Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát của Mỹ tiếp tục tăng mạnh, gây sức ép lên Fed

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong tháng trước, lạm phát cốt lõi của Mỹ, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tăng hơn dự báo, lên mức cao nhất trong 40 năm. Diễn biến này chắc chắn gây sức ép buộc Cục Dự trữ liên bang (Fed) phải tăng lãi suất mạnh trong cuộc họp chính sách sắp tới để dập tắt lạm phát dai dẳng.

CPI tổng thể của Mỹ trong tháng 9 tăng 8,2% so với một năm trước đó, chỉ dịu lại một chút so với mức tăng 8,3% của tháng 8. Ảnh: WolfStreet

Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố thấy hôm thứ Năm (13-10) cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi của Mỹ tăng 6,6% so với một năm trước, mức tăng cao nhất kể từ năm 1982. CPI tổng thể tăng 8,2% so với một năm trước đó, có dịu lại so với mức tăng 8,3% của tháng 8. Đà tăng giá cả diễn ra trên phạm vi rộng với chi phí nhà ở, thực phẩm và chăm sóc y tế đóng góp lớn nhất cho mức tăng của CPI tổng thể.

Chi phí nhà ở, hạng mục dịch vụ lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 chỉ số CPI tổng thể, tăng 0,7% tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9. Chi phí nhà ở là tổng số tiền trung bình hàng tháng các hộ gia đình phải trả chẳng hạn như khoản thanh toán vay thế chấp (nếu có), thuế tài sản và phí nhà chung cư, cùng với chi phí điện nước, khí đốt và các dịch vụ đô thị khác.

Chi phí thực phẩm tăng 0,8% trong tháng thứ hai liên tiếp và cao hơn 11,2% so với cách đây một năm. Dịch vụ vận chuyển và chăm sóc y tế đều tăng trong tháng trước. Giá xe cũ giảm tháng thứ ba liên tiếp nhưng giá xe mới tiếp tục tăng mạnh. Với giá thực phẩm và năng lượng biến động mạnh, CPI cốt lõi được xem là thước đo lạm phát đáng tin cậy hơn.

Christopher S. Rupkey, nhà kinh tế trưởng của FwdBonds, nói: “Lạm phát đã trở thành giống như bệnh ung thư di căn. Lạm phát bắt đầu ở một khu vực của nền kinh tế, và bây giờ lây lan nhanh chóng sang các khu vực khác của nền kinh tế. … Và lạm phát đang lan sang các dịch vụ, nơi nó sẽ kéo dài dai dẳng hơn nhiều”.

Kết hợp với báo cáo việc làm tuần trước cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn ổn định, dữ liệu lạm phát mới nhất có khả năng thúc đẩy Fed tăng lãi suất  thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tháng 11. Thậm chí, cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ này có thể tăng lãi suất lần năm liên tiếp ở quy mô đó trong tháng 12.

Các quan chức Fed đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát lạm phát, ngay cả khi điều đó dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và suy thoái kinh tế. Dù tăng trưởng CPI tổng thể dự kiến tiếp tụd dịu lại trong những tháng tới, nhưng tốc độ giảm giá cả sẽ chậm hơn nhiều so với mục tiêu của Fed.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã nỗ lực hạ nhiệt nhu cầu bằng chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ những thập niên 1980, nhưng cho đến nay, thị trường lao động và nhu cầu của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trở lại mức thấp nhất trong 5 thập niên vào tháng 9, và các doanh nghiệp tiếp tục tăng lương để thu hút và giữ chân nhân viên.

Michelle Meyer, nhà kinh tế trưởng Mỹ tại Viện Kinh tế Mastercard, nói: “Fed đã cam kết ổn định giá cả. Lạm phát càng tăng vượt quá kỳ vọng, Fed càng phải chứng minh cam kết đó, có nghĩa là lãi suất cao hơn và nền kinh tế về cơ bản sẽ hạ nhiệt”.

Báo cáo CPI tháng 9 được công bố trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ diễn ra vào tháng tới, đặt ra thách thức mới cho Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ khi họ tìm cách duy trì đa số ghế. Hiện tại, mức tăng lạm phát đang đe dọa nghiêm trọng đối với triển vọng đó.

Các diễn biến địa chính trị cũng có thể khiến lạm phát tăng cao. Liên minh OPEC + gần đây đã công bố cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày. Chiến tranh Nga - Ukraine tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung cấp các mặt hàng như lúa mì, trong khi Nhà Trắng đang xem xét lệnh cấm nhập khẩu nhôm của Nga, có thể khiến kim loại này tăng mạnh.

Chứng khoán Mỹ trải qua một phiên giao dịch đảo chiều ấn tượng. Vào phiên sáng, sau khi đón nhận tin tiêu cực về lạm phát, chỉ số Nasdaq Composite giảm hơn 3%, chỉ số S&P 500 giảm hơn 2% và chỉ số Dow Jones đã giảm gần 2%.

Nhưng khi giá cổ phiếu giảm quá đà, lực bắt đáy mạnh của các nhà đầu tư đã giúp thị trường chuyển sang màu xanh sau 11 giờ sáng. Chốt phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 bật tăng 2,6%, chấm dứt chuỗi giảm sáu ngày liên tục.  Trong khi đó,  Nasdaq Composite tăng 2,23% và chỉ số công nghiệp Dow tăng gần 3%, tương đương 823 điểm.

Tom Galvin, Giám đốc đầu tư tại Công ty quản lý tài sản City National Rochdale, nói: “Những gì thị trường đang trải qua là do ảnh hưởng của rất nhiều giao dịch ngắn hạn. Một số nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu sau dữ liệu lạm phát nhưng khi họ đã bán xong, tôi nghĩ thị trường bắt đầu ổn định”.

Theo Bloomberg, CNBC

1 BÌNH LUẬN

  1. Kết thúc sớm chiến cuộc giữa Ucraina và Nga. Đó là cách nhanh chóng nhất để Mỹ và cả thế giới hạ hỏa lạm phát cao, chứ không phải là con bài cũ lãi suất của FED nữa rồi. Không lẽ các nhà lãnh đạo không nhận ra rằng Nga và đồng minh của họ đang sở hữu những vũ khí kinh tế và địa chính trị chiến lược thuộc diện chi phối lớn nhất toàn cầu: Năng lượng/ Lương thực/ Nguyên liệu/ Vũ khí ? Lợi ích lớn nhất là khi lợi ích của nhiều bên được bảo đảm, nhất là các bên chi phối.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới