Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các ngôi sao IPO trên thị trường chứng khoán Mỹ gục ngã

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau khi tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở thị trường chứng khoán Mỹ trong những năm thuận lợi gần đây, cổ phiếu của 76% số doanh nghiệp lớn đang giao dịch ở mức thấp hơn giá IPO. Điều này buộc một số doanh nghiệp từng được xem là ngôi sao IPO tìm cách trở lại thị trường tư nhân (hủy niêm yết trên thị trường đại chúng) với mức định giá rẻ mạt.

Sau khi tiến hành IPO và niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq hồi tháng 3-2019, hãng gọi xe Lyft đã chứng kiến vốn hóa thị trường tăng lên mức hơn 24 tỉ đô la Mỹ, nhưng hiện nay đã giảm xuống, chỉ còn gần 4,5 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: AP

Trong số hơn 400 doanh nghiệp lớn huy động được ít nhất 100 triệu đô la Mỹ trong các thương vụ IPO giai đoạn từ năm 2019 đến 2021 ở thị trường chứng khoán Mỹ, có 76% doanh nghiệp đang giao dịch cổ phiếu với giá thấp hơn IPO, theo một nhà phân tích của Financial Times dựa trên dữ liệu của Dealogic. Giá cổ phiếu trung bình hiện nay của nhóm doanh nghiệp này kể từ ngày IPO của họ là âm 44%.

Những cổ phiếu giảm sâu so với với mức giá IPO bao gồm các cổ phiếu được kỳ vọng cao của Công ty dịch vụ tài chính Robinhood Markets, hãng gọi xe Lyft và nền tảng giao đồ ăn DoorDash. Tất cả cổ phiếu này đều được niêm yết trong thời kỳ thị trường IPO bùng nổ, một phần được thúc đẩy bởi hiệu ứng tích cực từ đại dịch Covid-19. Chỉ số Nasdaq Composite, nơi niêm yết cổ phiếu của nhiều công ty tăng trưởng, giảm 32% trong năm nay.

Với việc giá cổ phiếu lao dốc, các công ty đầu tư có vốn cổ phần tư nhân đang tìm cách mua lại một số công ty đại chúng mới niêm yết.

Tuần trước, ForgeRock, nhà cung cấp phần mềm doanh nghiệp, có trụ sở tại San Franciso, tuyên bố sẽ rút về thị trường tư nhân chỉ hơn một năm sau khi tiến hành IPO. Công ty này chấp nhận bán mình cho Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Thoma Bravo với giá 2,3 tỉ đô la Mỹ.

Giá cổ phiếu của ForgeRock đã tăng gân gấp đôi sau khi niêm yết tại New York hồi cuối năm ngoái, lên mức gần 50 đô la Mỹ, nhưng hiện nay giảm về chỉ còn 22,54 đô la Mỹ. Giám đốc điều hành ForgeRock Francis Rosch nói rằng việc niêm yết cổ phiếu đã giúp tăng danh tiếng của công ty nhưng rốt cục làm giảm giá trị của cổ đông.

Trước làn sóng bán tháo cổ phiếu tăng trưởng trong năm 2022, giá cổ phiếu của ForgeRock đã giảm tới 50% so với giá niêm yết. Giá mua lại của Thoma Bravo vẫn thấp hơn gần 1/10 so với giá IPO của ForgeRock, dù Thoma Bravo đã trả cao hơn 53% so với giá thị trường hiện tại của ForgeRock.

Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết tâm tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và nền kinh tế Mỹ dường như đang tiến tới suy thoái, những doanh nghiệp đại chúng có mức tăng trưởng doanh thu chóng mặt nhưng chưa có lợi nhuận sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn về việc nên chấp nhận đề nghị thâu tóm từ các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân hay các đối thủ giàu ngân sách trong ngành.

“Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục đi xuống và mức giá cổ phiếu mục tiêu do nhà phân tích đề xuất giảm xuống, với tư cách là một hội đồng quản trị, bạn phải chú ý đến những điều đó”, Ted Smith, đồng sáng lập Ngân hàng đầu tư Union Square Advisors, nói.

Ông cho rằng mức định giá bị thổi phồng trong thời kỳ IPO bùng nổ không còn phù hợp với tình hình thị trường hiện nay nữa.

Khi thị trường chứng khoán bị bán tháo đồng loạt, các nhà đầu tư đang cố gắng phân biệt những công ty có mục tiêu hứa hẹn về lợi nhuận và những công ty chỉ đơn thuần tận dụng thời cơ thuận lợi trong đại dịch Covid-19 để niêm yết cổ phiếu.

Chỉ một tuần trước thông báo của ForgeRock, Công ty thương mại điện tử chuyên về thời trang Poshmark (Mỹ) cũng đồng ý bán mình cho Tập đoàn Naver của Hàn Quốc với giá chỉ 1,2 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn gần 60% so với giá IPO của nó. Giám đốc điều hành Poshmark Manish Chandra cho biết sau khi thương vụ hoàn tất, Poshmark sẽ hủy niêm yết cổ phiếu ở sàn Nasdaq.

Một tên tuổi khác cũng đã gia nhập xu hướng rút khỏi thị trường đại chúng là Casper Sleep, chuyên bán nệm trực tiếp cho người tiêu dùng.

Năm 2021, một công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân đã mua lại Casper Sleep với giá chưa đến 300 triệu đô la Mỹ, thấp hơn rất nhiều so với vốn hóa thị trường 1,1 tỉ đô Mỹ khi Casper Sleep mới niêm yết cổ phiếu vào năm 2020.

Các nhà quan sát trong ngành cho biết trong số những người mua tiềm năng đối với các ngôi sao IPO đang gục ngã, các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân có thể quyết liệt hơn. Theo dữ liệu của Preqin, các công ty cổ phần tư nhân của Mỹ đang nắm trong tay 500 tỉ đô la Mỹ đang sẵn sàng triển khai.

Các doanh nghiệp niêm yết khác cũng chứng kiến giá cổ phiếu của họ giảm mạnh, do đó, họ có xu hướng tránh xa các giao dịch rủi ro trong thời điểm thị trường vĩ mô bất ổn. Cổ phiếu của Naver đã giảm 15% kể từ khi công bố mua lại Poshmark.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới