Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đường ống Nord Stream bị rò rỉ, châu Âu và châu Á lại cuống cuồng mua khí đốt

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hai đường ống dẫn khí đốt của Nga đến châu Âu, Nord Stream 1 (NS1) và Nord Stream 2 (NS2) bất ngờ bị rò rỉ, nghi ngờ do bị phá hoại. Diễn biến mới này cùng với việc Nga đe dọa dừng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua một đường ống trung chuyển chạy qua Ukraine đã làm gia tăng sự cạnh tranh mua các lô hàng khí đốt hỏa lỏng (LNG) giữa châu Á và châu Âu vốn đã nóng lên trong năm qua.

Hình ảnh chụp từ máy bay chiến đấu F16 của Không quân hoàng gia Đan Mạch cho thấy mặt biển sủi bọt do sự cố rò rỉ ở đường ống Nord Stream chạy ngầm dưới biển Baltic. Ảnh: RDAF

Đường ống bị rò rỉ là do hành động “có chủ ý”

Hôm 27-9, các nước châu Âu cho biết đang mở cuộc điều tra sự cố rò rỉ ‘không thể giải thích’ ở hai đường ống NS 1 và NS2 ở đoạn chạy ngầm dưới biển Baltic gần Thụy Điển và Đan Mạch. Sáng nay (28-9), Cao ủy chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Josep Borrell cho biết thiệt hại nghiêm trọng đối với hai đường ống dẫn khí đốt từ Nga là hành động 'có chủ ý' và EU sẽ thực hiện nhiều bước hơn để củng cố an ninh năng lượng.

Mạng lưới địa chấn quốc gia Thụy Điển ghi nhận hai vụ nổ có thể đã xảy ra ở khu vực gần các đường ống Nord Stream vào hôm 26-9, tuy nhiên không rõ liệu chúng có liên quan đến các vụ rò rỉ ở hệ thống đường ống này hay không. Theo Thủ tướng Đan Mạch, Mette Frederiksen, không rõ điều gì đã gây ra các vụ nổ nhưng chúng là kết quả của “các hành động có chủ ý”.

Tại Moscow, bình luận về nguyên nhân rò rỉ đường ống Nord Stream người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói rằng Nga không loại trừ bất cứ giả thuyết nào.

Nord Stream AG, công ty vận hành đường ống NS1, nói rằng hiện tại, chưa thể ước lượng được thời gian khắc phục xong sự cố rò rỉ này.

Nord Stream AG cho biết trong một tuyên bố: “Sự cố rò rỉ  xảy ra cùng ngày trên ba đoạn đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi của hệ thống Nord Stream là chưa từng tiền lệ”.

Mặc dù cả hai đường ống Nord Stream đều không hoạt động, chúng vẫn chứa khí đốt do áp suất. Nga đóng cửa đường ống NS1 “vô thời hạn” kể từ đầu tháng 9 với lý do một tuốc-bin ở trạm nén khí Portovaya gần TP. St. Petersburg bị rò rỉ dầu. Trong khi đó, dù đã hoàn thành, đường ống NS 2, chạy song song với NS1, vẫn chưa được vận hành thương mại sau khi Đức đình chỉ chứng nhận đối với nó để phản ứng quyết định Moscow công nhận độc lập đối với hai vùng ly khai ở miền đông của Ukraine hồi tháng 2

Tuy nhiên, sự cố rò rỉ trên có thể dập tắt bất cứ kỳ vọng nào còn lại về việc châu Âu có thể tiếp nhận trở lại khí đốt của Nga qua đường ống NS1 trước mùa đông năm nay.

Thị trường khí đốt châu Âu và châu Á nóng trở lại

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng mạnh trước nghi vấn đường ống Nord Stream bị phá hoại và và tăng hơn nữa sau khi hôm Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga, Gazprom cảnh báo các dòng chảy khí đốt của Nga qua Ukraine để cung cấp cho châu Âu cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi một vụ tranh chấp lý. Hôm 27-9,  Gazprom cho biết có thể đề xuất đưa Công ty vận hành đường ống dẫn khí Naftogaz của Ukraine vào danh sách các thực thể bị trừng phạt của Nga với cáo buộc công ty này không vận chuyển khí đốt của Nga về phía tây theo hợp đồng mua bán của họ. Điều này có thể dẫn đến việc Gazprom dừng thanh toán phí vận hành khí đốt trung chuyển cho Naftogaz, một động thái mở đường cho việc tạm dừng các chuyến hàng khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống của Naftogaz.

Nếu dòng chảy khí đốt của Nga qua Ukraine bị ngừng lại, nguồn cung cho Tây Âu sẽ bị cắt đứt và chỉ còn lại đường ống TurkStream dẫn khí đốt của Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng nhỏ ở châu Âu vẫn đang duy trì quan hệ thân thiện với Nga.

Henning Gloystein, Giám đốc bộ phận năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group ở London, cho biết: “Với những sự kiện xung quanh Nord Stream 1 và 2, đây  là một dấu hiệu cho thấy Moscow có ý định ngừng cung cấp khí đốt cho EU nhưng có lẽ lẽ vẫn duy trì lượng khí đốt ít ỏi đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ”.

Rủi ro Nga cắt giảm thêm nguồn cung khí đốt cho châu Âu sẽ dẫn đến tình trạng nguồn khan hiếm hơn trên một thị trường khí đốt vốn căng thẳng.

Giá khí đốt chuẩn ở châu Âu có lúc tăng hơn 20% trong phiên giao dịch 27-9 và với giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tương lai ở châu Á cũng tăng do triển vọng nguồn cung xấu đi. Giá khí đốt ở châu Âu tiếp tục tăng thêm 12% vào hôm 28-9.

Hôm 28-9, giá chào bán LNG giao tháng 12 ở châu Á  là khoảng 51 đô la/triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu), tăng 8 đô la so với hôm trước,  theo các nhà giao dịch và môi giới. Họ cho biết giá LNG ở châu Á đã tăng khoảng 20% ​​kể từ ngày 26-9. Trước đó, kỳ vọng các kho lưu trữ khí đốt của EU sẽ đạt 85% công suất trước mùa đông đã giúp giá LNG giảm về mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7.

Toby Copson, Giám đốc bộ phận kinh doanh và cố vấn toàn cầu ở Công ty kinh doanh khí đốt Trident LNG, nhận định: “Châu Âu sẽ phải tìm mua khí đốt ở những nơi khác vô thời hạn và sẽ kỳ vọng nhiều vào nguồn cung LNG của Mỹ. Châu Á và châu Âu sẽ lao vào một cuộc cạnh tranh. Chúng ta sẽ cần chờ xem Nhật Bản và Hàn Quốc phản ứng như thế nào”.

Các nhà giao dịch cho biết khách hành hàng châu Âu đang gấp rút đặt tàu để chở nhiều LNQ của Mỹ qua Đại Tây Dương, đẩy giá cước tàu chở LNG  lên mức gần kỷ lục. Trước chiến tranh,  40% nhu cầu khí đốt ống của châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga nhưng con số hiện nay chỉ còn khoảng 9%.

Châu Âu này sẽ cần mua thêm 90% LNG trên thị trường giao ngay so với mua LNG thông qua các hợp đồng dài hạn nếu nguồn cung khí đốt của Nga bị cắt đứt hoàn toàn vào đầu tháng 10, Công ty tài chính năng lượng Bloomberg cho biết trong một báo cáo.

Tuy nhiên, việc Nhật Bản tích cực mua LNG trong vài tháng qua có thể làm giảm tác động do nước này đang có mức dự trữ LNG cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm. Trong khi đó, Trung Quốc đã có đủ nguồn cung do nhu cầu công nghiệp giảm trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Alex Chow, Giám đốc đầu tư tại Công ty Infinity Asset Management, cho rằng nếu châu Âu cần nhiều LNG hơn, điều đó sẽ thúc đẩy giá LNG ở châu Á. Tuy nhiên, đồng đô la Mỹ mạnh có nghĩa là khí đốt sẽ thậm chí còn đắt hơn đối với hầu hết người mua và có thể làm giảm nhu cầu ở châu Á.

Các nhà phân tích của Công ty Energi Danmark nhận định tin tức về sự cố rò rỉ ở đường ống NS1 kích thích các chuyển động tăng giá đối với khí đốt tự nhiên vì việc khởi động lại NS1 “càng trở nên không chắc chắn”.

Theo CNN, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới