(KTSG Online) – Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) khẳng định pháp luật đã quy định rất rõ việc nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm khi vay tiền tại ngân hàng thương mại.
- Cấm chi ngoài cho đại lý bán bảo hiểm xe máy bắt buộc
- Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản trực tiếp
Đưa bancassurance thành động lực phát triển của doanh nghiệp bảo hiểm
Bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) đã phát triển nhanh chóng và dần trở thành một trong hai kênh phân phối sản phẩm chủ lực, bên cạnh kênh đại lý bảo hiểm, của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, doanh thu phí bancassurance chiếm khoảng 7% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ giai đoạn 2019-2021 và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định qua từng năm.
Với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bancassurance đạt gần 37.000 tỉ đồng và chiếm 23% tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua tất cả các kênh phân phối vào năm 2021.
Nếu tính riêng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng thì con số này vào năm 2021 cao hơn khoảng 58% so với năm 2020.
“Kênh bancassurance đã tạo động lực phát triển mới và mạnh mẽ cho doanh nghiệp bảo hiểm, thị trường bảo hiểm; tạo thế cạnh tranh mới giữa các doanh nghiệp bảo hiểm; đã góp phần tích cực vào sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bảo hiểm trong giai đoạn vừa qua”, bà Phương nói tại một diễn đàn về tiềm năng của bancassurance hồi cuối tháng 7.
Để thị trường này phát triển bền vững trong dài hạn, bà Phương cho biết Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ 1-1-2023 đã có những quy định riêng với kênh bancassurance theo hướng tăng cường trách nhiệm của các đại lý là tổ chức, trong đó có tổ chức tín dụng với hoạt động tư vấn, chào bán, giới thiệu sản phẩm.
Theo đó, sẽ có các yêu cầu liên quan đến trình độ, năng lực của cán bộ phụ trách hoạt động đại lý bảo hiểm, các điều kiện về hệ thống thông tin kết nối giữa doanh nghiệp bảo hiểm và đại lý tổ chức, điều kiện về việc thiết lập quy trình giám sát hoạt động đại lý tổ chức.
Tất cả nhằm đảm bảo các đại lý tổ chức bố trí các nguồn lực tương xứng với yêu cầu của hoạt động tư vấn, chào bán bảo hiểm.
Với các văn bản dưới luật, bà Phương cho biết sẽ bổ sung quy định về tài liệu minh họa bán hàng do doanh nghiệp bảo hiểm phát hành và quản lý. Các đại lý không được tự ý thay đổi nội dung trong tài liệu minh họa bán hàng.
“Tài liệu minh họa bán hàng này phải miêu tả một cách đầy đủ, chính xác tất cả điều kiện, điều khoản bảo hiểm, loại bảo hiểm, trách nhiệm bảo hiểm rồi những giá trị hoàn lại của sản phẩm”, bà Phương nói.
Về trách nhiệm của nhân viên tư vấn, quy định mới sẽ yêu cầu tư vấn viên không được hứa hẹn các khoản lợi nhuận không chắc chắn hoặc trình bày thông tin sai lệch về sản phẩm. Ngoài ra, không được tạo ra những ấn tượng giả nhằm thu hút khách hàng, cạnh tranh không lành mạnh.
Thông tin thêm với KTSG Online, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết sẽ bổ sung nhóm quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp thông tin cho bên mua bảo hiểm, việc quản lý chất lượng của nhân viên tư vấn trong tổ chức đại lý để tăng cường trách nhiệm của tổ chức đại lý trong việc tư vấn sản phẩm. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc kiểm tra, đánh giá và đảm bảo chất lượng dịch vụ đại lý bảo hiểm, đặc biệt là đối với kênh ngân hàng.
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, cũng kiến nghị các cơ quan quản lý bổ sung những nội dung quy định liên quan đến bancassurance trong quá trình sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng từ nay đến hết năm 2030 để đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán, tạo lực phát triển cho thị trường.
Bên cạnh đó, cần đầu tư nhiều hơn cho đào tạo, huấn luyện kỹ năng tư vấn và kiến thức của đội ngũ bán hàng và đội ngũ thực hiện dịch vụ sau bán hàng.
