(KTSG Online) - Áp lực ‘xanh hóa’ hoạt động sản xuất đang đè nặng lên những nhà cung ứng linh kiện và phụ tùng cho các hãng xe, vốn đang nỗ lực hướng đến một tương lai xanh hơn và sạch hơn để đạt các mục tiêu về môi trường. Những nhà cung ứng không đáp ứng được các tiêu chí sản xuất bền vững có nguy cơ bị gạt ra khỏi cuộc chơi.
- Nghị viện châu Âu nhất trí xanh hóa nhiên liệu máy bay kể từ năm 2025
- Dệt may Việt Nam trước áp lực xanh hóa từ EU
Dù đang đối mặt với lạm phát và giá năng lượng tăng cao, nhiều nhà cung ứng ô tô, cho biết họ đang gánh thêm chi phí để sản xuất sản phẩm theo hướng bền vững vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Shane Kirrane, Giám đốc thương mại Tập đoàn Autins, nhà sản xuất sản phẩm cách âm và cách nhiệt cho ô tô, có nhà máy ở Anh, Thụy Điển và Đức, cho biết: “Nếu không gánh thêm chi phí đó, bạn sẽ mất hoạt động kinh doanh trong vòng 5 -6 năm tới”.
Tất cả các nhà sản xuất ô tô lớn đều đã cam kết thực hiện các mục tiêu xanh bằng cách loại bỏ các vật liệu mang nhiều dấu ấn carbon khỏi chuỗi cung ứng để làm hài lòng các cơ quan quản lý và giới đầu tư khi họ chuyển đổi sang xe điện.
Chẳng hạn, hãng xe BMW của Đức cho biết tất cả pin, thép và nhôm mua từ các nhà cung ứng sẽ phải được sản xuất dựa vào năng lượng tái tạo. Trong khi đó, hãng xe Volvo của Thụy Điển nhắm mục tiêu sử dụng 25% nhựa tái chế trong ô tô của hãng vào năm 2025.
Do vậy, nhiều nhà cung ứng ô tô đang đầu tư lớn để ‘ xanh hóa’ các hoạt động của họ, từ việc phát triển các linh kiện, phụ tùng có thể tái chế đến vận hành hoạt động sản xuất bằng năng lượng tái tạo.
Đồng thời, nhiều nhà cung ứng than phiền họ khó có thể tăng giá bán sản phẩm cho các nhà sản xuất ô tô lớn, vốn cũng đang tập trung cắt giảm chi phí sau khi bỏ ra hàng chục tỉ đô la Mỹ để chuyển sang một kỷ nguyên carbon thấp hơn.
Joe McCabe, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường AutoForecast Solutions, nói: “Chúng ta sẽ chứng kiến một một cuộc cải tổ lớn trong 5, 10 năm tới trong chuỗi cung ứng ô tô”.
Ông cho biết các nhà sản xuất ô tô lớn đang yêu cầu các nhà cung ứng phát triển các công nghệ mới để hỗ trợ xe điện và đầu tư vào chuỗi cung ứng xanh hơn. Tuy nhiên, họ cũng đề nghị nhà cung ứng đưa ra mức giá tốt nhất, nếu không, sẽ chuyển sang mua linh kiện và phụ tùng từ các đối thủ khác của họ.
Hãng xe Mercedes-Benz ghi nhận việc bảo đảm không phát thải carbon là một nhiệm vụ nặng nề đối với các nhà cung cấp. Mercedes-Benz đang hướng đến mục tiêu sử dụng rộng rãi các vật liệu có thể tái chế và thép ‘xanh’ được sản xuất bằng năng lượng tái tạo cho ô tô của hãng.
Thương hiệu xe của nước Đức đã lên kế hoạch để đạt được mục tiêu này bao gồm hỗ trợ đào tạo các nhà cung ứng hoặc chia sẻ thành quả của hoạt động nghiên cứu và phát triển với họ.
Về phần mình, Volkswagen cho biết sẽ giảm 30% lượng khí thải carbon trong hoạt động sản xuất ô tô của hãng, bao gồm cả chuỗi cung ứng.
Theo Giám đốc công nghệ Ralf Klaedtke của TE Connectivity (Thụy Sĩ), nhà sản xuất thiết bị kết nối và cảm biến cho ô tô, cuộc chuyển đổi xanh gây tốn kém cho ngay cả những nhà cung ứng lớn nhất, bao gồm TE Connectivity.
TE Connectivity, có vốn hóa thị trường 39 tỉ đô la Mỹ, đã khởi động chiến lược sản xuất bền vững vào năm 2020 và đang phát triển các sản phẩm có thể tái chế với các nhà sản xuất ô tô bao gồm Volkswagen, Volvo và BMW.
Klaedtke nói: “Đối với các nhà cung ứng nhỏ, thách thức thậm chí còn gay gắt hơn. Các nhà cung ứng không đạt tiêu chuẩn về tính bền vững sẽ bị loại khỏi quy trình mua sắm của các hãng xe”.
Đối với Autins của Anh, công ty có doanh thu 26 triệu đô la Mỹ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9-2021, một phần của giải pháp xanh là chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào cuối năm nay.
Autins theo đuổi các mục tiêu xanh để làm hài lòng các cổ đông. Autins, có khách hàng bao gồm Volkswagen và Jaguar Land Rover, đã đầu tư khoảng 50.000 bảng Anh vào việc phát triển vật liệu cách nhiệt có thể tái chế và sẽ sẵn sàng đưa vào sản xuất vào khoảng cuối năm 2022.
Sigit (Ý), nhà sản xuất linh kiện nhựa và cao su cho ô tô, đã đầu tư 10 triệu euro trong giai đoạn 2019-2020 cho một trung tâm nghiên cứu ở TP. Turin, nơi đã phát triển một chốt cài composite nhựa nhiệt dẻo có thể tái chế và nhẹ hơn 90% so với chốt cài kim loại.
Giám đốc điều hành Sigit Emanuele Buscaglione cho biết các vấn đề chuỗi cung ứng từ thời kỳ đại dịch Covid-19 cộng với chi phí tăng cao đã bào mòn hết lợi nhuận của công ty ông.
Sigit đã dành 3 năm để phát triển chốt cài nhựa và hiện đã ký được hợp đồng đầu tiên với Stellantis, hãng sản xuất xe van của Hà Lan
Sigit đang cố gắng tập trung một số nguồn lực vào hoạt động đổi mới. Tuy nhiên, Buscaglione nói cho đến nay, khách hàng (các hãng xe) không muốn trả thêm tiền cho các sản phẩm mới, xanh hơn ngay cả của những thương hiệu cao cấp. Tại Đức, thị trường ô tô lớn nhất châu Âu, các nhà cung ứng cũng đang cảm thấy căng thẳng.
Busch, công ty sản xuất các bộ phận bằng gang bao gồm đĩa phanh và hộp số ở bang North-Rhine Westphalia (Đức), muốn chuyển từ việc đốt than cốc sang năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh khối ‘biocoke’ có nguồn gốc từ rác thải hữu cơ và sử dụng nhiên liệu hydrogen, thay vì khí đốt, để nấu chảy kim loại.
Nhưng rác thải hữu cơ rất khó tìm và cũng không có đủ cơ sở hạ tầng nhiên liệu hydrogen để đáp ứng nhu cầu của công ty, trong khi chi phí năng lượng tái tạo vẫn còn đắt so với điện thông thường.
Busch cho biết các hãng xe chỉ muốn làm việc với các nhà cung ứng sử dụng năng lượng xanh, khiến công ty rơi vào thế khó.
Gerd Roeders, Giám đốc Công ty G.A. Roeders, nhà cung cấp vật liệu cho Volkswagen và hãng linh kiện ô tô Continental, muốn chuyển sang sử dụng hỗn hợp nhiên liệu hydrogen và khí đốt. Nhưng ông cho biết cần có sự hỗ trợ của chính phủ và nhà sản xuất ô tô để xây dựng cơ sở hạ tầng xanh. Roeders nói: “Để đổi mới, ngành công nghiệp cung ứng cần tiền. Chúng tôi cảm thấy có một chút bế tắc”.
Theo Reuters