(KTSG Online) – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại đang đưa ra nhiều quy định đặt thêm các rào cản gia nhập thị trường, thủ tục hành chính, giấy phép 'con', có thể cản trở việc phát triển kinh tế trang trại tại Việt Nam.
- Quảng Nam hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, trang trại trong 5 năm tới
- Hài hòa giữa lợi nhuận và lợi ích sẽ giúp phát triển hợp tác xã bền vững
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, và VCCI là một trong những tổ chức đã gửi góp ý dựa trên việc thu thập, lắng nghe phản hồi từ các đơn vị, doanh nghiệp về chính sách đang trong giai đoạn soạn thảo này.
Mặc dù nghị định có tên là chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp, nhưng theo các góp ý, nội dung của dự thảo không chỉ bao gồm chính sách ưu đãi, hỗ trợ mà còn có cả các quy định quản lý.
Trong đó, nhiều quy định được cho là đặt thêm các rào cản gia nhập thị trường, thủ tục hành chính, "giấy phép con", nghĩa vụ báo cáo cho hoạt động kinh tế trang trại... Các quy định này được dự báo sẽ làm tăng chi phí tuân thủ và rủi ro pháp lý, có thể cản trở việc phát triển kinh tế trang trại tại Việt Nam.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc có một chương về quản lý nhà nước đối với kinh tế trang trại. Đặc biệt là các vấn đề mang tính giấy phép, thủ tục, báo cáo.
Dự thảo quy định các trường hợp các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp phải lập, thẩm định và xin phê duyệt dự án kinh tế trang trại. Nếu đủ điều kiện và thành phần hồ sơ thì UBND cấp huyện sẽ ban hành quyết định phê duyệt dự án kinh tế trang trại, quy định này được góp ý là trái luật và không cần thiết.
Cụ thể, đơn vị phản biện giải thích, quy định này là một dạng điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, trong các ngành nghề kinh tế trang trại, chỉ có chăn nuôi và kinh doanh thuỷ sản được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư – Mục 167. Trong đó nuôi trồng thuỷ sản chỉ áp dụng đối với nuôi lồng bè và thuỷ sản chủ lực (cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng).
Các ngành nghề như trồng trọt, lâm nghiệp, làm muối, và nuôi trồng thuỷ sản khác không thuộc danh mục Phụ lục 4 của Luật Đầu tư. Vì thế, VCCI đề xuất các cá nhân, tổ chức không cần đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như không phải xin phép trước khi thực hiện ở bất kỳ quy mô nào.
Đối với các trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản lồng bè, chủ lực thì giấy phép này này sẽ chồng chéo với các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đã có trong pháp luật về chăn nuôi, thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được đề nghị bãi bỏ quy định về việc phải lập, thẩm định và phê duyệt dự án kinh tế trang trại.
Bên cạnh đó dự thảo quy định về nghĩa vụ kê khai thông tin của các chủ trang trại lần đầu và hằng năm. VCCI cho rằng việc này sẽ đặt thêm nghĩa vụ pháp lý cho các trang trại và đi kèm với đó sẽ là các quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trang trại không hoặc chậm thực hiện việc kê khai.
Quy định này được suy đoán là nhằm cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cách thức thu thập thông tin này tiện cho các cơ quan nhà nước và đẩy cái khó về cho người dân. Với tinh thần khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, cơ quan soạn thảo chính sách cần điều chỉnh phương thức thu thập thông tin theo hướng cán bộ nông nghiệp cấp xã, huyện chủ động liên hệ với chủ trang trại (qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp) để thu thập thông tin. Phương pháp triển khai có thể áp dụng Điều 30.1.b, Điều 30.2.a và các quy định khác của Luật Thống kê.
Dự thảo quy định trang trại muốn được hỗ trợ phải có giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Quy định như vậy sẽ dẫn đến tình trạng các trang trại muốn được hỗ trợ phải làm thủ tục xếp hàng - tức là phải đợi làm xong thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại rồi lại làm tiếp thủ tục xin hỗ trợ.
Việc này sẽ làm kéo dài thời gian, tăng tính phức tạp của thủ tục hành chính và sẽ làm giảm tỷ lệ trang trại thuộc diện được hỗ trợ nhưng không thực hiện vì vướng mắc về thủ tục hành chính. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng trang trại có thể làm trực tiếp thủ tục xin hỗ trợ mà không cần phải đăng ký trang trại, miễn là vẫn đáp ứng các điều kiện về trang trại.