Thứ tư, 4/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lạm phát tại nền kinh tế hàng đầu tiếp tục tăng, áp lực dồn lên lãi suất

D.Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau hàng loạt thông tin mới về tình trạng lạm phát trên toàn cầu, đặc biệt tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, thị trường tài chính trong tuần qua tiếp tục biến động mạnh. Nhiều nền kinh tế, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, vẫn tiếp tục nỗi lo ngại về lãi suất tăng cao và đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá.

Lạm phát tại Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Các báo cáo trong tuần qua đều cho thấy lạm phát tại Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,4%, cao hơn mức dự đoán 0,2%.

So với cùng kỳ, CPI tăng 8,2% trong tháng 9, giảm tốc so với hai tháng trước đó (lần lượt ở mức 8,3% và mức đỉnh 9,1% trong tháng sáu). Tuy nhiên, chỉ số CPI lõi (loại trừ thực phẩm và năng lượng) tăng 6,6%, ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 8-1982, sau khi tăng 6,3% trong tháng 8.

Tương tự, báo cáo khác cũng cho thấy người tiêu dùng cũng chi trả nhiều hơn cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, với mức tăng hàng năm lớn nhất trong 40 năm. Một khảo sát tâm lý người tiêu dùng từ Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát đang tăng.

Chỉ báo lạm phát tiếp tục tăng trong bối cảnh số liệu việc làm vẫn tăng trưởng tốt, điều này tiếp tục dẫn đến kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất.

Theo công cụ theo dõi Fed của sàn giao dịch CME (Mỹ), hiện xác suất tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 11 đã lên mức 99,7% và có 74% khả năng tăng thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 12.

Khi lãi suất kỳ vọng tiếp tục tăng mạnh, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã vượt trên 4% vào hôm cuối tuần, trong khi chỉ số đô la Mỹ tăng 0,6%, tiếp tục giữ vùng điểm cao nhất trong 20 năm.

Chỉ số CPI lõi tăng cao nhất trong vòng 40 năm, cho thấy bức tranh lạm phát vẫn đang ở mức cao. Nguồn: Bloomberg.

Số liệu vĩ mô trong tuần ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán Mỹ, khiến dòng tiền liên tục đảo chiều.

Sau khi chỉ số CPI được công bố, thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhưng bất ngờ đảo chiều tăng mạnh trong hôm thứ năm. Sau đó, thị trường lại bất ngờ giảm mạnh vào ngày giao dịch cuối tuần. Theo đó, chỉ số Dow Jones giảm 1,34%, chỉ số S&P 500 giảm 2,37%, chỉ số Nasdaq Composite 3,08%.

Như vậy, ba chỉ số này khép lại tuần biến động lớn và đi ngược chiều nhau. Theo đó, chỉ số Dow Jones tăng 1,15%, nhưng hai chỉ số còn lại lần lượt giảm 1,55% và 3,11%.

Áp lực đô la tăng tiếp tục ảnh hưởng lớn đến thị trường vàng. Vàng cũng giảm mạnh xuống dưới mức 1.650 đô la/ounce, với giá vàng kỳ hạn tháng 12 trên sàn Comex giao dịch cuối cùng ở mức 1.647,80 đô la/ounce, giảm 1,74% trong ngày. Như vậy vàng đã giảm khoảng gần 90 đô la so với mức cao nhất trong tháng 10.

Còn trên thị trường dầu, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu Brent giảm 3,1%, xuống mức 91,63 đô la/thùng, còn dầu WTI giảm 3,9%, xuống mức 85,61 đô la/thùng. Tính theo tuần thì giá dầu lần lượt giảm 6,4% và 7,6%.

Những biến động mạnh tại thị trường Việt Nam

Liên quan đến tình hình thị trường tài chính trong nước tuần qua cũng có biến động mạnh.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index cũng đảo chiều liên tục trong tuần. Chỉ số có lúc giảm sâu xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm, sau đó ghi nhận phục hồi vào các phiên cuối tuần sau chuỗi giảm mạnh. Thanh khoản trong tuần vừa qua vẫn được duy trì ở mức trung bình, do tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng và lo ngại về những rủi ro ngắn hạn.

Tuy nhiên, điểm tích cực là chỉ số Vn-Index đã có tuần tăng đầu tiên với gần 26 điểm, tương đương phục hồi 2,5%, sau 6 tuần giảm liên tiếp. Trong đó, nhiều nhóm cổ phiếu phục hồi mạnh như nhóm hóa chất, thủy sản, bán lẻ, thép, dầu khí, chứng khoán, ngân hàng,…  Đáng chú ý nữa là khối ngoại cũng có tuần mua ròng nhiều nhất kể từ đầu năm.

Thị trường tiền tệ cũng có những biến động lớn khi mặt bằng lãi suất tiếp tục tăng lên, ở cả thị trường liên ngân hàng và thị trường tiền gửi dân cư. Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua cũng tích cực bơm ròng để hỗ trợ thị trường trong bối cảnh nhiều người dân đi rút tiền gửi tại ngân hàng SCB. Vào cuối tuần, NHNN cũng đã đặt SCB vào diện kiểm soát đặc biệt để tiếp tục ổn định và hạn chế tác động tiêu cực đến hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Tại Việt Nam, tỷ giá vẫn chịu áp lực từ đồng đô la. Tỷ giá trung tâm tính đến ngày 15-10 được niêm yết ở mức 23.541 đồng/đô la, cao hơn so mức 23.432 đồng/đô hồi đầu tuần trước. Tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết cũng lên mức 24.230 đồng/đô ở chiều bán ra, cao hơn đáng kể (210 đồng) so với đầu tuần.

Tuy nhiên, thị trường vàng thì gần như không đi theo xu hướng thế giới khi giá vàng miếng SJC bất ngờ cao tăng hơn 1 triệu đồng mỗi lượng trong tuần, lên mức 67 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và 66 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới