Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

10% rau củ quả ở chợ đầu mối chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo đại diện của Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, sau khi lấy mẫu kiểm tra tại các chợ đầu mối, số rau củ quả chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chiếm tỷ lệ 10%.

Tại hội nghị "Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng" diễn ra vào ngày 18-10, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, cho biết trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2022, trong 6 năm đi lấy mẫu kiểm tra chung với hàng tươi sống trên địa bàn TPHCM, kết quả tỷ lệ đạt tới 96% và tỷ lệ vi phạm chỉ khoảng dưới 10%. Như vậy, tỷ lệ vi phạm đã giảm dần theo từng năm.

Tuy nhiên, riêng tại các chợ đầu mối, Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố đã lấy mẫu kiểm tra, kết quả cho thấy có 90% số mẫu đạt chuẩn nhưng vẫn có 10% số rau củ quả chứa dư lượng bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép, bà Lan cho biết.

Hiện TPHCM từ khuyến khích chuyển sang bắt buộc với bếp ăn trường học, căn tin, nhà hàng, siêu thị và các kênh phân phối hiện đại dùng hàng hóa phải đạt chuẩn VietGAP, chuẩn của ngành nông nghiệp. Trên thực tế, số thực phẩm đạt VietGAP vào các kênh này chưa cao, rau củ quả đạt khoảng 20%, trứng đạt khoảng 60%, thủy hải sản rất thấp chỉ đạt khoảng 10%... Tất nhiên, không phải sản phẩm không đạt VietGAP là không an toàn, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho hay.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tại hội nghị "Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng" vào ngày 18-10. Ảnh: M.T

Nói về sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch, cho biết hiện nay vẫn còn có sự bất hợp lý khi kêu gọi nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Thị trường đôi khi không chấp nhận sản phẩm VietGAP do nông dân làm ra, nghĩa là tiêu chuẩn chưa gắn với thị trường.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, thậm chí là rất lâu trước kia, một số đơn vị có hành vi gian dối, đội lốt nhãn mác VietGAP để đưa hàng vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng. Việc này gây thiệt hại ngược lại cho những nông dân làm VietGAP chân chính, gây mất lòng tin của người tiêu dùng và xã hội.

Theo bà Minh, việc kiểm soát an toàn phẩm, đảm bảo minh bạch nguồn gốc thực phẩm hiện nay cần đề cao vai trò của tất cả các đơn vị, thành phần trong xã hội cùng tham gia. Kể cả trách nhiệm của thương lái cũng cần nâng cao vì họ là bộ phận rất quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam. Người tiêu dùng là chốt chặn cuối cùng; đồng thời các tổ chức xã hội như Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng phải hỗ trợ cung cấp kiến thức nhận diện an toàn thực phẩm và các mối nguy từ thực phẩm cho người dân.

Để đảm bảo tiêu chuẩn các mặt hàng, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết các đơn vị doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, từ con giống nuôi trồng đến sơ chế chế biến lưu thông trên thị trường; đồng thời cần kiểm soát tận gốc vấn nạn sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc hoá chất độc hại vào môi trường; kiểm soát chặt chẽ khâu nhập và phân phối sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Việc truy xuất nguồn gốc nông sản là yếu tố bắt buộc. Để làm được điều này, bà Hậu cho rằng cần xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giúp thay đổi nhận thức, kiến thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra cần nâng cao kỹ năng quản lý, kiểm soát, nhận diện đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm, giúp kiểm soát từng công đoạn và quá trình tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, tạo liên kết chặt chẽ giữa cơ sở tham gia chuỗi và tăng hiệu quả trách nhiệm của mỗi cơ sở trong việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bà Hậu cũng đề xuất cần xử lý hình sự đối với các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm gây ảnh hướng đến sức khoẻ cộng đồng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần học hỏi các nước tiên tiến để giảm áp lực cho nhà sản xuất, giúp giảm chi phí cho việc duy trì giấy chứng nhận kiểu mẫu.

Theo báo cáo của Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, về công tác thanh kiểm tra xử lý vi phạm, so sánh hai giai đoạn 2015-2016 và 2017-2022, số lượng cơ sở được kiểm tra tăng cao hơn và số lượng vi phạm đã giảm dần. Trong 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng TPHCM đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền hơn 9,6 tỉ đồng.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã tiêu hủy 12.797 kg và 33.971 sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động có thời hạn hai cơ sở và tước quyền sử dụng giấy phép một cơ sở sản xuất…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới