Thứ Sáu, 16/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

KTSG số 40-2022: Thị trường chứng chỉ carbon

Tòa soạn KTSG

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường mua bán tín chỉ carbon đang dần nóng lên, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong bài viết tựa đề Việt Nam khởi động thị trường tín chỉ carbon của Sa Nam trên KTSG sáng mai (6-10), tác giả cho biết theo dự thảo đề án phát triển thị trường carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, Việt Nam sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028. Nhưng trong quỹ thời gian không còn nhiều, có rất nhiều vấn đề kỹ thuật cần giải quyết, từ nâng cao nhận thức về thị trường đến việc lựa chọn ngành nào, doanh nghiệp theo tiêu chí nào bắt buộc tham gia thị trường. Và cả các công đoạn mang tính kỹ thuật phức tạp như kiểm đếm phát thải; theo dõi, giám sát, báo cáo tiến trình mua bán.

Còn theo tác giả Song Hảo của bài Thị trường tín chỉ carbon: những thử nghiệm…, tín chỉ carbon được xem là nguồn lực mới mang lại nguồn vốn cần thiết để cải thiện thu nhập của người trồng rừng, bảo vệ và mở rộng độ che phủ của rừng. Thế nhưng cho đến nay, ngoài Quảng Nam có xây dựng đề án bán tín chỉ carbon rừng, hầu hết doanh nghiệp vẫn rất mơ hồ về thị trường mới này.

Nhìn ra bên ngoài, tác giả Nguyễn Vũ (bài Cung cầu trên thị trường tín chỉ carbon) cho biết có những dự án thu hút khí carbonic từ bầu khí quyển, giúp giảm nhẹ tình trạng trái đất nóng dần lên, nên chủ các dự án này có quyền kinh doanh việc thu hút khí thải của mình. Cứ giảm được 1 tấn khí carbonic sẽ được tính thành 1 tín chỉ carbon. Giá 1 tín chỉ carbon thay đổi tùy thị trường, như ở châu Âu giá chừng 69 euro; ở Trung Quốc giá là 8 đô la Mỹ; hay các hãng hàng không mua tín chỉ carbon để trung hòa mức phát thải của mình thì giá chừng 4 đô la.

Các đề tài kinh tế – xã hội trong và ngoài nước trên cùng số báo:

Nên tin ai? (Thanh Đào): Tình hình kinh doanh chung của các doanh nghiệp có xu hướng xấu đi kể từ tháng 6, trái ngược với kết quả khảo sát khối doanh nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê.

Chuẩn bị cho những áp lực mới (TS. Võ Đình Trí): Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế quí 3 và chín tháng đầu năm 2022 là khởi sắc và lạc quan so với cùng kỳ năm trước. Nhưng trước những bất ổn, biến động lớn của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp trong nước cần nhiều sự chuẩn bị hơn để ứng phó những áp lực mới.

Có “bình ổn” được lãi suất cho vay? (Châu Phan): Ngân hàng Nhà nước đã có các giải pháp “bình ổn” lãi suất cho vay sau những bước nâng trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn.

Phân tích, dự báo vĩ mô bị… lỗi nhịp (Phan Minh Ngọc): Hoạt động phân tích, dự báo gây thất vọng còn là do không kịp thời cập nhật, sửa đổi các dự báo, phân tích khi điều kiện thị trường đã thay đổi.

Đừng vội tự hào về tốc độ tăng trưởng (Bùi Trinh): GDP quí 3 và chín tháng đầu năm 2022 tăng cao, nhưng cần lưu ý đây là con số về tăng trưởng chứ không phải số tuyệt đối. Tăng trưởng trên một nền cơ bản thấp có thể tạo ra mức tăng trưởng cao.

Một số nhận xét về cấu trúc kinh tế của Việt Nam (Bùi Trinh): Sự lan tỏa lớn đến nhập khẩu của hai nhóm ngành kinh tế số và công nghiệp phần nào cho thấy hàm lượng trí tuệ trong hai nhóm ngành này là không cao, nếu không muốn nói là thấp và cơ bản là làm gia công.

Tháng 9 “sóng gió” của thị trường chứng khoán! (Thanh Thủy): Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 3 được kỳ vọng sẽ giúp VN-Index sớm dừng đà giảm. Tuy vậy, xu thế chung trong ngắn hạn vẫn hàm chứa nhiều rủi ro và bất định.

Thị trường có lại bị khuynh đảo không? (Triêu Dương): Cùng nỗi lo ngại trước xu hướng đi lên của lãi suất, những thông tin xấu như “đổ thêm dầu vào lửa” làm đỏ rực thị trường. Cộng thêm là sự khuynh đảo của các nhà đầu tư “tay to” khi tận dụng lực mua đang ở thế cầm chừng…

Tiền đã chạy đi đâu (Thụy Lê): Dù lãi suất tiền gửi liên tục đi lên nhưng tăng trưởng huy động vốn vẫn thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Đâu là những yếu tố ảnh hưởng lên dòng chảy tiền gửi ngân hàng?

Cổ phiếu vận tải biển: chu kỳ tăng trưởng đã qua? (Đăng Linh): Bức tranh chung của nhóm ngành cảng biển và vận tải biển được đánh giá không thật sự tích cực trong 6-12 tháng tới. Giá cổ phiếu theo đó cũng có biên độ biến động rất lớn.

Thiếu khách đoàn, thị trường “mất lửa” (Đào Loan): “Biển băng” thị trường khách du lịch quốc tế có vài chỗ đang tan băng và ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ, nhưng  phần lớn còn lại thì vẫn đông cứng.

Nghĩa vụ và quyền lợi phải song hành thì doanh nghiệp mới sống được (Mục Nhĩ): Chính sách “chiết khấu 0 đồng” đã kéo dài suốt hai tháng khiến nhiều đại lý và cửa hàng xăng dầu tại đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt đóng cửa.

Lựa chọn nào cho giấc mơ cường quốc logistics? (Khánh Nguyên): Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) hay sân bay Chu Lai (Quảng Nam) có ưu thế trở thành trung tâm logistics năng động. Nhưng quy hoạch cho những khu vực này có nên chỉ nhằm vào mục tiêu ngắn hạn?

Nghĩ về người nông dân chuyên nghiệp thời nay (Lê Minh Hoan): Muốn người nông dân trở nên chuyên nghiệp và giàu tri thức hơn thì họ cần có môi trường, có không gian để hấp thu tri thức. Vậy đó là môi trường gì, là những không gian nào?

Sáng tạo “mỹ phẩm xanh” từ trái dừa (Lư Thế Nhã): Sản xuất các loại mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, an toàn và chất lượng tốt cho người tiêu dùng là ý tưởng khi khởi nghiệp của ông Nguyễn Công Trí (người Bến Tre), Giám đốc công ty TNHH MTV Coconut Cosmetic.

Thuận theo lẽ tự nhiên (mục Ý kiến): Con người sống thuận theo lẽ tự nhiên, giảm bớt sự can thiệp, đó không chỉ là con đường đúng đắn mà còn thuận theo các xu hướng tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đời sống hiện nay.

Giáo viên, tiến sĩ và sách giáo khoa (TS. Nguyễn Hoàng Chương): Khi giáo viên không được tham gia biên soạn sách giáo khoa với một tỷ lệ tương thích (thay vào đó, có tới 70% là bậc tiến sĩ trở lên) thì nội dung mỗi bài học, mỗi chuyên đề, từng chương mục ở sách giáo khoa khó có thể đáp ứng một cách tối ưu nhu cầu người học và người dạy.

Có một Lô Lô Chải tự làm du lịch văn hóa bản địa (Đồng Lê Quỳnh Hương): Nhà trình tường của người Lô Lô Chải ở Hà Giang mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Tất cả mọi người trong bản đều biết trang trí ngôi nhà của mình để đón khách du lịch.

Mây Sapa (Nguyễn Thị Hải): Mây Sapa huyền ảo, mê hoặc là ấn tượng khó phai…

Đâu chỉ là chuyện vãn! (Hạ Vũ): Lời nói của người đời thì vang lên rồi lặn mất như thể chưa từng có chuyện gì, nhưng ở đâu đó, có thể những vết thương lòng vẫn mở toang hoác, chưa biết đến khi nào mới được chữa lành.

Trông xuống, trông lên… (Khánh Hưng): “Trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì cũng chẳng ai bằng mình”… Hạnh phúc có lẽ khởi phát từ cách mà ta trông vào chính mình để nhận biết những gì thuộc về miền hạnh phúc của riêng ta…

Honda ra mắt dịch vụ cho thuê máy bay qua ứng dụng (Ricky Hồ): Từ năm 2023, Honda sẽ cho ra mắt dịch vụ đi lại bằng máy bay phản lực HondaJet kết hợp với xe hơi và xe máy tại Nhật Bản, và cho phép khách hàng đặt dịch vụ qua ứng dụng.

Chiến lược phát triển nông nghiệp ở Singapore sau Covid-19 (TS. Nguyễn Minh Hòa): Bài học xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp của Singapore khiến chúng ta phải suy nghĩ thật thấu đáo cho nông nghiệp Việt Nam, nhất là loại hình “nông nghiệp – đô thị”.

Giải pháp tài chính, vai trò định hướng thị trường cho hệ thống y tế và bài học từ Singapore (Lê Hữu Huy): Tham khảo giải pháp tài chính cho thanh toán chi phí đắt đỏ của hệ thống y tế ở Singapore thông qua mô hình Quỹ Phòng xa Trung ương (CPF) và cách người dân Singapore sử dụng tài khoản tiết kiệm CPF.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng: không hẳn là vấn đề đăng ký! (Lê Thiên Hương): Đăng ký quyền SHTT cần thiết để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trước các đối thủ cạnh tranh, nhưng đó cũng mới chỉ là một mắt lưới nhỏ…

Luật bản quyền trước thách thức từ AI (Phan Ngọc Trâm – Nguyễn Lư Tấn Giang): Qua sự kiện bức tranh Théâtre D’opéra Spatial đạt giải được vẽ bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo, Luật Bản quyền truyền thống đang gặp thách thức trong thời đại công nghệ số.

Kinh tế Anh: một tuần đi tàu lượn (Hồ Quốc Tuấn): Trong vòng hơn một tuần (từ 23-9 đến 3-10), bảng Anh đi tàu lượn từ 1,12 đô la Mỹ về thấp nhất 1,03 rồi lại lượn lên 1,13 đô la Mỹ. Điều gì đã xảy ra?

Chuyện gì đang xảy ra với kinh tế nước Anh? (Nguyễn Vũ): Chuyện đồng bảng Anh chao đảo, thị trường tài chính hỗn loạn trong tuần vừa rồi là một dịp để phân tích vì sao một chính sách kinh tế vội vàng, thiếu sự phối hợp giữa tiền tệ và tài khóa có thể gây hại ngay tức khắc cho nền kinh tế.

Đô la Mỹ mạnh lên gây khó khăn cho thế giới như thế nào? (Thư Kỳ): Đô la Mỹ mạnh làm giá cả hàng nhập khẩu ở nhiều nước tăng vọt, nợ nước ngoài tính bằng đô la phình to, tạo ra rủi ro suy thoái kinh tế khắp toàn cầu.

Vùng Vịnh liệu có là vịnh tránh bão năng lượng cho châu Âu? (Lạc Diệp): Trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, các nước châu Âu đang hướng nhiều hơn tới các quốc gia Vùng Vịnh. Nhưng liệu khu vực này có  giúp được châu Âu vượt qua cơn bão năng lượng một cách an toàn?

Mời bạn đọc đón xem!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới