Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hạ tầng mong manh: ‘bệnh kẹt xe, ngập’ đã thành… mãn tính

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cuộc sống của người dân tại các đô thị ngày càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn trước các diễn biến bình thường của thiên nhiên như mưa lớn, triều cường. Sức chịu đựng của hạ tầng ngày càng trở nên mong manh, chỉ cần một sự cố gì đó hơi bất thường là người dân phải đối đầu với ngập lụt, kẹt xe không lối thoát.

Người dân càng ngao ngán hơn khi nghe giới chức chính quyền giải thích lý do nào là thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, nền đất đang lún dần…

Những bức ảnh chụp trên đường Trần Xuân Soạn (TPHCM) từ trên cao cho thấy cảnh xe hơi và tàu ghe chạy song song nhau khi triều cường giờ đây không còn thú vị như lúc mới xuất hiện vài năm trước mà chỉ khiến người xem ngán ngẩm. Tương tự, cảnh trung tâm thành phố Cần Thơ chìm trong triều cường tuần qua hay Đà Lạt chìm trong biển nước vài tháng trước khiến nhiều người thở dài.

Giải pháp cho vấn đề ngập vì triều cường có lẽ còn xa lắm, phải tính bằng nhiều năm. Thử điểm qua các báo trong 10 năm gần đây, lời hứa “TPHCM sẽ hết ngập vào năm …” của cơ quan chức năng cứ được đưa ra với thời hạn lùi dần lùi dần lùi dần, ngập không chỉ vẫn còn nguyên mà còn tăng thêm. Người dân cứ đọc báo rồi đợi chờ miên man, rồi tự nghĩ cách cứu mình vì họ vẫn phải đi lại, tránh đâu bây giờ?

Mà ngập vì mưa hay triều cường luôn kéo theo tình trạng mệt mỏi hơn: kẹt xe. Cảnh người dân lội bì bõm trong biển nước ngập dưới chân trong khi trên đầu vẫn mưa xối xả không phải là hiếm, khi đó kẹt xe càng kinh khủng hơn. Sau khi vượt qua mưa, ngập, kẹt xe thì hôm sau người bệnh, xe hư lại tốn thêm không ít tiền. Ở trong nhà cũng nào được yên vì có những khu ngập sâu, nước tràn vào nhà làm hư hỏng đồ đạc, nhất là đồ điện tử nếu không di dời kịp.

Cách đây tầm 10 năm, mỗi khi định đi đâu thì người viết bài này cứ leo lên xe chạy, mưa thì tìm chỗ trú chờ ngớt lại đi, không phải suy nghĩ nhiều. Nhưng giờ đây, thói quen đã trở thành phản xạ có điều kiện là cầm điện thoại kiểm tra thời tiết, bản đồ Google xem có kẹt xe hay không. Trên điện thoại giờ còn có thêm phần mềm ứng dụng (app) của ngành giao thông để xem camera giao thông rồi lại có cả app của ngành thoát nước để xem bản đồ ngập. Tuy trang bị đầy đủ “đồ chơi” như vậy nhưng đa phần là sau khi kiểm tra xong thì đành thúc thủ tìm quán cà phê nào đó ngồi chờ nước rút vì các nẻo đường đều ngập hay kẹt thì làm sao đi.

Sự mong manh của hạ tầng không chỉ ở trong phạm vi đô thị mà còn lan rộng ra các tuyến giao thông huyết mạch liên kết vùng. Các tuyến đường từ TPHCM đi liên vùng như các quốc lộ 1A, 22 và 51 hay các tuyến cao tốc TPHCM - Dầu Giây, TPHCM - Mỹ Thuận, chỉ cần một vụ tai nạn giao thông là kẹt xe kéo dài hàng ki lô mét trong vài giờ. Do mạng lưới đường giao thông không đủ nên nhiều khi dù biết phía trước kẹt xe thì người dân cũng không có lựa chọn nào khác ngoài, đành phải chờ đợi.

Diễn biến thời tiết thì ngày càng cực đoan hơn. Thống kê cho thấy tại TPHCM, trong thập niên 1950 không có trận mưa nào trên 100mm/giờ. Đến thập kỷ 1960 mới có một trận mưa 100mm/giờ, thập kỷ 1970 có thêm một trận mưa trên 100mm/giờ. Nhưng từ thập kỷ 1980, những trận mưa lớn tăng dần và hiện tại thì một năm có tới hơn mười trận mưa lớn trên 100mm/giờ(*).

Còn về lún thì một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Nature Sustainability hôm 12-9-2022 cho thấy, TPHCM đang lún 16,2 mm/năm(**). Thủ phạm gây ra tình trạng sụt lún là khai thác nước ngầm quá mức và xây dựng dày đặc các công trình cao tầng ở những khu vực có nền đất yếu.

Mật độ giao thông thì chỉ có tăng cao chớ không giảm. Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,76%, thấp hơn 10% so với quy chuẩn. Mật độ đường giao thông đạt 2,26 km/km², chỉ bằng một phần năm quy chuẩn, thấp hơn các thành phố tương đồng như Bangkok, Đài Bắc, Singapore. Bình quân mỗi ngày TPHCM có hơn 200 ô tô và 800 xe hai bánh đăng ký mới(***).

Các nguyên nhân gây ngập nước, kẹt xe thì không giảm đi mà ngày càng tăng, người dân thì mòn mỏi chờ đợi theo lời hứa của cơ quan chức năng nhưng tình hình chỉ ngày càng tệ hơn. Có lẽ giờ đây cần đổi thuốc mới mong trị được bệnh vì rõ ràng các bài thuốc áp dụng trong hàng chục năm qua đã không giúp được gì nhiều vì “bệnh kẹt xe, ngập” đã thành… mãn tính và di căn.

(*) https://cuoituan.tuoitre.vn/tu-chuyen-ngap-lut-o-da-lat-phu-quoc-bat-cap-tu-quy-hoach-1541530.htm

(**) https://www.straitstimes.com/singapore/south-east-asian-coastal-cities-sinking-fastest-could-worsen-impacts-of-sea-level-rise-study

(***) https://thesaigontimes.vn/giao-thong-tphcm-da-gan-cham-muc-canh-bao-cao-nhat/

2 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thì thấy do chưa thống kê đủ và đúng. Như kẹt xe do phương tiện của người dân sinh sống trong TpHCM hay ở tỉnh khác. Và việc quản lý chỉ gói gọn trong cơ quan GTVT. Thật sự thì quyền quản lý và sắp xếp không chỉ ở GTVT. Như khu vực quận 5 TpHCM, kẹt xe chủ yếu do Bệnh viện. Chính xác là xe người đi khám bệnh, xe khách tỉnh chở người dân di khám. Vậy Sở GTVT có quản lý được bệnh viện không?
    Nói chung ở TpHCM nên gom các sở ban ngành thành Sở Đô thị từ các Sở khác. Khi có một việc cần giải quyết, Sở Đô thị sẽ điều phối dễ dàng hơn. Nếu như hiện tại thì cứ gửi văn bản kiểu ngoại giao, Sở ngành liên quan không ý kiến hoặc giải quyết nhanh chóng trách nhiệm thì cứ ngâm đó, dân lại khổ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới