(KTSG Online) - Một cuộc cạnh tranh khốc liệt đang bắt đầu hình thành ở thị trường xe điện Đông Nam Á giữa các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang thống trị và các tay chơi mới từ Trung Quốc và các hãng xe bản địa. Dù mới gia nhập thị trường khu vực các đối thủ, Trung Quốc đã chứng tỏ được ưu thế nhờ giá bán rẻ.
- Các công ty tái chế pin Hàn Quốc trỗi dậy cùng nhu cầu xe điện
- Startup xe điện Trung Quốc ‘gặm nhấm’ thị phần của hãng xe truyền thống
Với dân số khoảng 675 triệu người, Đông Nam Á hứa hẹn là một phần thưởng lớn cho người thắng trong cuộc cạnh tranh này. Doanh số bán xe con hàng năm ở Đông Nam Á dự kiến tăng hơn gấp đôi, lên khoảng 5 triệu xe vào năm 2040 khi dân số và kinh tế đều tăng trưởng.
Hiện nay, những mẫu xe có giá cả phải chăng từ các thương hiệu Nhật Bản gồm Toyota, Honda, Mitsubishi, Daihatsu và Mazda đang thống trị thị trường xe con trong khu vực. Khoảng 78% xe hơi và xe thể thao đa dụng được bán trong năm 2019 tại Indonesia, thị trường ô tô lớn nhất trong khu vực, có giá dưới 20.000 đô la Mỹ.
Thị trường xe điện ở Đông Nam Á vẫn còn nhỏ với chỉ chưa đến 16.000 chiếc đã được bán ở khu vực này vào năm ngoái trong tổng số 6,6 triệu xe điện được giao cho khách hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, làn sóng chuyển đổi sang xe điện đang mở ra cơ hội để các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như SAIC, Wuling, Great Wall, BYD cũng như Hyundai của Hàn Quốc và Vinfast của Việt Nam gia tăng doanh số ở khu vực đang phát triển nhanh chóng này khi các đối thủ Nhật Bản vẫn chưa vội cung cấp nhiều xe điện hơn cho người tiêu dùng.
Cho đến năm ngoái, các chính phủ Đông Nam Á vẫn chưa đưa ra bất cứ chính sách trợ cấp hấp dẫn nào hoặc các quy định tiết kiệm nhiên liệu nghiêm ngặt vốn đã giúp hỗ trợ phổ cập xe điện ở châu Âu và các nước khác. Điều đó khiến các hãng xe đang thống trị thị trường như Toyota và Honda không sốt sắng cung cấp nhiều mẫu xe điện cho khu vực này. Trên thực tế, hầu như không có nhà sản xuất ô tô toàn cầu nào hiện nay cung cấp xe điện ở mức giá có thể thu hút thị trường đại chúng và đạt được tính quy mô kinh tế trong khu vực.
Tuy nhiên, điều này có thể đến lúc phải thay đổi. Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã nhanh chóng tung ra các mẫu xe điện giá mềm mà họ sản xuất và bán ở Trung Quốc. Giờ đây, họ bắt đầu mang nhiều mẫu xe trong số này đến thị trường Đông Nam Á.
Great Wall Motor và MG Motor, thương hiệu của hãng xe nhà nước SAIC Motor, đã giới thiệu ba mẫu xe điện ở Thái Lan có giá bán chỉ từ 20.000 -30.000 đô la Mỹ. Trong nửa đầu năm 2022, Great Wall Motor bán được 5.219 xe điện ở Thái Lan và con số này của MG Motor là 4.500 xe. Xe điện được đón nhận ở Thái Lan một phần là nhờ trợ cấp của chính phủ, có thể lên đến 150.000 baht (gần 4.000 đô la Mỹ) cho mỗi chiếc xe điện.
Wuling, một nhà sản xuất ô tô khác của Trung Quốc, có mẫu xe điện Hongguang Mini EV bán rất chạy ở quê nhà, đã giới thiệu mẫu xe điện Air EV cỡ nhỏ có giá bán chỉ 16.000 đô la Mỹ ở Indonesia. Air EV có tầm hoạt động tối đa từ 200-300km tùy phiên bản sau mỗi lần sạc đầy pin. Nó được bán kèm theo chính sách bảo hành chung 3 năm hoặc 100.000 km, tùy điều kiện nào đến trước. Riêng hệ thống pin sẽ được bảo hành 8 năm hoặc 120.000 km. Các tính năng nổi bật của mẫu xe này bao gồm kết nối internet trong xe, điều khiển bằng giọng nói. Mới đây, Wuling đã giao 100 chiếc Air EV đầu tiên cho các khách hàng ở Jakarta. Hãng cho biết sẽ lắp ráp 10.000 xe Air EV mỗi năm ở một nhà máy tại Indonesia để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và một số nền kinh tế phương Tây cũng khiến cho Đông Nam Á trở thành trung tâm sản xuất ở nước ngoài hấp dẫn hơn cho những nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang tìm cách vươn ra khỏi thị trường quê nhà. Các ưu đãi mà các chính phủ Đông Nam Á dành các công ty nước ngoài đầu tư vào sản xuất điện và pin lithium-on ở nước họ đã thúc đẩy một loạt các khoản đầu tư từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào khu vực.
Các nhà sản xuất ô tô gồm Hyundai của Hàn Quốc và BYD, Great Wall Motor, MG Motor và Wuling của Trung Quốc đã chọn Indonesia hoặc Thái Lan làm trung tâm sản xuất xe điện của họ ở khu vực Đông Nam Á.
Trong tháng này, BYD thông báo sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện ở Thái Lan với công suất 150.000 xe/năm. Xe lắp ráp tại nhà máy sẽ được xuất khẩu sang các nước ASEAN và châu Âu.
Sự chuyển đổi công nghệ nhanh chóng cũng cho phép nhiều doanh nghiệp trong khu vực tham gia làn sóng xe điện. Hãng xe Vinfast, được hỗ trợ bởi tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup, đã bắt đầu bán xe điện tại thị trường trong nước từ năm ngoái. Vinfast đặt mục tiêu xuất khẩu lô hàng xe điện đầu tiên sang châu Âu vào cuối năm nay và bắt đầu sản xuất xe điện tại Mỹ vào năm 2024.
Các chính phủ ở Indonesia và Thái Lan cũng đang khuyến khích các tập đoàn dầu khí nhà nước của họ đầu tư vào chuỗi giá trị xe điện để tăng năng lực sản xuất địa phương và tạo ra các tên tuổi quốc gia có thể cạnh tranh toàn cầu trong ngành công nghiệp mới nổi này.
Những tay chơi mới hiện ở vị thế thuận lợi để nắm bắt hầu hết sự tăng trưởng của thị trường xe điện ở Đông Nam Á trong 3 năm tới. Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg dự báo doanh số xe điện hàng năm trong khu vực sẽ tăng từ 16.000 chiếc vào năm 2021 lên gần 81.000 vào năm 2025. Con số đó vẫn khiêm tốn theo tiêu chuẩn toàn cầu nhưng với với các động lực thị trường như hiện tại, các hãng xe Nhật Bản sẽ đánh mất cơ hội đón đầu phần lớn mức tăng trưởng này trừ khi họ tăng tốc ra mắt các mẫu xe điện mới ở Đông Nam Á.
Tất nhiên, câu chuyện thị trường sẽ không suôn sẻ đối với những nhà sản xuất ô tô mới xuất hiện ở Đông Nam Á. Người tiêu dùng trong khu vực vẫn tin tưởng cao vào các thương hiệu ô tô hiện nay của Nhật Bản. Và đó có thể là một trở ngại lớn đối với những tay chơi mới. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng có mạng lưới bán hàng và dịch vụ được thiết lập ổn định mà họ có thể sử dụng để tiếp cận nhiều thị trường và người tiêu dùng hơn khi quyết định mở rộng quy mô sang xe điện. Những tay chơi mới đang cung cấp các tính năng thông minh hơn cho xe điện như trợ lý kỹ thuật số, tính năng kết nối dựa trên ứng dụng để thu hút khách hàng trẻ tuổi và thu hẹp khoảng cách giá trị thương hiệu khi họ cạnh tranh để nhắm đến phần thưởng thị phần trong dài hạn.
Theo Bloomberg