Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng tăng lãi suất kịch trần để hút tiền gửi không kỳ hạn

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong 9 tháng qua đã sụt giảm khá mạnh trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn liên tục tăng cao. Nhằm thu hút nhiều hơn dòng tiền nhàn rỗi, không ít ngân hàng đã đẩy lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức kịch trần 1% sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Trước thực tế tiền rẻ ngày càng trở nên khan hiếm, một số ngân hàng đã mạnh tay tăng thêm lãi suất để duy trì tỷ lệ CASA. Ảnh: LÊ VŨ

Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ngoài áp dụng cho số dư trên tài khoản thanh toán, hiện còn được áp dụng cho các khoản tiền gửi tiết kiệm rút một phần trước hạn. Do đó, lãi suất loại tiền gửi này tăng mạnh sẽ có lợi cho cả người gửi tiền có kỳ hạn lẫn không kỳ hạn, đồng thời cũng giúp ngân hàng hút tiền gửi ở các kỳ hạn khác.

Tỷ lệ CASA đóng vai trò quan trọng đối với các ngân hàng bởi nó tạo ra nguồn vốn giá rẻ, có khả năng bù đắp, pha loãng chi phí vốn đầu vào. Nhất là trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng cao như hiện nay, CASA càng tăng càng tạo điều kiện cho ngân hàng mở rộng biên lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh.

Có đến 18 trong số 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm, bao gồm cả những ngân hàng trước nay vẫn luôn đứng đầu hệ thống về thu hút tiền gửi không kỳ hạn như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Tính đến hết quí 3-2022, tỷ lệ CASA tại Techcombank dù giảm nhẹ so với quí trước nhưng vẫn dẫn đầu toàn ngành ở mức cao 46,5%. Ngân hàng này từng ghi nhận kỷ lục vào cuối năm 2021 khi tỷ lệ CASA đạt trên 50%.

Tương tự, một số thành viên khác cũng ghi nhận tỷ lệ tiền gửi này giảm sút, như tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) giảm từ 3 đến 3,8 điểm phần trăm.

Nhưng đây chưa phải là những ngân hàng sụt giảm mạnh nhất tỷ lệ CASA trong 9 tháng qua. Tại Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank), tiền gửi không kỳ hạn tính đến hết tháng 9-2022 giảm mạnh đến một nửa so với đầu năm, chỉ còn gần 3.900 tỉ đồng. Kéo theo đó, tỷ lệ CASA từ 15,5% hồi đầu năm giảm còn 9,2% sau 9 tháng.

Tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng sụt giảm là do bối cảnh chung của hệ thống. Lãi suất huy động liên tục tăng cao trong khi các kênh đầu tư như chứng khoán, tiền số, bất động sản... kém hấp dẫn, dòng tiền có xu hướng tìm về ngân hàng để gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao.

Trước thực tế tiền rẻ ngày càng trở nên khan hiếm, một số ngân hàng đã mạnh tay tăng thêm lãi suất để duy trì tỷ lệ CASA. Nếu như trước đây, lãi suất loại tiền gửi này đa phần ở mức 0,1 - 0,2%/năm, thì nay đã tăng gấp 5 - 10 lần, được đẩy lên kịch trần 1%/năm tại các ngân hàng Kienlongbank, BacABank, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Ngân hàng Techcombank vốn dẫn đầu về CASA cũng không nằm ngoài xu hướng này. Trước đây, với sự đầu tư công nghệ, nâng cao trải nghiệm người dùng và đặc biệt là chiến lược "Zero fee" - miễn phí toàn bộ các giao dịch trực tuyến, nên dù lãi suất không kỳ hạn của Techcombank luôn neo ở mức 0,03%/năm, nằm trong nhóm thấp nhất hệ thống nhưng vẫn hút mạnh CASA. Tuy vậy, trong bối cảnh mới, Techcombank đã tăng lãi suất này lên 1%/năm, gấp 33 lần so với mức cũ.

Một ngân hàng khác cũng vừa công bố tăng lãi suất không kỳ hạn lên kịch trần là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Nhưng để được hưởng mức lãi suất 1%/năm, khách hàng của VPBank phải đảm bảo điều kiện có số dư tiền gửi bình quân từ 500 triệu đồng trở lên trong tài khoản thanh toán.

Còn tại một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)... tuy không tăng kịch trần nhưng lãi suất không kỳ hạn cũng được đẩy lên dao động từ 0,5 - 0,9%/năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm ngân hàng có lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)... với lãi suất khoảng từ 0,1 - 0,2%/năm

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, sau khi đạt đỉnh hơn 1 triệu tỉ đồng vào cuối quí 1-2022, số dư tiền gửi thanh toán của cá nhân tại các tổ chức tín dụng đã nhanh chóng giảm còn 0,979 triệu tỉ đồng vào cuối quí 2-2022.

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới