(KTSG Online) – Đúng như dự báo, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách mới nhất. Tuy nhiên, các nhà hoạch chính sách của Fed báo sẽ tăng lãi suất chậm lại trong thời gian tới để quan sát đợt tăng chi phí vay mạnh trong những tháng vừa qua tác động như thế nào đến nền kinh tế.
- Thu nhập từ lãi suất của ngân hàng Mỹ phình to nhờ Fed thắt chặt tiền tệ
- Lạm phát của Mỹ tiếp tục tăng mạnh, gây sức ép lên Fed
Hôm 2-11, sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông báo tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên biên độ 3,75-4%. Đây là lần thứ 4 liên tiếp Fed tăng lãi suất với quy mô như vậy. Thông báo của FOMC ghi nhận có thể mất thời gian để các mức tăng lãi suất nhanh trong năm nay phản ánh vào nền kinh tế.
“Để quyết định tốc độ tăng lãi suất trong tương lai, ủy ban sẽ xem xét độ trễ của ảnh hưởng chính sách tiền tệ đến hoạt động kinh tế và lạm phát cũng như các diễn biến kinh tế và tài chính”, thông báo cho hay.
FOMC cho rằng việc tiếp tục tăng lãi suất lên biên độ phù hợp là điều cần thiết để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% theo thời gian. Các quan chức Fed đang tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ thập niên 1980 để kiềm chế lạm phát đang ở gần mức cao nhất trong 40 năm.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed, Jerome Powell đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng tăng lãi suất cao đến mức cần thiết để dập tắt lạm phát ngay cả khi Fed đã báo hiệu giảm nhịp độ tăng.
Ông nói rằng các dữ liệu kinh tế mà Fed tiếp nhận được kể từ lúc cuộc họp gần nhất cho thấy mức lãi suất cuối cùng trong chu kỳ siết chặt tiền tệ lần này có thể cao hơn dự báo trước đó.
Dù Fed đã nâng lãi suất lên biên độ 3,75-4% từ mức sát zero vào tháng 3, nền kinh tế Mỹ vẫn chống chịu khá tốt. Chi phí vay thế chấp tăng cao đã hạ nhiệt thị trường nhà ở nhưng lạm phát của Mỹ vẫn neo sát mức cao nhất trong 40 năm.
Tỷ lệ thất nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở mức 3,5%, mức thấp nhất trong 5 năm thập niên. Số việc làm đang tuyển dụng, vốn được ông Powell quan sát chặt chẽ, bất ngờ phục hồi trong tháng 9, lên mức 10,7 triệu so với 10,3 triệu vào tháng trước đó. Số việc làm sẵn có trên mỗi người thất nghiệp ở Mỹ tăng lên mức 1,9 trong tháng 9 so với 1,7 trong tháng 8.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Citigroup nhận định số việc làm đang tuyển dụng tăng lên là một ví dụ nữa cho thấy dữ liệu “không hợp tác” với mong muốn giảm tốc độ tăng lãi suất của Fed.
Ông Powell cho rằng thị trường lao động vẫn mất cân bằng và bày tỏ thất vọng vì lạm phát vẫn ở mức cao dù giá cả của một số hàng hóa bắt đầu giảm. Ông ghi nhận con đường hướng đến hạ cánh mềm cho nền kinh tế đang bị thu hẹp vì nhu cầu mạnh mẽ và lạm phát vẫn ở mức cao dai dẳng dù lãi suất đã tăng mạnh.
“Còn rất sớm để nghĩ đến việc tạm dừng tăng lãi suất,” ông Powell nói đồng thời lưu ý rằng Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất ở cuộc họp tiếp theo hoặc cuộc họp sau đó nữa. Ông nói thêm: “Tôi không muốn phạm sai lầm khi hành động không đầy đủ hoặc rút lui chính sách mạnh mẽ của chúng tôi quá sớm”. Ông nhấn mạnh câu hỏi khi nào giảm tốc độ tăng lãi suất không quan trọng bằng câu hỏi mức đỉnh lãi suất là bao nhiêu và cần duy trì mức đỉnh của lãi suất trong bao lâu?
“Đó là điều quan trọng nhất trong toàn bộ cuộc họp này. Ngoài ra, tôi không cần biết bất cứ điều gì khác”, Erik Weisman, nhà kinh tế trưởng và giám đốc danh mục đầu tư tại Công ty MFS Investment Management ở Boston, nói.
Các nhà kinh tế dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tháng 12 và sau đó là những đợt tăng lãi suất nhỏ hơn trong năm 2023. Các nhà kinh tế Anna Wong, Andrew Husby và Eliza Winger của Bloomberg Economics, nhận định: “Ông Powell đã gửi một thông điệp rõ ràng đến các thị trường ở cuộc họp của FOMC hôm 2-11: Đừng mong đợi chúng tôi tiếp tục tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nhưng chúng tôi cũng chưa chuyển hướng sang chính sách nới lỏng tiền tệ”.
Veronique de Rugy, nhà kinh tế học tại Trung tâm Mercatus tại Đại học George Mason ở Arlington, bang Virginia, cho biết: “Có rất nhiều áp lực buộc Powell phải dừng lại và tạm dừng tăng lãi suất và chờ tác động chậm trễ của đợt tăng lãi suất vừa qua. Nhưng tôi không nghĩ Fed sẽ có một lựa chọn nào khác ngoài việc tạo ra một cơn suy thoái. Không có cách nào để thoát ra khỏi tình trạng lạm phát cao này mà không phải chịu những đau đớn tột cùng ”.
Theo Bloomberg, WSJ