(KTSG Online) – Trong giai đoạn thị trường vốn có nhiều biến động, bất động sản vẫn là một kênh hấp dẫn dòng tiền đầu tư cả trong ngắn hạn và dài hạn. Các chuyên gia khuyến cao rằng nhà đầu tư cá nhân cần chú trọng tính pháp lý và năng lực đầu tư của mình, và điều này cũng sẽ định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường.
- Bất động sản là đại diện cho kinh tế của Việt Nam?
- Sẽ xem xét ‘luật hóa’ condotel và thanh toán giao dịch bất động sản qua ngân hàng
Tại cuộc tọa đàm và giao lưu trực tuyến “Giải mã các kênh đầu tư hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hiện nay” do Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam và Reatimes tổ chức vào chiều ngày 29-9, ông Phạm Nguyễn Toan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết tín hiệu tích cực đang dần xuất hiện trong giai đoạn hậu Covid. Do đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân đang quan tâm đến việc nhận diện xu hướng và cơ hội đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế. Ông dẫn chứng các phân tích cho thấy trong các kênh đầu tư trên thị trường vốn, bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn dòng tiền kể cả về ngắn hạn lẫn dài hạn.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đóng góp khoảng 13,67% GDP, cùng với công nghiệp, thương mại - dịch vụ, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp… làm nên những trụ cột phát triển của nền kinh tế.
Nhờ hệ thống chính trị và nền kinh tế vĩ mô ổn định, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có những biến động, Việt Nam vẫn có những tín hiệu tích cực về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đạt 16,8 tỉ đô la Mỹ tính đến 20-8. Bên cạnh đó, các kênh đầu tư trong nước như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, vàng, tiết kiệm ngân hàng… cũng đang ghi nhận những chuyển biến tích cực nhờ dòng tiền đầu tư gia tăng trở lại.
Khi trả lời câu hỏi của một người tham dự tọa đàm về việc nhà đầu tư có 6-10 tỉ đồng nên đầu tư vào kênh nào hiện nay và các khu vực nào đang sinh lời hiệu quả, ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết nhà đầu tư thường sợ rủi ro nên không bỏ trứng vào một giỏ. Bất động sản vẫn là kênh đầu tư sáng trong thời điểm hiện nay, chứng khoán là kênh chỉ dành cho những nhà đầu tư có kiến thức tài chính.
Khi nêu quan điểm về xu hướng đầu tư cùng những dự báo về triển vọng của các sản phẩm nghỉ dưỡng, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết nhiều nhà phát triển bất động sản hiện nay đang quan tâm và lựa chọn đầu tư vào bất động sản du lịch. Nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cũng tăng cao. Sống xanh, sống khỏe, sống nhân văn, cá tính trở thành xu hướng. Xu hướng đó rất phù hợp với cuộc cách mạng bất động sản hiện nay. Không chỉ sau đại dịch Covid-19, nhu cầu liên quan đến chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng mới tăng cao mà còn do thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng cao lên, dẫn đến nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cũng mạnh theo.
Xu hướng bất động sản nghỉ dưỡng là xu hướng hấp dẫn. Ông dẫn chứng câu chuyện Bali (Indonesia) hấp dẫn bằng văn hóa truyền thống. Về văn hóa truyền thống, miền Trung rất có lợi thế. Hiện nay, trong quy hoạch, đôi khi một số địa phương hơi thiên quá về bất động sản du lịch, ví dụ như Đà Nẵng phát triển mạnh bất động sản du lịch đã làm chậm việc xây dựng Đà Nẵng như một khu đô thị đa năng. Nên phát triển Đà Nẵng không chỉ là nơi đáng đến mà còn là nơi đáng sống.
Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Singapore đang đi nhanh hơn Việt Nam qua việc có ưu đãi rất lớn với những người thu nhập cao, chuyên gia cao cấp… Ông khuyến nghị nên phát triển đô thị đa năng gắn với chức năng du lịch. Như Hội An hiện nay mới là thành phố thuần du lịch, còn Quảng Ninh không nên chỉ là đô thị du lịch. Xu hướng hiện nay là xây dựng các thành phố đa năng, đáng sống thu hút nhiều cư dân thu nhập cao, các chuyên gia cao cấp…
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nêu quan điểm phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng thì các dự án phải đủ lớn, phát triển đầy đủ cả khu vui chơi giải trí mới thu hút được du khách, giá trị bất động sản mới tăng được. Nhà đầu tư sẽ kỳ vọng vừa có thể cho thuê, vừa có thể tăng giá trị bất động sản trong tương lai, đó mới là kỳ vọng thực sự của họ. Mà giá trị bất động sản chỉ có thể tăng ở các dự án sở hữu đầy đủ điều kiện để phát triển. Trong phần trả lời câu hỏi liên quan đến rủi ro đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng điều quan trọng nhất là tính pháp lý. Thỏa thuận hợp đồng giữa chủ đầu tư và người mua phải rõ ràng, hợp lý. Các nhà đầu tư cần cẩn trọng nghiên cứu kỹ để tránh rủi ro trước khi xuống tiền.
Đồng tình với ý kiến của ông Hà, TS. Cấn Văn Lực cho rằng tính pháp lý và năng lực đầu tư là những điều vô cùng quan trọng. Ông Lực cho rằng dự án nếu được quản lý bởi những chủ đầu tư chuyên nghiệp, uy tín thì sẽ yên tâm hơn. Thời điểm hiện nay không nên dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều bởi lãi suất đang tăng. Thị trường lên xuống, nhiều lúc nhà đầu tư muốn bán để trả nợ nhưng chưa chắc đã bán được.
Theo ông, kinh tế tài chính, vấn đề thanh khoản của thị trường là vô cùng quan trọng. Mua nhưng chưa chắc ở lâu dài, đến khi muốn bán đi thì phải có thanh khoản, phải có người mua. Ông tư vấn hoạt động mua bán nên thông qua các công ty môi giới, tư vấn chuyên nghiệp. Chấp nhận mất đi một phần phí nhưng nó xứng đáng bởi các đơn vị này sẽ tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư về pháp lý, thông tin, tìm hiểu về thị trường…