Thứ tư, 11/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường kim loại ‘bốc đầu’

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Giá những mặt hàng kim loại công nghiệp như đồng, nhôm đã tăng trở lại các mức cao của năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thấp và triển vọng nhu cầu phục hồi sau khi Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế. Cổ phiếu của các nhà sản xuất kim loại đã tăng giá mạnh mẽ trong đầu năm nay, cao hơn mức tăng 6,5% của chỉ số S&P 500 trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Các kim loại công nghiệp bao gồm đồng và nhôm trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) ghi nhận hiệu suất tăng giá trong tháng 1 tốt nhất trong hơn một thập niên. Ảnh: Shutterstock

Kim loại công nghiệp đồng loạt tăng giá mạnh

Các kim loại công nghiệp trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) ghi nhận hiệu suất tăng giá trong tháng 1 tốt nhất trong hơn một thập niên. Giá đồng kỳ hạn ở Mỹ cũng trải qua tháng đầu tiên trong năm tốt nhất kể từ năm 2003. Tín từ đầu năm đến nay, giá nhôm ở London tăng 10%, giá kẽm tăng 2,4% và giá thiếc tăng 11%. Trong tháng trước, giá đồng đạt mức cao nhất trong 7 tháng trước khi giảm trở lại trong những tuần gần đây nhưng vẫn đang cao hơn khoảng 15% so với đầu tháng 11 năm ngoái.

Động lực cho đà tăng giá mạnh mẽ này là quyết định tái mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến của Trung Quốc, nơi các đợt phong tỏa trong năm ngoái làm giảm nhu cầu ở đất nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới. Châu Âu cũng tránh được cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông, giúp nhu cầu kim loại của nhà sản xuất tăng lên. Và tại Mỹ, khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế trước cú sốc lạm phát đã làm tăng triển vọng nhu cầu kim loại.

Nhiều nhà phân tích và quản lý danh mục đầu tư kỳ vọng nhu cầu các kim loại như đồng, lithium và kẽm sẽ tăng trưởng bền bỉ vì chúng là nguồn vật liệu quan trọng để chế tạo tuốc-bin gió, tấm pin mặt trời và pin xe điện, rất cần thiết cho tiến trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng lo ngại nguồn cung kim loại công nghiệp sẽ không bắt kịp nhu cầu vì các công ty khai khoáng đã không thể tăng đáng kể sản lượng.

“Nhu cầu sử dụng kim loại đang bùng nổ nhưng lượng hàng tồn kho khá thấp. Giờ đây, điều sẽ kích hoạt mọi thứ là mọi người bắt đầu chấp nhận rằng Trung Quốc đã quay trở lại thị trường”, Al Chu, giám đốc danh mục đầu tư của quỹ đầu tư BNY Mellon Natural Resources, nói.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất kim loại đã tăng giá tốt hơn mức tăng 6,5% của chỉ số S&P 500 trong năm nay. Công ty khai khoáng Freeport-McMoRan (Mỹ) chứng kiến cổ phiếu tăng 11%, trong khi đó, giá cổ phiếu của Southern Copper, công ty khai thác đồng, có trụ sở ở bang Arizona, tăng 22%.

Những cổ phiếu của ngành khai thác kim loại có xu hướng dao động theo chu kỳ bùng nổ của thị trường hàng hóa. Nhưng các nhà phân tích cho biết các công ty khai khoáng gần đây ưu tiên dùng lợi nhuận để trả cổ tức cho cổ đông và mua cổ phiếu quỹ hơn là đầu tư vào sản xuất mới. Theo số liệu do Ngân hàng Bank of America Corp tổng hợp, chi tiêu phát triển dự án của 10 công ty khai khoáng hàng đầu thế giới trong năm 2023 và năm tới dự kiến vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh năm 2012. Điều đó có thể giúp hỗ trợ giá cho giá của các mặt hàng kim loại và cổ phiếu của các công ty sản xuất chúng.

Mới đây, trong báo cáo thu nhập hàng quí, Freeport-McMoRan, một trong những công ty khai thác đồng lớn nhất thế giới, cho biết sẽ tăng ngân sách đầu tư trong năm 2023. Công ty đang mở rộng công suất tại các mỏ hiện có ở Indonesia, nhưng cho biết ngành khai khoáng toàn cầu vẫn đầu tư chưa đủ theo kế hoạch để lấp đầy sự thiếu hụt nguồn cung dự kiến kéo dài.

Richard Adkerson, Giám đốc điều hành Freeport nói: “Hiện tại, thế giới không có đủ đồng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu đang ngày càng tăng”.

Công ty sản xuất nhôm Alcoa của Mỹ dự báo lượng hàng tồn kho của công ty duy trì ở mức thấp trong năm nay.

“Mức tồn kho dự kiến vào năm 2023 có thể không đủ nếu chúng ta chứng kiến sự phục hồi nhu cầu hiện tại ở Trung Quốc hoặc phần còn lại của thế giới”, Roy Harvey, Chủ tịch của Alcoa, nói.

Giới đầu tư đổ xô mua các hợp đồng kim loại tương lai

Giới đầu tư đang đổ xô mua các hợp đồng kim loại tương lai, với tổng giá trị mua ròng trong đầu năm nay đạt mức cao kỷ lục, theo dữ liệu của J.P. Morgan Commodities Research tính đến ngày 3-2. Đó là sự khác biệt rõ rệt so với xu hướng bán ròng trong hầu hết năm ngoái.

Giá các kim loại cơ bản đã tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Trong thời gian đầu năm ngoái, giá cả trên thị trường kim loại lên mức cao nhất trong nhiều năm trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt do tác động của chiến tranh ở Ukraine, chi phí năng lượng tăng cao và các quyết định tái mở cửa ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 Tuy nhiên sau đó, giá giảm mạnh trong suốt mùa hè do những lo ngại về tình trạng phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc và rủi ro kinh tế Mỹ suy thoái.

Nhưng giờ đây, bên triển vọng nhu cầu phục hồi, đà giảm giá của đồng đô la Mỹ cũng đang hỗ trợ cho thị trường kim loại. Giới đầu tư đăt cược rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm dừng tăng lãi suất. Điều đó khiến đồng đô la giảm 10% so với mức đỉnh hồi tháng 9, thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài mua kim loại và các hàng hóa với chi phí rẻ hơn vì được định giá bằng đồng đô la.

Chắc chắn, vẫn còn những bất ổn phía trước đối với triển vọng nhu cầu kim loại. Thị trường nhà đất của Mỹ đang suy yếu, trong khi dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ gần đây làm dấy lên lo ngại Fed có thể phải duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn so với dự kiến.

Nhưng bất chấp rủi ro suy thoái ở Mỹ, một số nhà phân tích vẫn kỳ vọng đà phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cả trên thị trường kim loại. Chris LaFemina, nhà phân tích của Ngân hàng Jefferies, dự báo giá đồng ở London vào cuối năm nay sẽ cao hơn 1/3 so với mức giá đóng cửa 8.857,5 đô la/tấn vào cuối tuần trước.

“Ngay cả khi Mỹ hướng đến suy thoái, bạn có muốn sở hữu đồng nếu kinh tế Trung Quốc đang phục hồi không?”, ông nói.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới