Thứ Tư, 18/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Một món quà vô giá

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Vịnh Nha Trang thuộc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, là vịnh biển thứ hai ở Việt Nam có tên trong danh sách của Câu lạc bộ Các vịnh biển đẹp nhất thế giới (Club of the Most Beautiful Bays of the World), sau vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh.

Thế nhưng, hệ sinh thái biển – trong đó có các rạn san hô, đặc biệt ở khu vực Hòn Mun, vùng lõi của khu bảo tồn vịnh Nha Trang – đã suy thoái nguy hiểm đến nỗi hôm thứ Ba tuần này, 8-11, báo chí đưa tin Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch tổng thể đến năm 2030 nhằm phục hồi một trong những vịnh biển đẹp nhất Việt Nam.

Tin này đến với người đọc vui buồn lẫn lộn. Buồn vì một khu vực của môi trường biển lại đối diện với nguy cơ suy thoái. Nhưng dù sao đi nữa, hy vọng đã đến khi cuối cùng người ta cũng nhận diện được nguy cơ và đang nỗ lực khắc phục.

Từ trung tâm thành phố Nha Trang nhìn ra biển, vịnh Nha Trang rộng khoảng 500 cây số vuông với nhiều đảo lớn nhỏ cùng một hệ sinh thái đa dạng có đủ biển, đảo, núi, sông, đầm phá v.v… Tuy nhiên, hệ sinh thái biển, trong đó, nhất là các rạn san hô thuộc vào loại đẹp bậc nhất tại Việt Nam, đã suy thoái trong nhiều năm qua. Đặc biệt, theo một bài báo đăng trên vnexpress.net hồi tháng 6 năm nay, hiện tượng này đang trầm trọng hơn, thậm chí người địa phương cho biết có khu vực các rạn san sô chết rộng hàng trăm mét vuông(1).

Bài báo của vnexpress.net dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Sinh thái học và tiến hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga tại Nha Trang và Viện Hải dương học công bố vào tháng 3-2021 cho biết có đến 90% san hô ở vịnh Nha Trang đã biến mất so với năm 1980(2).

Nguyên nhân thì có nhiều: thiên tai, biến đổi khí hậu, mặt trái của hoạt động du lịch, ô nhiễm môi trường do nước thải, nuôi trồng thủy sản, v.v… Nhưng góc nhìn của các bên liên quan lại có phần khác nhau. Một bên nhấn mạnh đến yếu tố thiên tai, cho rằng đây là nguyên nhân chính gây ra cái chết hàng loạt của các rạn san hô. Đơn cử, cơn bão số 12 năm ngoái làm hư hại khoảng 80% san hô trong vịnh Nha Trang(3).

Nhưng theo một số người khác, dù công nhận thiên tai có ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái san hô trong vịnh, mức độ không trầm trọng đến vậy. Theo họ, nguyên nhân chính nằm ở yếu tố tác động của con người. Ví dụ, các thợ lặn địa phương cho rằng chính các phương tiện đánh bắt trái phép mới là thủ phạm gây ra tình trạng này. Một người lý giải như sau: vịnh Vân Phong cách đó 40 cây số chịu ảnh hưởng của bão trước tiên, nhưng san hô ở đó vẫn phát triển bình thường, trong khi tình hình trong vịnh Nha Trang thì ngược lại(4).

Theo báo Tuổi trẻ(5), kế hoạch tổng thể của chính quyền Khánh Hòa nhằm phục hồi vịnh Nha Trang nêu 16 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trọng tâm rất đa dạng, từ nâng cao nhận thức – kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường và tạm dừng các hoạt động gây hại cho môi trường và rạn san hô, cho đến việc phục hồi san hô tại Hòn Mun, bảo tồn rùa biển trong khu vực, v.v…

Kế hoạch này còn nhắm đến việc thành lập tổ tư vấn thực hiện, bao gồm các chuyên gia từ các viện nghiên cứu và các trường đại học nhằm phối hợp với các đơn vị liên quan. Dự kiến sẽ có báo cáo sơ kết, tổng kết hàng năm nhằm đánh giá công tác thực hiện.

Nhìn chung, kế hoạch xem ra đi đúng hướng. Tuy nhiên, thành bại còn phụ thuộc phần lớn vào khâu tổ chức thực hiện. Có lẽ nên bắt đầu với chuyện xác định nguyên nhân chủ yếu. Cho dù con người vẫn chưa ngăn chặn được thiên tai, chúng ta có thể giảm bớt phần nào tác hại của chúng. Trong khi đó, hoàn toàn không thể xem nhẹ yếu tố tác động do con người gây ra. Tạm ngưng các hoạt động như du lịch hay nuôi trồng thủy sản là việc cần làm. Đồng thời, cũng cần tăng cường hiệu lực của việc nghiêm cấm khai thác thủy sản trái phép trong khu vực vịnh Nha Trang.

Cột mốc 2030 của kế hoạch tổng thể nhằm phục hồi hệ sinh thái biển trong vịnh Nha Trang cũng không phải là quá xa so với thời điểm hiện nay. Cần đến ít nhất 10 năm để các rạn san hô phục hồi. Nhưng để có được một vịnh biển đẹp như vịnh Nha Trang, thiên nhiên phải mất hàng bao nhiêu thiên niên kỷ. Hy vọng kế hoạch tổng thể nêu trên sẽ được thực hiện hiệu quả nhằm giữ gìn cái đẹp của vịnh Nha Trang, một món quà vô giá thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta.

—————

(1), (2), (3), (4)https://vnexpress.net/san-ho-o-vinh-nha-trang-chet-hang-loat-4474438.html

(5)https://dulich.tuoitre.vn/khanh-hoa-dua-ra-16-nhiem-vu-giai-phap-phuc-hoi-vinh-nha-trang-20221108150621681.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Biển cả có vẻ hào phóng một cách vô tận. Nhưng thực ra trên đời không có cái gì là vô tận. Mọi thứ là hữu hạn, chỉ có khác nhau là đến một thời điểm nào đó mà thôi. San hô, rừng ngập mặn, thủy hải sản… biết bao nhiêu nguồn lợi từ biển cả gần như đã bị biến hóa tất cả thành hàng hóa, mang lại giá trị lợi nhuận tối đa cho con người. Mọi thứ dường như vẫn chưa dừng lại. Sự trả giá của tự nhiên đã bắt đầu xuất hiện, ngày càng khốc liệt. Nếu ta muốn lấy đi mọi thứ đắt tiền, đến lúc nào đó ta phải nhận lại mọi thứ vô cùng đắt đỏ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới