Thứ tư, 1/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cần tính lại mức bảo hiểm tiền gửi

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngay sau khi tin đồn xấu lan truyền làm cho người gửi tiền ở Ngân hàng SCB lo lắng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã họp báo để trấn an và khuyên người dân hãy bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là rút trước hạn, để bảo đảm quyền lợi của mình.

Thậm chí, sau đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng còn đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn: “Ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có Ngân hàng SCB, đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp”.

Nhưng vẫn có nhiều người chấp nhận chịu thiệt thòi để rút tiền trước hạn.

Thông điệp của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước không phải là chưa rõ ràng và cũng không thiếu cân lượng. Dù vậy, với những người đã chọn kênh ngân hàng là nơi cất giữ tài sản của mình, bất kỳ một chút rủi ro nào, cho dù là rất nhỏ, cũng là không chấp nhận được. Nên những thông điệp mạnh mẽ trên, với họ, có lẽ vẫn là chưa đủ. Nhưng nếu có cam kết ở cấp độ cao hơn, mạnh mẽ hơn và có ràng buộc rõ ràng về pháp lý thì sẽ không có tin đồn nào lay chuyển được niềm tin của người gửi tiền với ngân hàng. Trong trường hợp này đó là chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Một trong những vai trò vô cùng quan trọng của bảo hiểm tiền gửi là ngăn ngừa người gửi tiền hoảng sợ khi xuất hiện một sự cố hay tin đồn nào đó, rồi kéo đi rút tiền hàng loạt khiến cho hệ thống ngân hàng bị đe dọa.

Ở Việt Nam, Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực từ năm 2013, và sau một số lần điều chỉnh số tiền được bảo hiểm hiện nay là 125 triệu đồng. Từ thực tế diễn ra với SCB, và cả sự việc tương tự xảy ra với một ngân hàng khác trước đây, có thể thấy mức bảo hiểm theo quy định là chưa đủ để giúp chính sách bảo hiểm tiền gửi phát huy hết vai trò “bảo an” của mình. Vì vậy, đã đến lúc cần phải xem xét để điều chỉnh chính sách này.

Bản chất hoạt động của ngân hàng là kinh doanh tiền, trong đó tiền gửi tiết kiệm của người dân là nguồn vốn rất quan trọng. Niềm tin của người gửi tiền đối với ngân hàng là yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với bất kỳ tổ chức tín dụng nào và với cả hệ thống ngân hàng. Thế nên, bên cạnh uy tín mà mỗi ngân hàng tự xây dựng được cho mình, một chính sách bảo hiểm mạnh mẽ và được bảo đảm bằng luật pháp là vô cùng quan trọng.

Mức tiền gửi được bảo hiểm càng cao thì độ phủ về niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng càng lớn, và do đó nguy cơ xảy ra rủi ro khi xuất hiện sự cố hoặc tin đồn xấu càng nhỏ. Ở các nước lân cận mức tiền gửi được bảo hiểm cao hơn của Việt Nam rất nhiều, như Singapore là 75.000 đô Singapore (khoảng 1,31 tỉ đồng); Thái Lan 1 triệu baht (khoảng 657 triệu đồng) và Trung Quốc là 500.000 nhân dân tệ (khoảng 1,7 tỉ đồng).

Tất nhiên, tăng mức tiền gửi được bảo hiểm cũng đồng nghĩa với phí bảo hiểm phải tăng, nhưng đó là cái giá xứng đáng để tăng độ phủ niềm tin của người gửi tiền, bởi khi niềm tin của người dân bị xao động, và nhất là khi số này lại chiếm tỷ lệ lớn, thì cái giá phải trả cho tổ chức tín dụng cũng như cho cả nền kinh tế có thể là vô cùng lớn.

Ngoài ra, mức phí phải nộp cho bảo hiểm tiền gửi tăng lên cũng là động cơ tốt để các tổ chức tín dụng phải nỗ lực hơn nữa để được ở vào những vị trí cao trong bảng đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, vì được đánh giá càng cao thì phí bảo hiểm sẽ càng thấp.

1 BÌNH LUẬN

  1. Ba trụ cột bảo hiểm nhà nước (BHXH/ BH y tế/ BH tiền gởi) đang được giao quản lý một hệ thống nguồn lực tài chính khổng lồ của xã hội. Nhưng việc phát huy vai trò và hiệu quả hỗ trợ kinh tế xã hội, vĩ mô cũng như vi mô, còn nhiều hạn chế. Chỉ cần nhìn vào mức sống, mức độ thụ hưởng an sinh xã hội của đại đa số người hưu trí thì thấy rõ tác dụng quá khiêm tốn của hệ thống BHXH/ BHYT. Còn bảo hiểm tiền gởi chỉ mới dừng lại ở chức năng hành thu là chính, trong khi chức năng can thiệp và hóa giải rủi ro hệ thống vẫn lu mờ. Cần phải chỉnh đốn sớm, để trụ cột cho ra trụ cột.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới