Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chi phí nhập khẩu thực phẩm toàn cầu gần 2.000 tỉ đô la

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chi tiêu toàn cầu cho nhập khẩu thực phẩm dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 1.940 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết trong một báo cáo hôm 11-11. Theo báo cáo, nhiều nước nghèo, dễ bị tổn thương về kinh tế, đang phải chi trả nhiều hơn để nhập khẩu lương thực nhưng lại nhận được khối lượng ít hơn.

Theo báo cáo của FAO, nhiều nước nghèo, dễ bị tổn thương về kinh tế, đang phải chi trả nhiều hơn để nhập khẩu lương thực nhưng lại nhận được khối lượng ít hơn. Ảnh: Fao.org

Con số nói trên tăng hơn 128,6 tỉ đô la Mỹ so với mức dự báo của FAO hồi tháng 6 và tăng 10% so với năm ngoái do giá cả thực phẩm bao gồm ngũ cốc tăng mạnh trong năm qua. Chi phí nhập khẩu thực phẩm dự kiến tiếp tục tăng ngay cả khi chỉ số giá thực phẩm của FAO đã giảm trong bảy tháng liên tiếp, phản ánh sự sụt giảm của giá hàng hóa.

Chi phí nhập khẩu thực phẩm toàn cầu của FAO được tính toán dựa vào giá cả các mặt hàng từ trái cây, rau quả đến hải sản, ca cao, trà và gia vị, cũng như đồ uống và các mặt hàng chủ lực như ngũ cốc và thịt.

Dự báo mới của FAO cho thấy chi phí thực phẩm đã chịu tác động lớn từ cuộc chiến Nga-Ukraine và sức mạnh của đồng đô la Mỹ, đồng tiền chính sử dụng cho các giao dịch thương mại quốc tế.

Ukraine và Nga là những siêu cường nông nghiệp, với hơn 30 nước phụ thuộc vào lúa mì và dầu hướng dương của họ.

Báo cáo của FAO cho biết: “Phần lớn sự gia tăng trong hóa đơn (nhập khẩu thực phẩm toàn cầu) đến từ các nước có thu nhập cao và chủ yếu do giá cả thực phẩm tăng cao hơn”.

Báo cáo cảnh báo giá lương thực tăng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn đối với các nước dễ bị tổn thương về kinh tế. “Chẳng hạn, tổng chi phí nhập khẩu lương thực của nhóm các nước thu nhập thấp dự kiến sẽ không thay đổi mặc dù khối lượng nhập khẩu dự kiến giảm 10%. Điều này cho thấy các nước thu nhập thấp đang gặp khó khăn đối với vấn đề tiếp cận lương thực”, FAO cho biết.

Khu vực châu Phi cận Sahara, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi vấn đề suy dinh dưỡng, dự kiến sẽ phải chi thêm 4,8 tỉ đô la Mỹ cho nhập khẩu lương thực trong năm nay dù khối lượng nhập khẩu giảm so với năm ngoái. “Đây là tín hiệu đáng báo động xét theo khía cạnh an ninh lương thực, cho thấy các nước nhập khẩu đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng chi phí nhập khẩu gia tăng”, FAO cho hay.

Nga và Ukraine chiếm 30% thương mại lúa mì thế giới và 78% dầu hướng dương xuất khẩu của toàn cầu trước khi chiến sự nổ ra ở Ukraine. Cuộc xung đột kéo dài 8 tháng ở Ukraine đã đẩy giá ngũ cốc lên mức cao chưa từng có.

Thỏa thuận giữa Nga và Ukraine về hành lang hàng hải an toàn ở biển Đen đã cho phép hơn 10 triệu tấn nông sản rời khỏi Ukraine trong những tháng gần đây, dẫn đến giá thị trường giảm một cách thận trọng.

Theo FAO, một yếu tố tích cực về nguồn cung là sản lượng lúa mì thế giới “sẽ đạt mức kỷ lục” với 784 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, đặc biệt nhờ vào vụ mùa lúa mì bội thu ở Nga và Canada.

Tuy nhiên, FAO cảnh báo các yếu tố khác đang đè nặng lên ngân sách của các nước nhập khẩu nghèo, bao gồm hóa đơn nhập khẩu đối với vật tư nông nghiệp tăng mạnh.

FAO dự báo chi phí nhập khẩu vật tư nông nghiệp toàn cầu bao gồm phân bón, nhiên liệu và hạt giống dự kiến sẽ đạt 424 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022, tăng gần 50% so với năm trước.

Nga là một trong những nước xuất khẩu phân đạm hàng đầu thế giới, và giá mặt hàng này đã tăng gấp ba lần chỉ trong vòng một năm.

FAO cho biết một số nước có thể buộc phải giảm hóa đơn nhập khẩu vật tư nông nghiệp khi giá cả tăng và đồng đô la Mỹ mạnh làm xói mòn sức mua của họ. Điều này gần như chắc chắn dẫn đến năng suất nông nghiệp thấp hơn và nguồn cung lương thực trong nước cũng thấp hơn.

FAO dự báo các tác động tiêu cực đối với an ninh lương thực toàn cầu có thể kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên, FAO nhận định giá lương thực tăng cao kết hợp với đồng tiền mất giá ở nhiều nước do sức mạnh của đồng bạc xanh cuối cùng sẽ làm chậm sự gia tăng chi phí hóa đơn nhập khẩu thực phẩm toàn cầu.

Theo Bloomberg, AFP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới