Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ xem xét cấm nhập khẩu nhôm của Nga

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chính quyền Tổng thống Mỹ, Joe Biden đang xem xét lệnh cấm nhập khẩu đối với nhôm của Nga để đáp trả sự leo thang quân sự của Moscow ở Ukraine. Nhôm là mặt hàng được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra vì  tầm quan trọng của nó đối với mọi thứ, từ ô tô, nhà cửa cho đến iPhone.

Nhà Trắng đang xem xét ba lựa chọn bao gồm trừng phạt Công ty Rusal (Nga), nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới. Ảnh: Saltwire

Hôm 12-10, Bloomberg dẫn các nguồn tin cho hay Nhà Trắng đang xem xét ba lựa chọn: một lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn, tăng thuế cao đến mức giống một lệnh cấm nhập khẩu, hoặc trừng phạt Công ty Rusal (Nga), nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới

Một động thái như vậy sẽ gây ra hậu quả rộng lớn đối với thị trường nhôm giao dịch toàn cầu, có khả năng khiến khách hàng ở Mỹ và các nước khác đổ xô đi tìm kim loại thay thế.

Giá nhôm trên thị trường thế giới tăng mạnh sau khi đón nhận thông tin trên. Giá nhôm trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng tới 7,3%, một trong những mức tăng trong ngày lớn nhất từ ​​trước đến nay, khi giới đầu tư lo ngại rằng một động thái như vậy sẽ làm giảm nguồn cung nhôm có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, giá nhôm trên sàn này đã giảm trở lại vào cuối phiên giao dịch.

Cổ phiếu của Alcoa Corp., nhà sản xuất nhôm của Mỹ, tăng tới 8,6%, và cổ phiếu của Century Aluminium Co., một nhà sản xuất nhôm khác của Mỹ, tạm dừng giao dịch sau khi giá tăng quá mạnh. Trong khi đó, cổ phiếu của Rusal trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông giảm đến 8.1%.

Nga là nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc. Nhôm là kim loại rất quan trọng đối với hầu hết các ngành công nghiệp nặng. Riêng tại Mỹ, nguồn cung nhôm từ Nga thường chiếm khoảng 10% tổng nhập khẩu nhôm, với dữ liệu cho thấy Nga là nhà xuất khẩu nhôm lớn thứ ba vào Mỹ trong tháng 8.

Lệnh cấm nhập khẩu nhôm được Nhà Trắng xem xét để đáp trả các cuộc tấn công tên lửa của Nga vào Kyiv và các thành phố khác của Ukraine trong tuần này, gây hư hại cơ sở hạ tầng quan trọng và các địa điểm dân sự.

Các nguồn tin cho biết ngay từ đầu khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, chính quyền Mỹ đã không  trừng phạt nhôm của Nga vì lo ngại điều này có thể làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Nhưng với cuộc chiến kéo dài sang tháng thứ tám, Nga chỉ còn lại ít sản phẩm mà Mỹ  và các đồng minh có thể trừng phạt.

Các quan chức Mỹ lo ngại các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung nhôm và có thể khiến giá kim loại này tăng mạnh. Thị trường nhôm rơi vào hỗn loạn vào năm 2018 sau khi Mỹ trừng phạt Rusal. Đầu đầu năm 2019, lệnh trừng phạt này được dỡ bỏ sau khi Rusal đạt một thỏa thuận với Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, buộc người sáng lập Rusal, tỉ phú Rusal Oleg Deripaska phải từ bỏ quyền kiểm soát công ty.

Cuộc tranh luận trong ngành công nghiệp kim loại về cách giải quyết nguồn cung của Nga đã gia tăng trong những tuần gần đây. Tuần trước, LME, sàn giao dịch kim loại công nghiệp lớn nhất trên thế giới, đã đưa ra một tài liệu thảo luận để xác định xem các mặt kim loại của Nga có nên bị cấm trên sàn giao dịch này hay không.

Tháng trước, Alcoa, nhà sản xuất nhôm lớn nhất của Mỹ, đã gửi một thư cho LME, kêu gọi sàn này không nên cho phép giao dịch kim loại của Nga.

Jakob Stausholm Giám đốc điều hành Rio Tinto, công ty khai khoáng lớn thứ hai thế giới, cũng cảnh báo rằng dòng chảy không kiểm soát của nhôm Nga vào Mỹ khiến các nhà sản xuất nhôm ở Bắc Mỹ kém cạnh tranh hơn.

“Trong một kịch bản trừng phạt đối với nhôm Nga, thị trường nhôm phương Tây sẽ bị thắt chặt cực độ”, Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo. Các nhà phân tích của Goldman Sachs nhận định lúc đó, giá nhôm tăng cao hơn nhiều và Trung Quốc sẽ xuất khẩu nhôm sơ chế nhiều hơn,

Giá nhôm đã tăng lên mức kỷ lục hồi tháng 3 ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, nhưng sau đó giảm trở lại do phần lớn nguồn cung nhôm Nga tiếp tục chảy trên các thị trường toàn cầu. Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu cũng làm giảm nhu cầu nhôm và khiến nhiều lò luyện kim ở khu vực này phải đóng cửa.

“Kịch bản tồi tệ nhất là châu Âu và Mỹ sẽ cấm vận nhôm của Nga. Khi đó, nhôm của Nga có thể sẽ chảy sang Trung Quốc, Ấn Độ và các nơi khác, và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nhôm sang châu Âu và Mỹ để lấp đầy khoảng trống”, Viện nghiên cứu Chaos Ternary, có trụ sở tại Thượng Hải, nhận định.

Hiện nay, Trung Quốc vừa là nhà sản xuất vừa là nhà tiêu thụ nhôm lớn nhất thế giới.

“Rốt cục, Trung Quốc sẽ mua nhôm nguyên sinh giá chiết khấu từ Nga, sau đó,  xuất khẩu các sản phẩm nhôm tinh chế sang phương Tây,” Wei Lai, nhà phân tích của TF Futures, nói.

Xuất khẩu nhôm của Trung Quốc đạt mức kỷ lục vào tháng 5 năm nay, trong bối cảnh nhu cầu trong nước chậm lại.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới