Cái ăn vẫn là nỗi lo cấp thiết
Bạo động trên đường phố Haiti phản đối giá lương thực tăng cao trong ngày 7-4. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc phải can thiệp và Tổng thống Rene Preval lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh - Ảnh: AFP |
(TBKTSG Online) - Đất canh tác bị thu hẹp, nhường chỗ cho công nghiệp hóa, đô thị hóa... dẫn đến lạm phát giá lương thực ngày càng trầm trọng và bất ổn đang bùng nổ tại nhiều nơi trên thế giới.
Sốc vì giá
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO), giá lương thực trong tháng 3 tăng trung bình 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ: Trong tháng 3-2008, gạo Thái loại tốt giá 546 đô la/tấn, tăng 13% so với tháng 2 và tăng 68% so với tháng 3-2007.
Tại Bờ biển Ngà tuần qua, chị em phụ nữ đã nổi loạn để phản đối giá lương thực tăng cao, kết quả là một người thiệt mạng. Tại Haiti, tuần qua cũng có 4 người chết trong những cuộc biểu tình liên quan đến tình trạng giá lương thực leo thang.
Và ở nhiều nước khác, giá gạo, lúa mì, bắp nhảy vọt đều đang châm ngòi cho bạo động, buộc các chính phủ phải có những biện pháp mạnh mẽ như cấm xuất khẩu gạo và bắt giữ những nông dân đầu cơ tích trữ lương thực.
Quỹ Nông nghiệp Quốc tế của Liên hiệp quốc dự đoán những cuộc bạo động vì thực phẩm sẽ phổ biến trên trường thế giới trong thời gian ít nhất một năm. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hiện có 33 quốc gia đang phải đối mặt với tình hình bất ổn do giá lương thực và năng lượng tăng vọt.
Biểu đồ giá lương thực của FAO qua các năm 2005-2007 |
Ngay tại khu vực giàu ngũ cốc như châu Mỹ, giá lương thực vẫn đang tăng với tốc độ chưa từng thấy trong 27 năm qua. Căng thẳng nhất là tại châu Á và châu Phi, nơi chi tiêu cho miếng ăn chiếm phần lớn thu nhập gia đình, và nạn đói dường như đang chực chờ ở những thành phố với hơn nửa dân số thế giới.
Hậu quả tất yếu
Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hiệp quốc (WFP), vấn đề giá lương thực tăng tốc không thể kết thúc trong ngắn hạn vì xuất phát từ những nguyên nhân kéo dài như sa mạc mở rộng và nhu cầu lúa gạo cho gia súc ngày càng tăng.
Hiện WFP đang cung cấp thực phẩm cho khoảng 73 triệu người thuộc diện đói ăn nhất và tổ chức này vừa báo động với các nước tài trợ rằng họ cần huy động thêm tiền cho thời gian sắp tới, gần nhất là thêm 500 triệu đô la Mỹ vào ngày 1-5.
Tuần qua, Chủ tịch WB, ông Robert Zoellick đã kêu gọi gia tăng sản lượng nông nghiệp ở các nước nghèo đồng thời cảnh báo các nước giàu không nên gia tăng bảo hộ mậu dịch và trợ giá cho nông dân.
Theo ông, bất cứ nỗ lực nào của một chính phủ nhằm kiểm soát thị trường lương thực, dù vì nông dân hay người thành thị, đều góp phần bóp méo thị trường và đẩy giá lên.
Một trong những ví dụ điển hình nhất là việc châu Âu và Mỹ đẩy mạnh cắt đất gieo trồng để phát triển nhiên liệu sinh học. Trong năm 2008, sẽ có khoảng 18% lượng ngũ cốc ở Mỹ phải nhường chỗ cho sản xuất ethanol và theo Viện Chính sách Trái đất, sản lượng đó trong hai năm qua có thể nuôi sống gần 250 triệu người.
Mua bán gạo trên thị trường quốc tế hiện được dự đoán sẽ đạt đến 29,9 triệu tấn trong năm 2008, thấp hơn mức ước đạt của năm 2007 khoảng 1,1 triệu tấn. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là tình hình nguồn cung eo hẹp mà hầu hết các nước xuất khẩu gạo đang phải đối phó cho đến quí cuối năm và những quy định giới hạn xuất khẩu. Hiện tại, các nước xuất khẩu gạo như Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Việt Nam, Campuchia đã áp đặt hoặc mức giá xuất khẩu tối thiểu, thuế xuất khẩu, hoặc quota và thậm chí cấm xuất khẩu. |
Tại châu Á, nơi cư ngụ của 2/3 số người nghèo trên thế giới, mức tăng sản xuất nông nghiệp đã giảm xuống còn 1%/năm so với 2,5% của hai thập niên trước. Nhiều nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và đô thị hóa nhưng lại xao nhãng việc đầu tư phát triển những giống lúa cho năng suất cao hơn và nâng cấp hệ thống tưới tiêu.
Theo ước tính mới nhất của FAO, sản lượng lúa tăng 1% trong năm 2007, đạt 650 triệu tấn. Điều đó đồng nghĩa năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng sản xuất không theo kịp mức tăng dân số (1,167%), kết quả là giảm sản lượng tính theo đầu người.
Khó khăn rồi sẽ qua nếu…
Nếu điều kiện thời tiết ổn định, sản lượng gạo thế giới có thể tăng 12 triệu tấn, tức 1,8%, trong năm 2008, FAO đã khẳng định như thế trong tuần qua.
Kỳ vọng được đặt vào tất cả các nước sản xuất gạo lớn của châu Á, đặc biệt là Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Miến Điện, Philippines và Thái Lan, nơi mà cung cầu đều đang giãn rộng. Chính phủ các nước này đã đưa ra hàng loạt biện pháp khuyến khích gia tăng sản lượng.
Triển vọng sản lượng cũng khả quan ở châu Phi, nhất là tại Ai Cập, Guinea, Nigeria và Sierra Leone. Những quan ngại về sự phụ thuộc lương thực nhập khẩu trong khu vực đã dẫn đến việc huy động các nguồn lực cho sản xuất gạo. Đồng thời, FAO hy vọng sản xuất gạo sẽ phục hồi mạnh ở châu Mỹ La tinh cũng như gia tăng tại EU.
“Sản lượng gạo cao hơn trong năm 2008 có thể làm giảm áp lực đối với thị trường gạo thế giới, nhưng sự bất ổn trước mắt vẫn có thể tiếp diễn vì nguồn cung từ dự trữ có hạn. Điều này đồng nghĩa thị trường có thể phản ứng mạnh với bất cứ tin xấu hoặc tốt nào liên quan đến vụ mùa hay chính sách”, kinh tế gia cao cấp của FAO, bà Concepcion Calpe, nhận định.
Trong các ngày từ ngày 3-6 đến 5-6, Hội nghị cấp cao về An toàn lương thực thế giới sẽ diễn ra tại Rome, Ý. Chương trình nghị sự tập trung vào việc nông nghiệp cần được phát triển thế nào để đảm bảo cung cấp lương thực cho dân số ngày càng tăng, nhất là những người nghèo, trong điều kiện khí hậu thay đổi.
NGỌC THU (tổng hợp)