(KTSG Online) - Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đến hết ngày 31-12-2023. Như vậy TPHCM chỉ có thêm một năm, và khoảng thời gian này có thể sẽ không đủ dài, trong khi còn nhiều thách thức đối với việc mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện.
Không thể phủ nhận, khi triển khai Nghị quyết 54, TPHCM đã đạt những bước tiến mạnh sau khi được phân cấp, phân quyền thực hiện 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực: đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý. Cũng thấy rõ, có nhiều việc lớn, lãnh đạo thành phố rất muốn làm, nhưng vì mới, vì khó, và trước khi làm đã lắng nghe, tham vấn, cân nhắc, sau đó lại lưỡng lự, chưa mạnh dạn đưa ra, do có ý kiến trái chiều...(1)
Đơn cử, theo giải trình của TPHCM trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có những việc nghị quyết đã có nhưng thực hiện không đơn giản, như khi thu hồi đất lúa trên 10 héc ta để thực hiện dự án thì vướng thủ tục, các quy định của Luật Đầu tư dẫn đến chậm triển khai. Hay các dự án đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao đều khó thực hiện do Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) không cho lĩnh vực văn hóa, thể thao được xã hội hóa. Rồi việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải tạm dừng do chờ hướng dẫn phương án sử dụng đất…(2)
Về nguyên tắc, tài sản thuộc sở hữu nhà nước là sở hữu toàn dân và phân cấp cho TPHCM quản lý. Vậy khi đã giao cho thành phố quản lý thì phải cho TPHCM định giá lại doanh nghiệp và xem đó như nguồn tài sản của thành phố. Khi đó, thành phố được dùng nguồn tài sản này để phát triển, không dùng chi thường xuyên, hoặc có thể thoái vốn, bán doanh nghiệp lấy tiền làm những dự án, như cải tạo rạch Xuyên Tâm chẳng hạn. Tuy nhiên, do chưa phân cấp triệt để cho TPHCM mà thẩm quyền còn “lửng lơ”, rất khó thực hiện.
Cơ chế trung ương cũng cho thành phố hưởng khi ngân sách tăng thu, song đã 5 năm qua, tăng bao nhiêu thì thành phố được hưởng, vẫn chưa rõ ràng. Hiện TPHCM chủ yếu vay trái phiếu chính phủ, quyền phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc trái phiếu công trình… còn rất hạn chế. TPHCM vẫn chưa được quyết trong sắp xếp bộ máy, bị áp chế tinh giản nhân sự; khối lượng công việc quá nhiều, biên chế cơ sở không tăng, một người làm việc bằng ba trong khi lương cơ sở thấp, hệ số lương, chức vụ vẫn đóng khung, không linh hoạt, không thu hút được công sức, trí tuệ nhân tài phục vụ trong bộ máy chính quyền(3).
Với những tồn tại trên, theo nhận định cá nhân người viết, cơ chế phân cấp, phân quyền cho TPHCM trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là các lĩnh vực quan trọng: kinh tế, đất đai, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, môi trường... thực sự chưa cụ thể nội dung nào do trung ương quyết, những nội dung nào TPHCM được quyết?!
Nghị quyết 54 mục đích tạo lập một cơ chế đặc thù, phân quyền cho thành phố, song khi triển khai, nhiều chuyện vẫn phải hỏi ý kiến các bộ, ngành do vướng thủ tục, có khi phải chờ thay đổi cả luật, nên các bộ, ngành cũng lúng túng, chậm trả lời. Đây là lý do chính ảnh hưởng đến sự lưỡng lự, chưa mạnh dạn, quyết liệt đưa ra quyết định của các lãnh đạo TPHCM thời gian qua.
Hôm 21-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng thuận kéo dài thời gian thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đến hết ngày 31-12-2023. Như vậy TPHCM chỉ có thêm một năm để thực hiện. Đây là khoảng thời gian không dài, khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện.
Muốn đặc thù thì phải khác biệt, nhưng muốn khác biệt lại không đúng luật. Đặc thù cũng không phải là đưa TPHCM thành khu tự trị, mà ở tốc độ phát triển đang chậm hơn yêu cầu thực tiễn, nên cần hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ linh hoạt để bứt phá. Đây là vướng mắc chính trong cơ chế phân cấp, phân quyền hiện nay.
Hy vọng, Trung ương hiểu những khó khăn, tồn tại của TPHCM và điều chỉnh cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước; cho TPHCM được minh bạch về thẩm quyền, được tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo, cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn. Có vậy, TPHCM mới dám nghĩ dám làm, phát huy được hiệu quả, vai trò trách nhiệm của mình.
------
https://etv.quochoi.vn/Videos/phien-hop-thu-16/2022/10/pho-chu-tich-ubnd-tp-ho-chi-minh-vo-van-hoanda-chuan-bi-mot-nghi-quyet-moi-trinh-quoc-hoi/3348 (1)
Cơ chế đặc thù là cơ chế thí điểm. Những thí điểm hay… thí tốt ? Đó là câu hỏi cần trả lời cho rõ, cho sớm, nếu không sẽ lúng túng mãi, không có lối ra. Có ba vấn đề vướng nhất trong thực tiễn 1. Đặc thù không thể thay thế những ràng buộc của các luật có liên quan, trừ khi quốc hội khẳng định cơ chế đặc thù không bị chi phối bởi luật hiện hành. 2. Đặc thù chỉ áp dụng trong một thời gian, vô hình chung chỉ cần mới đề xuất và nghiên cứu tiền khả thi không thôi là đã hết thời gian, còn đâu cơ hội để triển khai, trừ khi quốc hội khẳng định cơ chế này được áp dụng cho đến khi hoàn thành công việc/ dự án… cụ thể. 3. Đặc thù là phải hướng đến xóa bỏ và giảm thiểu kiểu xin – cho càng nhiều càng tốt, giao quyền và tăng quyền tự chủ cho địa phương và cơ sở, nếu không vẫn cứ tiếp tục duy trì các kiểu đặc quyền khác nhau, thậm chí càng nặng nề hơn.
TW mới đây tổ chức hội nghị quán triệt nghị quyết 24 của Bộ CT về vùng Đông Nam bộ rất rõ rồi. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ ngành liên quan. Trên đồng ý, dưới đồng lòng. Nếu không làm ngay thì biết bao giờ mới làm ?