(KTSG Online) – Indonesia, nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới, đang cân nhắc thành lập một tổ chức quản lý thương mại đối với các kim loại thiết yếu để sản xuất pin xe điện. Tổ chức này sẽ có cấu trúc tương tự như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
- Giá nickel đắt đỏ, đe dọa triển vọng của ngành xe điện
- Trong cơn lốc xe điện, ‘vàng trắng’ lithium đang nóng hơn bao giờ hết
Tờ Financial Times hôm 31-10 đưa tin, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia, Bahlil Lahadalia, cho biết Jakarta đang xem xét các cơ chế tương tự như cơ chế được sử dụng bởi OPEC, nhóm 13 quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn, để quản lý và điều tiết nguồn cung các kim loại quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng.“Tôi thấy lợi ích của việc tạo ra OPEC để quản lý điều hành thương mại dầu mỏ, đảm bảo khả năng dự đoán cho các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng.
Indonesia đang nghiên cứu khả năng thành lập một cơ cấu quản trị tương tự đối với các khoáng sản mà chúng tôi có, bao gồm nickel, cobalt và mangan”, Bahlil Lahadalia nói.
Theo Công ty tư vấn hàng hóa CRU, Indonesia là nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới, đóng góp 38% nguồn cung nickel tinh chế toàn cầu. Indonesia cũng nắm giữ 25% trữ lượng nickel của thế giới.
Nickel là một trong những kim loại quan trọng được sử dụng trong pin lithium-ion được sử dụng để cung cấp năng lượng cho nhiều nhà sản xuất xe điện, ngoại trừ một số ít hãng xe bao gồm Tesla, đang sử dụng pin lithium iron phosphate (LFP) để chống lại tác động của giá nickel và cobalt cao.
Khi được hỏi Indonesia đã liên hệ với các nhà sản xuất nickel lớn khác về ý tưởng thành lập một nhóm quản lý thương mại tương tự như OPEC hay chưa, Bộ Đầu tư Indonesia cho biết Indonesia vẫn đang trong quá trình xây dựng một cấu trúc như vậy trước để đề xuất.
Bất kỳ nỗ lực nào để hình thành một tổ chức phối hợp hành động chung nhằm kiểm soát giá cả toàn cầu đối với nickel sẽ không đơn giản. Nga cung cấp 1/5 sản lượng nickel có độ tinh khiết cao của thế giới, được sử dụng trong pin xe điện, trong khi Canada và Úc cũng là những nhà sản xuất lớn. Tuy nhiên, Indonesia được kỳ vọng sẽ nơi tạo ra nguồn tăng trưởng lớn nhất cho nickel trong những năm tới.
Một vấn đề phức tạp là Indonesia phụ thuộc vào các công ty nước ngoài như Tsingshan (Trung Quốc), nhà sản xuất thép không gỉ lớn nhất thế giới, và Tập đoàn khai khoáng Vale của Brazil để khai thác quặng nickel. Ở những nước OPEC hùng mạnh, chẳng hạn như Saudi Arabia, sản lượng dầu thô do các công ty nhà nước chi phối.
Indonesia là một thành viên ban đầu của OPEC, nhưng đã dừng tư cách thành viên do lo ngại về tác động của giá dầu cao đối với nền kinh tế trong nước cũng như ảnh hưởng của việc cắt giảm sản lượng của OPEC đối với nguồn thu ngân sách của chính phủ. Indonesia trở thành nước nhập khẩu ròng dầu thô kể từ năm 2004.
Khả năng cung cấp nickel cấp độ pin của Indonesia vẫn còn non trẻ. Phần lớn sản lượng của nickel là vật liệu có độ tinh khiết thấp hơn, được sử dụng để sản xuất thép không gỉ, do đó, cần có các cơ sở chế biến chuyên sâu hơn để biến nó thành vật liệu pin.
Indonsesia đã cấm xuất khẩu quặng nickel kể từ năm 2020 nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến trong nước. Jakarta đang lên kế hoạch đánh thuế đối với hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nickel trung gian, với mục tiêu khuyến khích phát triển chuỗi cung ứng xe điện đầy đủ ở trong nước. Năm nay, Indonesia chứng kiến sự ra mắt của hai mẫu xe điện đầu tiên được sản xuất trong nước. Hai mẫu xe này là của Hyundai (Hàn Quốc) và Wuling Motors (Trung Quốc).
Lệnh cấm xuất khẩu quặng nickel của Indonesia đang bị Liên minh châu Âu (EU) khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới nhưng Bộ trưởng Bahlil Lahadalia nhấn mạnh Indonesia sẽ không thay đổi lập trường chính sách.
Dù Indonesia sở hữu các trữ lượng khoáng sản dồi dào, vai trò của nước này trong việc cung cấp nickel cho các nhà sản xuất ô tô phương Tây đang bị đe dọa bởi thực tế là phần lớn hoạt động sản xuất nickel đều thuộc sở hữu của Trung Quốc và sử dụng nhiều carbon vì phụ thuộc vào điện than.
Dữ liệu của chính phủ Indonesia cho thấy trong nửa đầu năm 2022, Trung Quốc đã tăng gấp đôi đầu tư vào nước này so với cùng năm ngoái, lên 3,6 tỉ đô la, dẫn đầu là hoạt động xây dựng nhà máy luyện nickel.
Frank Fannon, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Fannon Global Advisors và là cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về tài nguyên năng lượng, cho biết tổ chức quản lý nguồn cung kim loại pin như kiểu OPEC sẽ “làm suy giảm giá trị đầu tư của phương Tây” vào lĩnh vực nickel của Indonesia”
“Tam giác lithium” gồm Chile, Argentina và Bolivia trước đây đã đề xuất thành lập một nhóm giống như OPEC để kiểm soát nguồn cung và giá cả toàn cầu của kim loại lithium. Bộ trưởng Khai khoáng Chile, Marcela Hernando gần đây đã hạ thấp tầm quan trọng của ý tưởng đó. Ông nói với Financial Times rằng mối quan tâm của Chile khi hợp tác với các quốc gia láng giềng là để chia sẻ kiến thức và thúc đẩy hợp tác về năng lực sản xuất lithium.
Theo Financial Times