Khắc phục tình trạng ngân hàng bán bảo hiểm ‘bia kèm lạc’
Những khuyến nghị của đại diện Bộ Tài chính và chuyên gia được đưa ra trong bối cảnh cử tri của một số địa phương nhiều lần phản ánh việc khách hàng được khuyến khích (nhưng thực chất là ràng buộc) mua bảo hiểm nhân thọ với giá trị hợp đồng hàng trăm triệu đồng khi vay tiền tại một số ngân hàng thương mại và đa số khách hàng đều phải chấp nhận, sau đó bỏ hợp đồng.
Lý giải thực trạng này, một chuyên gia ngành bảo hiểm cho biết sự phát triển rất nhanh của kênh bán bảo hiểm thông qua các ngân hàng đã dẫn tới tình trạng nhân viên ngân hàng tư vấn không đầy đủ, gây hiểu nhầm về sản phẩm bảo hiểm với sản phẩm ngân hàng, đặc biệt đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Một số nhân viên tín dụng cũng “gợi ý” khách hàng tham gia hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Thậm chí, có hiện tượng một số ngân hàng sau khi chấm dứt hợp đồng thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm cũ để ký kết thỏa thuận với doanh nghiệp mới đã cho nhân viên tư vấn khách hàng chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp cũ để tham gia doanh nghiệp mới, gây thiệt hại đến quyền lợi khách hàng.
Những hành vi “gợi ý” này, theo chuyên gia bảo hiểm, đã làm mất tính tự nguyện tham gia hợp đồng của khách hàng. Đồng thời, làm sai lệch bản chất của sản phẩm bảo hiểm và có tác động không tốt tới hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
“Theo quy định pháp lý hiện hành, doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo quy định với mọi hành vi vi phạm của các đại lý bảo hiểm. Nhưng để chứng minh được hành vi sai phạm của việc ‘gợi ý’ khách hàng là rất khó”, chuyên gia này cho biết.
Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Cụ thể, các văn bản trả lời cử tri của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết pháp luật về kinh doanh bảo hiểm quy định việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, dựa trên nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, không được bắt buộc khách mua bảo hiểm. Theo đó, các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng không yêu cầu bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Còn Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết pháp luật hiện hành quy định nhân viên của các tổ chức tín dụng tham gia tư vấn, chào bán bảo hiểm phải được trang bị kiến thức về bảo hiểm và thị trường bảo hiểm nhằm hiểu đúng và rõ về sản phẩm tư vấn cho khách hàng. Ngoài ra, quy định pháp luật cũng yêu cầu tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo khách hàng được cung cấp đầy đủ thông tin khi tham gia bảo hiểm để lựa chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu bảo hiểm và khả năng tài chính của mình.
Thậm chí, đã có những quy định pháp luật yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu toàn bộ trách nhiệm với các hoạt động của đại lý tổ chức trong các giao dịch bảo hiểm với mục tiêu ràng buộc và đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động với đại lý tổ chức, quy định của pháp luật.
Vì vậy, trường hợp nhân viên ngân hàng tư vấn sai hoặc không đầy đủ, vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm, thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn là bên chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do ngân hàng thu xếp giao kết.
Để giải quyết tình trạng nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm theo hình thức “bia kèm lạc”, NHNN cho biết đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát toàn hệ thống. Ngoài ra, tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng nhằm đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Cơ quan này cũng nghiêm cấm hành vi bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm và yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp ngân hàng bắt khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng.
Theo thống kê của diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, có 16/18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã ký 61 hợp đồng để bán bảo hiểm thông qua các ngân hàng, tổ chức tín dụng tại Việt Nam tính đến 31-12-2021, gồm: 40 hợp đồng có thỏa thuận phân phối độc quyền, 21 hợp đồng không có thỏa thuận phân phối độc quyền.
Tôi đã từng chịu cảnh (và rất nhiều người dân từng nếm trải) việc đến ngân hàng vay tiền nhưng muốn vay được thì phải ký HĐ mua bảo hiểm nhân thọ trị giá mỗi năm 1-2 chục triệu đồng và người dân chấp nhận mua gói BH của nhân viên NH giới thiệu và nộp ngay 10-20 triệu đồng (với lượng vay NH khoảng 1 tỉ đồng), và khi vay xong thì bỏ luôn 10-20 triệu đồng này.