Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đô la Mỹ mạnh lên gây khó khăn cho thế giới như thế nào?

Thư Kỳ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đô la Mỹ mạnh làm giá cả hàng nhập khẩu ở nhiều nước tăng vọt, nợ nước ngoài tính bằng đô la phình to, tạo ra rủi ro suy thoái kinh tế khắp toàn cầu.

Trong khi dồn sức chống lạm phát, nước Mỹ đã để đồng tiền nước mình mạnh lên khi liên tục nâng lãi suất. Với các nước khác, giá trị đồng tiền sẽ giảm sút nghịch với đà tăng của lạm phát nhưng với nước Mỹ thì không - bất kể lạm phát cao, đô la Mỹ vẫn đang tăng giá so với hầu hết đồng tiền của các nước trên thế giới. Đó là bởi đô la Mỹ không chỉ được xài như một đồng tiền bình thường bên trong nước Mỹ; nó còn là đồng tiền chủ chốt trong giao thương quốc tế, trong vay mượn giữa các nước và trong nhiều lãnh vực khác. Vì thế đô la Mỹ mạnh làm giá cả hàng nhập khẩu ở nhiều nước tăng vọt, nợ nước ngoài tính bằng đô la phình to, tạo ra rủi ro suy thoái kinh tế khắp toàn cầu.

Đô la Mỹ mạnh cũng dồn các nước nợ nước ngoài nhiều như Argentina, Ai Cập, Kenya vào chỗ vỡ nợ hay chặn đứng dòng chảy đầu tư nước ngoài vào các thị trường đang phát triển như Ấn Độ hay Hàn Quốc.

Tại Nigeria và Somalia, nơi nạn đói đang lấp ló ngoài cửa, đô la mạnh đẩy giá lương thực, nhiên liệu, thuốc men nhập khẩu tăng cao. Đô la Mỹ mạnh cũng dồn các nước nợ nước ngoài nhiều như Argentina, Ai Cập, Kenya vào chỗ vỡ nợ hay chặn đứng dòng chảy đầu tư nước ngoài vào các thị trường đang phát triển như Ấn Độ hay Hàn Quốc.

Vì sao đô la Mỹ cứ mạnh lên trong khi báo chí Mỹ luôn luận bàn chuyện khi nào thì nước này rơi vào suy thoái? Bất kể tình hình kinh tế bên trong nước Mỹ, vì đồng đô la được sử dụng rộng rãi như đồng tiền dự trữ của thế giới, được dùng để định giá lương thực, nhiên liệu, máy móc… nên một khi thế giới bất ổn vì đại dịch, chiến tranh và biến đổi khí hậu, ai nấy đều cất giữ đô la như một cách phòng ngừa rủi ro. Mỹ in ra bao nhiêu đô la, thế giới tiêu thụ hết nên mặc dù bên trong nước Mỹ lạm phát đang cao; bên ngoài nước Mỹ giá đô la vẫn không ngừng tăng lên so với đồng tiền các nước, nhất là khi Mỹ liên tục nâng lãi suất.

Thông thường, khi đồng tiền của các nước như yen của Nhật mất giá so với đô la Mỹ, hàng hóa xuất khẩu của Nhật sẽ hưởng lợi thế rẻ đi nên Nhật sẽ bán được nhiều hàng hơn. Thế nhưng hiện nay các doanh nghiệp Nhật không còn mặn mà với chuyện tận dụng đồng yen rẻ để bán hàng nữa, vì ngược lại đô la Mỹ tăng làm giá cả nhiên liệu, nguyên liệu, máy móc tăng theo, ăn hết lợi nhuận của họ.

New York Times đưa ra một ví dụ để minh họa: cách đây 1 năm, để nhập khẩu 100 đô la dầu thô hay để trả 100 đô la tiền nợ, các nước sẽ tiêu tốn lần lượt 1.572 bảng Ai Cập, 117.655 won Hàn Quốc hay 41.244 naira Nigeria. Giả định không có lạm phát hay tăng giá hàng hóa, cũng để nhập cùng 100 đô la dầu thô hay cũng để trả 100 đô la nợ, họ sẽ tiêu nhiều hơn - 1.950 bảng Ai Cập, 143.158 won Hàn Quốc hay 43.650 naira Nigeria!

Ngược lại, đô la Mỹ mạnh đang giúp nước này kiềm chế bớt lạm phát vì giá hàng nhập khẩu đang giảm.

Jason Furman, một giáo sư kinh tế Đại học Harvard, nhận định đô la Mỹ mạnh đang là cách Mỹ xuất khẩu lạm phát ra thế giới và giảm bớt áp lực lạm phát ở trong nước. Gánh nặng nợ nần tính bằng đô la Mỹ đang đè lên các nước nghèo. Trong quá khứ đã từng có thời điểm Mỹ nâng lãi suất và gây nên khủng hoảng nợ ở các nước châu Mỹ Latinh vào thập niên 1980. Nay tình hình còn bi đát hơn với nhiều nước do đã vay mượn nhiều để đối phó đại dịch Covid-19, lại thiếu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu như nhiên liệu hay lương thực, thuốc men.

Trong một cuộc chiến tiền tệ ngược, thay vì phá giá đồng tiền để xuất khẩu, các nước buộc phải nâng lãi suất để chống lạm phát. Chỉ trong vòng một tuần, hàng loạt nước nâng lãi suất như Argentina, Philippines, Brazil, Indonesia, Nam Phi, Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất, Thụy Điển, Ảrập Saudi, Anh, Na Uy… Cuộc đua lãi suất có những hệ lụy xấu cho nền kinh tế nên Ngân hàng Thế giới mới đưa ra lời cảnh báo cho rằng ngân hàng trung ương các nước có thể đang đi quá xa, quá nhanh. Họ cho rằng các nước đồng loạt nâng lãi suất sẽ đẩy thế giới đến chỗ suy thoái, đưa các nước đang phát triển vào một loạt khủng hoảng tài chính có hậu quả lâu dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới