Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cần tăng lương cơ sở sớm để giảm thiểu tình trạng công chức nghỉ việc

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Số liệu từ Bộ Nội vụ cho biết, trong 2,5 năm qua có hơn 39,5 ngàn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân. Đây cũng là một trong những trăn trở cử tri gửi tới Quốc hội tại phiên họp Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 10-10. Phương án tăng lương cơ sở được các đại biểu Quốc hội nhắc đến như một giải pháp quan trọng để giảm tình trạng này.

Các cơ sở y tế công lập đang đối mặt với tình trạng "chảy máu" nhân sự một cách mạnh mẽ. Ảnh minh hoạ: Minh Thảo

Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cử tri, nhân dân bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi, phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững; học phí, các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng...

Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua.

Tại phiên họp, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị đánh giá rõ hơn nguyên nhân của tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy, thời gian qua, có hơn 39 ngàn cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc ra khu vực tư. Đây là vấn đề được cử tri quan tâm. Song do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do áp lực công việc, tiền lương và thu nhập chưa đảm bảo. Do vậy, cần có đánh giá khái quát và sát hơn.

Liên quan đến các nội dung về tăng lương cơ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cập nhật kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất khi thực hiện.

Đồng thuận với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị việc thực hiện chính sách tiền lương phải trên cơ sở kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, nhu cầu tăng lương là rất chính đáng. Nhưng có thể đề cập dưới góc độ là sớm điều chỉnh lương cơ bản để tháo gỡ khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và người làm công ăn lương trong bộ máy Nhà nước. Bên cạnh đó tiếp tục khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27.

Ông Tùng cho rằng cách tiếp cận như vậy thì sẽ phù hợp hơn, vừa đề cập được ý mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội muốn nói nhưng cũng đáp ứng là kỳ họp thứ 4 sắp tới sẽ xem xét điều chỉnh tiền lương cơ bản.

Đối với việc thực hiện chính sách tiền lương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát các kiến nghị về điều chỉnh chính sách tiền lương theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó có đề xuất tăng lương cơ sở. Đặc biệt là nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII năm 2018.

Trong một diễn biến khác, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, mặc dù, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc không phải là câu chuyện mới. Nhưng thực tế này lại khiến dư luận hết sức quan tâm, bởi hiện tượng chuyển từ công sang tư đang có xu hướng tăng lên.

Bà Hoa cho rằng muốn giữ chân cán bộ, công chức, viên chức có năng lực và thu hút nhân tài vào khu vực công thì cần có những giải pháp đột phá trước mắt bên cạnh những giải pháp lâu dài, mang tầm chiến lược. Cần thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế để khắc phục tồn tại của một bộ máy hành chính cồng kềnh, hoạt động chưa thực sự hiệu quả là chủ trương đúng. Chỉ tiêu tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong 5 năm tới theo chủ trương của Bộ Chính trị là việc cần làm, và phải làm khẩn trương.

Tuy nhiên, vấn đề là ở cách tiếp cận, cách tổ chức thực hiện việc tinh giản biên chế cần phải thực hiện trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức cần hợp lý và quyết liệt. Cần sáp nhập những bộ phận hiện đang chồng chéo chức năng nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ tư nhân hóa những dịch vụ công mà khối tư nhân làm tốt hơn, thuận lợi cho người dân hơn để giải thể một số bộ phận chức năng…

Thêm nữa bà Hoa cho rằng cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng để tạo động lực làm việc và sự gắn bó lâu dài cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước. Chủ trương cải cách tiền lương, tăng mức lương cơ sở là giải pháp cần làm gấp. Cần xây dựng hệ thống tiền lương phù hợp với thị trường lao động để rút ngắn khoảng cách lương giữa khu vực công và khu vực tư, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa hai khu vực này trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó cần tạo tạo môi trường làm việc lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng giữa các vị trí việc làm; minh bạch cơ chế tuyển dụng và công tác nhân sự; phân công đúng người đúng việc, có cơ chế trọng dụng người tài; thực hiện tinh giản biên chế bằng cách mạnh dạn thay thế bộ phận công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu...

1 BÌNH LUẬN

  1. Tăng lương là đúng và cấp bách. Không chỉ vì lương không đủ sống, không thể sống cho đàng hoàng, tử tế, mà còn là cách thức để tôn vinh phẩm giá và năng lực con người. Tuy vậy tăng lương mới chỉ là bước khởi đầu của chiến lược sử dụng nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đồng bộ hóa chính sách trong thời gian đến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới