(KTSG Online) - Hôm 28-10, chính phủ Nhật Bản công bố gói chi tiêu mới 29,1 ngàn tỉ yen (gần 200 tỉ đô la Mỹ) để giảm bớt tác động giá cả hàng hóa tăng cao đối với người tiêu dùng và đồng yen suy yếu trong bối cảnh lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập niên. Động thái này được đưa ra khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng.
- Nhật Bản giảm sức hút đối với lao động nước ngoài vì đồng yen mất giá
- Nhật Bản lần đầu tiên can thiệp ngoại hối kể từ năm 1998 để ‘cứu’ đồng yen
Thủ tướng Fumio Kishida công bố gói kích cầu nói trên, bao gồm trợ cấp tiền điện và khí đốt cho các hộ gia đình, phiếu giảm giá mua hàng cho phụ nữ mang thai và mới sinh con, chỉ vài giờ sau khi Thống đốc BoJ - Haruhiko Kuroda nói rằng sẽ chưa tăng lãi suất sớm.
Ông Kishida nói gói chi tiêu sẽ giúp cắt giảm chi phí năng lượng hộ gia đình và sẽ làm giảm chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản xuống hơn 1,2 điểm phần trăm. Ông kỳ vọng gói chi tiêu sẽ giúp GDP thực tế của Nhật Bản tăng thêm khoảng 4,6 điểm phần trăm.
Phát biểu với các phóng viên tại cuộc họp báo ở Tokyo, ông Kishida nói: “Tôi sẽ cố gắng hết sức để cung cấp các biện pháp khác nhau trong gói kích thích kinh tế toàn diện này cho người dân để họ cảm thấy chúng tôi đang hỗ trợ cuộc sống của họ”. Theo Thủ tướng Kishida, nếu tính các khoản đóng góp của khu vực tư nhân và các biện pháp tài khóa khác, quy mô tổng thể của gói kích thích là 71,6 ngàn tỉ yen (490 tỉ đô la).
Tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản, ở mức 3% vào tháng 9, thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu nhưng đà giảm giá dai dẳng của đồng yen làm trầm trọng thêm áp lực giá cả và gây tổn thương cho ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình. Ông Kishida chịu áp lực phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để làm dịu chi phí sinh hoạt của người dân trong bối cảnh mức tín nhiệm của ông trong các cuộc khảo sát giảm mạnh.
Lạm phát đang là một vấn đề cấp bách đối với chính phủ của ông Kishida. Trong một cuộc thăm dò của Nikkei-TV Tokyo vào tháng trước, 69% số người được hỏi cho rằng các biện pháp của chính phủ và BoJ để chống lại giá cả tăng là không đủ.
Một trong những biện pháp chính để giải quyết lạm phát là cắt giảm hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình. Được hỗ trợ bởi 6 ngàn tỉ yen trong gói kích cầu mới, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu giảm chi phí điện, khí đốt và xăng hàng tháng cho các hộ gia đình xuống mức trung bình khoảng 5.000 yen (34 đô la) trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9-2023. Phụ nữ mang thai và mới sinh con sẽ được trợ cấp 100.000 yen (680 đô la) qua hình thức phiếu giảm giá mua hàng.
Khoảng 12,2 ngàn tỉ yen sẽ được chi để hỗ trợ các công ty tăng lương và chống lạm phát, trong khi 10,6 ngàn tỉ yen sẽ được phân bổ cho kế hoạch cải thiện khả năng chống chịu với thiên tai và ứng phó những thay đổi trong môi trường an ninh quốc gia.
Giống như nhiều nước khác, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã phải chịu áp lực tăng giá thực phẩm và năng lượng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, với việc đồng yen yếu đẩy tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô. Hiện nay, giá điện và giá ngũ cốc ở Nhật Bản tăng lần lượt 26,9% và 10,5% so với cách đây một năm.
Dữ liệu sơ bộ do Bộ Nội vụ và Truyền thông công bố hôm 28-10 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi ở khu vực thủ đô Tokyo tăng 3,4% trong tháng 10 so với một năm trước đó và đang ở mức cao nhất kể từ năm 1989.
Kể từ tháng 9, các nhà chức trách Nhật Bản đã thực hiện ít nhất hai đợt can thiệp để nâng giá đồng yen, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với đô la Mỹ do sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ nới lỏng của BoJ và chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ của hầu hết các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới
Trong khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hôm 27-10 tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2009, BoJ vẫn giữ lãi suất qua đêm ở mức âm 0,1% và tiếp tục giới hạn lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.
BoJ nâng dự báo lạm phát tiêu dùng cốt lõi lên 2,9% cho năm tài khóa kết thúc vào tháng 3-2023, đồng thời hạ dự báo GDP thực tế xuống 2% từ 2,4%. Tuy nhiên, BoJ nhận định lạm phát sẽ giảm xuống 1,6% trong năm tài khóa 2023 và 2024.
Ông Kuroda lập luận rằng nhu cầu cơ bản trong nền kinh tế vẫn còn quá yếu để có thể chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ
Cho đến nay, Thủ tướng Kishida vẫn ủng hộ chính sách của BoJ, nhưng một số nhà phân tích cho rằng BoJ có thể phải chịu áp lực chính trị ngày càng tăng khi chính phủ chuyển trọng tâm sang nhiệm vụ giải quyết chi phí sinh hoạt đang gia tăng.
“Với việc đồng yen đang trở thành một vấn đề chính trị và tỷ lệ tín nhiệm của chính quyền Kishida giảm, khó có thể duy trì lâu tình huống chính phủ can thiệp để ngăn chặn đà giảm của đồng yen trong khi BoJ theo đuổi chính sách khác biệt hoàn toàn”, Tetsufumi Yamakawa, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tại Ngân hàng Barclays, nhận định.
Theo Financial Times, Bloomberg, Nikkei Asia