mua pin phế liệu của các nhà sản xuất ô tô và pin xe điện của Hàn Quốc.

Công ty có kế hoạch tăng gấp ba công suất vào năm 2024 bằng cách sử dụng nguồn tiền thu được từ IPO. SungEel đã có 9 nhà máy tái chế trên khắp thế giới, 3 ở Hàn Quốc và số còn lại nằm ở Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Đông Âu.

“Nhu cầu tái chế pin đang tăng nhanh khi vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trở nên quan trọng hơn. Chúng tôi cần xây dựng một nhà máy mới trong năm nay để đáp ứng nhu cầu tăng cao”, một lãnh đạo của SungEel cho biết.

Hoạt động tái chế pin có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giảm giá các kim loại pin quan trọng như nickel, cobalt, đồng và lithium bằng cách đưa chúng trở lại chuỗi cung ứng pin, giảm sự phụ thuộc vào vật liệu thô từ các mỏ. Phế liệu để tái chế có thể đến từ quá trình sản xuất các tế bào pin (pin cell) và pin hết tuổi thọ.

Công ty SNE Research dự báo thị trường tái chế pin xe điện toàn cầu ước tính chỉ có giá trị 400 tỉ won (300 triệu đô la) vào năm 2020 nhưng con số này sẽ tăng hơn 50 lần, lên 21 ngàn tỉ won vào năm 2030.

Mức tăng trưởng đó được củng cố khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đưa ra các quy định mạnh mẽ để thúc đẩy tái chế pin nhằm đảm bảo nguồn cung các khoáng sản chiến lược, khi các dự án khai thác chúng ở trong nước bị đình trệ do gặp khó khăn trong việc xin giấy phép.

Các nhà sản xuất pin Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ các ưu đãi được đưa ra trong đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ nhằm giúp các nhà sản xuất ô tô của Mỹ giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc.

Theo đạo luật này, các nhà sản xuất ô tô ở Mỹ sẽ nhận được các khoản tín dụng thuế đối với xe điện nếu họ sử dụng một tỷ lệ vật liệu pin liệu nhất định có nguồn gốc từ Mỹ hoặc các đối tác thương mại tự do của Mỹ hoặc từ các nguồn tái chế. Xe điện có pin được sản xuất từ nguồn khoáng sản và thành phần từ các công ty nước ngoài sẽ không còn đủ điều kiện nhận các khoản tín dụng thuế đó kể từ năm 2025.

Vào tháng 7, SK On đã khởi động một liên doanh trị giá 7,8 tỉ đô la với Ford để xây dựng ba nhà máy sản xuất pin ở Mỹ.

Hồi tháng 5, hãng xe Hyundai công bố khoản đầu tư 5,5 tỉ đô la để xây dựng nhà máy sản xuất pin và nhà máy lắp ráp xe điện đầu tiên của hãng ở bang Georgia. Trong khi đó, vào đầu năm, LG Energy Solution và hãng xe General Motors của Mỹ công bố khoản đầu tư 2,6 tỉ đô la để xây dựng nhà máy sản xuất pin thứ 3 ở Michigan như một phần trong kế hoạch của liên doanh giữa hai bên.

Các nhà phân tích kỳ vọng các công ty tái chế pin của Hàn Quốc sẽ dần mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài để tiếp cận gần hơn với các nhà sản xuất pin đang xây dựng nhà máy ở phương Tây.

Yoon Hyuk-jin, nhà phân tích của SK Securities, nói: “Sự quan tâm đến các công ty tái chế pin đã tăng lên khi các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung cấp kim loại pin kể từ khi đạo luật IRA được thông qua”.

Các công ty tái chế pin của Hàn Quốc đang cạnh tranh với các đối thủ non trẻ của phương Tây như Li-Cycle (Canada) và Redwood Materials (Mỹ) và Neometals (Úc) khi họ mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài.

Hans Eric Melin, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Circular Energy Storage, cho biết thành công của các công ty tái chế Hàn Quốc nằm ở mối quan hệ chặt chẽ với các nhà sản xuất pin và nỗ lực tích cực tìm nguồn cung ứng pin cũ để tái chế.

Theo Melin, SeungEel và Sebit được định giá thấp hơn so với các công ty tái chế pin ở phương Tây. Li-Cycle, được tập đoàn kinh doanh hàng hóa Glencore hậu thuẫn, có vốn hóa thị trường trên 1 tỉ đô la dù lỗ 23 triệu đô la trong quí 3. Mức vốn hóa thị trường của SungEel là 1,2 tỉ đô la nhưng có lợi nhuận hoạt động trong năm 2021 đạt 16,9 tỉ won.

Melin nói: “Chúng ta hoàn toàn quên rằng trong một thời gian dài, nhiều vật liệu pin được xử lý ở các nước khác, chủ yếu là Hàn Quốc và Trung Quốc. Tất cả các công ty tái chế ở Mỹ và châu Âu đều còn ở khoảng cách rất  xa so với SeungEel, công ty đã có lịch sử hơn 10 năm xử lý pin cũ để tái chế”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới