Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bác đề xuất giảm 100% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

H.Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Tài chính cho rằng không nên giảm 100% mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng trong bối cảnh mức thuế áp dụng tại Việt Nam ở mức trung bình thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xăng và thuế giá trị gia tăng (GTGT) với xăng, dầu và gửi Bộ Tư pháp để xin ý kiến thẩm định.

Cơ quan này đề xuất giảm tối đa 50% mức thuế TTĐB với xăng, gồm xăng E5, E10. Ngoài ra, giảm tối đa 50% mức thuế GTGT với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.

Bên cạnh đó, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định mức giảm cụ thể thuế TTĐB với xăng và thuế GTGT với xăng, dầu, thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao.

Mức thuế TTĐB áp dụng với mặt hàng xăng của Việt Nam hiện thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng đề nghị về lâu dài xem xét tác động và miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Đây có thể là phương án sử dụng trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao bất thường.

Phản hồi, Bộ Tài chính cho rằng xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên hầu hết nước đều thu thuế TTĐB.

Ngoài ra, nhà nước chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng theo quy định hiện hành, không thu với dầu các loại. Cụ thể, mức thuế suất thuế TTĐB với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.

So sánh với các quốc gia khác, Pháp thu thuế TTĐB từ 0,66 euro trở lên với mỗi lít nhiên liệu các loại, Đức thu hơn 0,35 euro, Hàn Quốc thu 311 won trên mỗi lít thuế tuyệt đối và thuế tỷ lệ 15%. Trong khu vực ASEAN, Singapore thu 0,41 đô la Singapore mỗi lít, Trung Quốc thu 1,52 nhân dân tệ, Thái Lan thu thuế từ 2,99 đến 6,5 baht, Campuchia tính thuế suất là 15%, Lào tính thuế suất là 16%.

Với bối cảnh trên, Bộ Tài chính cho rằng mức thuế TTĐB với xăng của Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với các nước, đặc biệt thấp hơn các nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc.

Cũng theo Bộ Tài chính, thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia...), cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch) hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ôtô, máy bay, du thuyền, chơi golf...).

Còn Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng không quy định giảm thuế, miễn thuế với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Việc thực hiện điều chỉnh thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Để đảm bảo linh hoạt, dự thảo nghị quyết chỉ trình nguyên tắc giảm thuế mà không cụ thể phương án và giao thẩm quyền cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định khi giá xăng dầu tăng cao.

Việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm thuế cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể phải trên cơ sở tính toán, đề xuất của Chính phủ căn cứ diễn biến giá xăng dầu thực tế và trên cơ sở khả năng cân đối, hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cần có cái nhìn thực tiễn và linh hoạt. Xăng dầu ở VN không thể xem là hàng hóa tiêu thụ đặc biệt. Nếu tính trên tỷ trọng tiêu dùng phổ biến, với đại đa số là người đi xe máy, người làm công ăn lương, thu nhập thấp… thì xăng dầu phải là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Cách áp thuế như vậy là suy diễn và áp đặt, thiếu căn cứ thực tế. Mặt khác, trong bối cảnh bất ổn, lạm phát phi mã như hiện nay, trước mắt việc bãi bỏ ngay thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu cũng là cách hiệu quả nhất để kiềm chế chỉ số giá cả đang đứng trước nguy cơ bùng phát cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới