(KTSG Online) – Để ứng phó với hạn và xâm nhập mặn, nhiều hệ thống công trình thuỷ lợi kiểm soát mặn đã được xây dựng. Tuy nhiên, việc này có thể dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, làm cho đất đai ngày càng suy thoái.
- Hướng đi nào để tương lai Đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng
- ĐBSCL thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng vì suy giảm nguồn nước sông Mekong
Cảnh báo trên được ông Nguyễn Quốc Bảo, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Bến Tre đưa ra tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãnh đạo tỉnh Bến Tre hôm 13-10.
Theo ông Bảo, việc quy hoạch thuỷ lợi để thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn là điều cần thiết. Tuy nhiên, ông rất lo lắng với việc ngăn nhiều dòng sông lớn, kể cả sông Ba Lai để hạn chế xâm nhập mặn. “Chúng ta cần có sự đánh giá kỹ càng hơn về vấn đề này”, ông nói.
Ông Bảo dẫn nghiên cứu của Đại học Cần Thơ cho thấy, một trong những nguyên nhân xảy ra do việc đắp đập ngăn mặn là suy thoái đất.
Theo đó, trước khi làm đập Ba Lai, người dân ngăn cục bộ, mùa nắng ngăn không cho nước mặn vào. Qua thời gian cùng với việc thâm canh, bón phân không cân đối dẫn đến cả vùng Phước Thạnh (của huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) bị suy thoái trầm trọng.
Nếu tiếp tục xây đập ngăn mặn thì sẽ rất nguy hiểm, bởi thuỷ lợi sẽ giúp khống chế được nước mặn nhưng cũng dẫn đến nhiều hệ lụy khác. “Tôi tiếp xúc với người dân, họ phản ứng cái này rất dữ. Bây giờ, chúng ta ngăn mặn thì nước trong kênh thúi hết, không làm được gì”, ông nói.
Vì vậy, ông Bảo cho rằng, phải làm thủy lợi nhưng cần cân nhắc hài hoà, đảm bảo tận dụng và phát huy lợi ích nguồn nước. “Tôi mong muốn trong quy hoạch, nhất là giải pháp giải quyết thuỷ lợi phải hết sức chú ý đến nguồn nước”, ông nói.
Phản hồi lại thông tin trên, ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện khoa học thuỷ lợi miền Nam cho rằng, khi triển khai dự án thì việc xem xét vấn đề môi trường được tính toán rất là đầy đủ và kỹ càng.
“Trường hợp như ông Nguyễn Quốc Bảo nêu có thể do đắp đập tạm, không lưu chuyển dòng nước được nên ảnh hưởng đến môi trường”, ông Hoằng giải thích.
Trước đó, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương đã đầu tư rất nhiều công trình cống đầu mối nhưng chưa khép kín nên không phát huy được hiệu quả của các hạng mục đã đầu tư.
Chính vì vậy, ông kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên hỗ trợ tỉnh Bến Tre hoàn thiện hệ thống thủy lợi Nam, Bắc Bến Tre. Thêm vào đó, bộ cũng nên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ triển khai các cống thuộc dự án quản lý nước Bến Tre.
Ông Vũ Viết Hùng, Phó cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết dự án quản lý nước Bến Tre sẽ làm 8 cống ngăn mặn nhưng đến thời điểm này chỉ mới thi công 2 cống (Tân Phú và Bến Rớ), dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Sáu cống còn lại (gồm cống Thủ Cửu, Cái Quao, Vàm Nước Trong, Vàm Thơm, An Hoá và cống Bến Tre) dự kiến thi công trong năm 2023.
Theo ông, vướng mắc chính của 6 cống còn lại là giá đồng Yên và giá cả vật liệu tăng cao khiến chi phí đầu tư tăng theo.
Dự án quản lý nước Bến tre sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, có tổng mức đầu tư gần 6.191,338 tỉ đồng. Dự án do Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.
Dự án hệ thống thuỷ lợi Bắc Bến Tre do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư, sẽ thực hiện xây dựng 3 tuyến đê với chiều dài 35,55 km và 87 cống.
Còn hệ thống thuỷ lợi Nam Bến Tre sẽ thực hiện 11 cống hở, 3 cầu giao thông, 1 nhà quản lý và 2 cống tròn.