Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

ADB: Việt Nam điều chỉnh lãi suất là cần thiết

T.H

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng vì lạm phát tăng, một loạt ngân hàng trung ương lớn đã tăng lãi suất để kiềm chế đà tăng của giá, bất chấp những cảnh báo về suy thoái, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm được Ngân hàng Phát triển châu Á đánh giá là bước đi cần thiết để giữ ổn định tỷ giá của đồng nội tệ.

 

Ảnh đồ họa: TL

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết ADB nhận định tăng trưởng kinh tế Việt Nam lần lượt ở các mức 6,5% và 6,7% trong các năm 2022 và 2023 khẳng định chính sách tiền tệ đã giúp Việt Nam kiểm soát nguồn cung tiền và đảm bảo nguồn cung tín dụng, giải quyết áp lực lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để phục vụ quá trình phục hồi.

Mặt khác, hiện Việt Nam không có khoản nợ chính phủ đáng kể nào trên thị trường trái phiếu quốc tế, và Việt Nam cũng có tỷ lệ nợ công tương đối thấp, tương đương 43% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bên cạnh đó, các biện pháp kiểm soát vốn cũng giúp hạn chế các dòng tiền đầu cơ ngắn hạn từ nước ngoài chảy vào và ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ADB, chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tạo ra xu hướng thoái vốn ngắn hạn, song điều quan trọng là các hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn khá lành mạnh, nhờ vào các nền tảng kinh tế vững chắc trong trung hạn và vẫn là một điểm đến hấp dẫn của FDI trong dài hạn.

Ông Andrew Jeffries cho biết, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm cho thấy chính phủ sẵn sàng đưa ra các biện pháp can thiệp cần thiết để duy trì ổn định tiền tệ. Đây được cho là một quyết định khó khăn nhưng phải làm để giữ ổn định tỷ giá của đồng nội tệ với đồng đô la Mỹ dù có thể làm tăng chi phí tài chính.

Sự ổn định của tiền đồng không chỉ giúp Việt Nam duy trì mức giá đầu vào hợp lý cho những mặt hàng xuất khẩu quan trọng mà cũng giúp ổn định cho nhập khẩu rất nhiều hàng hóa trung gian để lắp ráp, hoàn thiện và tái xuất, ông Andrew Jeffries nói.

Tuy nhiên, điều này sẽ gây áp lực lớn lên dự trữ ngoại hối của Việt Nam, đặc biệt là khi thặng dư thương mại và kiều hối - những nguồn cung cho dự trữ ngoại hối, có thể sụt giảm do nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Việc tăng lãi suất cũng làm tăng chi phí tài chính đối với một nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và đặt ra nhiều thách thức khi chính phủ phải điều chỉnh chính sách tài khóa vừa để hỗ trợ tăng trưởng vừa kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái.

Việc lãi suất tăng ở bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ khiến nhu cầu trong nước giảm. Điều đó có nghĩa là chi phí đi vay của các doanh nghiệp sẽ tăng lên và khả năng đầu tư phục vụ tăng trưởng trong tương lai sẽ gặp thách thức. Người dân sẽ do dự với các dự án đầu tư dài hạn như bất động sản trong bối cảnh lãi suất tăng cao và họ phải phụ thuộc vào vay thế chấp.

Đây là một bài toán lớn đối với không chỉ Việt Nam mà còn đối với cả khu vực. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và cần có những chính sách hỗ trợ tài chính chọn lọc cho nhóm những người dễ bị tổn thương nhất nếu lạm phát gia tăng, đại diện ADB nhận định.

Theo ADB và TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới