(KTSG Online) – Thời gian gần đây, hàng chục ngàn cán bộ y tế xin nghỉ việc, các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải và xin thôi tự chủ... Các đại biểu Quốc hội cho rằng thực tế đó thể hiện sự thất bại của chính sách. Tại phiên họp ở hội trường Quốc hội sáng 24-10 thảo luận về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các đại biểu đã góp ý về vấn đề này.
- Đề nghị Luật Khám chữa bệnh cần có nội dung về đầu tư tư nhân
- Mô hình bác sĩ gia đình cần được đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Phát biểu thảo luận góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ông Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục ngàn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.
Ông Cường cho rằng, thực tế trên là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập. Ông còn cho hay phần lớn y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại, để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất, không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.
Nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là nước ngoài có thiết bị hiện đại hơn.
Vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng, tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.
Ông Cường hy vọng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này. Tuy nhiên, ông cho rằng cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo luật này.
Ông đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật khám, chữa bệnh sửa đổi quy định về tự chủ của bệnh viện công, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng.
Cùng chung quan điểm trên, bà Trần Khánh Thu, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho rằng cần bổ sung quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập trong luật.
Bà Thu cho biết hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về nội dung này. Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Ông Trịnh Xuân An, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng cần có chương, mục riêng về cơ chế tự chủ bệnh viện. Theo ông, tự chủ giống như một dòng sông được khơi thông thì con thuyền là các bệnh viện công đi trên đó an toàn và tiện lợi; nếu không cẩn thận thì rất dễ đánh đắm con thuyền đó.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thuộc đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng những quy định trong luật chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề về xã hội hóa, tự chủ bệnh viện đang đặt ra trong thực tế. Theo đại biểu, mục tiêu của xã hội hóa là phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế, tuy nhiên hiện nay đang loay hoay để giảm xuống mức thấp nhất giá thanh toán theo bảo hiểm y tế. Khi thanh toán theo bảo hiểm y tế thấp nhất có thể thì khó đảm bảo chất lượng cao.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, cần có hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức hoạt động tự chủ bệnh viện, cơ sở y tế, để rút ra bài học, giải pháp, làm tiền đề để có những quy định sáng suốt, sát với thực tế trong các vấn đề đấu thầu thuốc, đào tạo nhân lực…
Ông Dương Tấn Quân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng hiện nay chế độ chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành y tế chưa đảm bảo, chưa tương xứng với quá trình đào tạo của ngành y tế. Do đó đại biểu đề nghị Quốc hội và ban soạn thảo cân nhắc bổ sung chính sách thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, bác sĩ và nhân viên y tế vào trong luật.
Cũng cho rằng cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ ngành y, bà Triệu Thị Ngọc Diễm - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng - cho rằng khoản 2, Điều 4 dự thảo luật quy định có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề là chưa cụ thể, khó áp dụng trong thực tế. Bà băn khoăn việc yếu tố đặc biệt được định tính ở mức độ nào để đủ sức trở thành một trong những động lực cơ bản cho nhân viên y tế làm việc lâu dài trong bệnh viện công; vì ngành y là ngành có thời gian đào tạo dài hơn, đặc thù hơn các ngành khác.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng thời gian đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao thì bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn. Ngoài ra, với tính chất đặc thù nên sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh. Chẳng hạn, trong đại dịch Covid-19 vừa qua cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng ngay khi cần như hưởng 100% phụ cấp đặc thù; nên có một bảng lương theo từng bậc, từng ngạch riêng cho ngành y tế theo vị trí việc làm…
Ông Đào Chí Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ, cho rằng cần cụ thể hóa chính sách đãi ngộ đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cần giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Trong đó, quy định giao cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh tùy theo nguồn lực của địa phương ban hành nghị quyết về chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là phù hợp nhằm đảm bảo chính sách thực hiện có hiệu quả.
Cùng chung quan điểm với các đại biểu trên, ông Nguyễn Văn An, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, đề nghị dự thảo luật cần thể hiện chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Cán bộ y tế nghỉ việc, sẽ không mất nguồn lực đi đâu cả, mà chỉ chuyển từ công sang tư hoặc nghề nghiệp nào khác phù hợp. Đây cũng là cơ hội để nhà nước có chính sách cải tổ khu vực nhà nước, hoặc là khu vực nhà nước phải biết tự cải tổ để tồn tại và phát triển. Tốt nhất, nên tiến đến công ra công, tư ra tư. Càng nhập nhằng, người bệnh càng mãi khổ.