(KTSG Online) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào tháng 9 đã ký kết thỏa thuận với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF). Theo đó, AFD sẽ tài trợ cho EDF, để EDF triển khai các hoạt động hợp tác kỹ thuật với EVN trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng và đổi mới sáng tạo.
- Cơ quan quản lý đề nghị EVN có trách nhiệm thỏa thuận với các dự án năng lượng tái tạo
- Liệu thủy điện có còn cần thiết trong cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu?
Đây là một trong những hoạt động thiết thực từ khối doanh nghiệp nhà nước để ứng phó với thực trạng biến đổi khí hậu và suy giảm chất lượng môi trường đang diễn ra ở Việt Nam, đồng thời là một tín hiệu cần thiết để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.
Về phía khối quản lý nhà nước, đặc biệt từ phía các chính quyền địa phương, việc thể hiện tính cạnh tranh để thu hút đầu tư dựa trên chất lượng môi trường đang cần được quan tâm.
Bản báo cáo thường niên của Đại học Yale (Connecticut, Mỹ) về chỉ số đánh giá chất lượng môi trường (EPI – Environmental Performance Index[1]) năm 2022 cho biết, Việt Nam hiện đang xếp thứ 178/180 – thứ hạng chỉ cao hơn Myanmar và Ấn Độ[2]. Theo đó, về biến đổi khí hậu, lượng khí hiệu ứng nhà kính (N2O, CH4, CO2, khí gas) phát thải bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 (tính theo lượng phát thải CO2) là 420,630 Gg, cao hơn so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Lào, Campuchia và cao hơn nhiều nước phát triển như Singapore, Nhật Bản.
Về môi trường sống, xét tới việc tái chế rác thải, Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các nước có lượng rác thải được tái chế ít nhất khi năm 2020, chỉ 54% lượng rác thải được tái chế. Bên cạnh đó, lượng rác thải được tái chế không những liên tục giảm từ năm 1990 đến năm 2020 mà còn thấp hơn so với nhiều quốc gia đang phát triển khác như Indonesia, Campuchia, Cuba, Đông Timor; công nghệ xử lý rác thải lạc hậu, thậm chí gây ô nhiễm môi trường thêm.
Về hệ sinh thái, trong giai đoạn 2006-2020, với diện tích đất được bao phủ bởi cây xanh giảm liên tục từ 0,4-1,5% mỗi năm, Việt Nam luôn nằm trong số các quốc gia có lượng cây xanh suy giảm nhiều nhất.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dòng FDI một quốc gia thu hút được sẽ tăng nếu chất lượng môi trường được cải thiện sau khi lượng hóa mối quan hệ giữa hai biến này.
Thật vậy, chất lượng môi trường sống tốt sẽ giảm thiểu rủi ro bệnh tật, tăng cường sức khỏe của người lao động và tăng năng suất lao động, qua đó thu hút FDI vì năng suất lao động và chi phí nhân công luôn đóng vai trò quan trọng trong quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài (theo Khan, và đồng tác giả, 2019).
Ngoài ra, trong môi trường kinh doanh hiện đại ngày nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong muốn xây dựng hình ảnh và thể hiện trách nhiệm xã hội bằng cách cân nhắc đến yếu tố môi trường khi đưa ra quyết định đầu tư (theo Kim & Rhee, 2019). Hơn nữa, việc chất lượng môi trường của một quốc gia được duy trì ở mức tốt đôi khi là tín hiệu cho thấy sự đổi mới sáng tạo về công nghệ hay cách thức quản lý nguồn tài nguyên, quy trình kinh doanh mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể ứng dụng để nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp của họ.
Trong bối cảnh nhiều dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được đề ra, Chính phủ Việt Nam luôn xác định nguồn vốn đầu tư nước ngoài là nguồn vốn quan trọng góp phần đạt được các mục tiêu phát triển. Bên cạnh đó, chuyển dịch năng lượng, giảm thiểu carbon là chủ trương hàng đầu của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Do đó, ngoài các chỉ số tất yếu để đánh giá khả năng cạnh tranh của từng địa phương như Kinh tế vĩ mô, Thị trường lao động, Tính kết nối, Độ mở của nền kinh tế, Môi trường kinh doanh, Khả năng đổi mới sáng tạo, các chỉ số đánh giá chất lượng môi trường là cần thiết để hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam.
__________________________________________________
[1] EPI là bộ chỉ số đánh giá chất lượng môi trường được nghiên cứu và phát triển bởi Đại học Yale (Connecticut, Mỹ), gồm 3 nhóm chỉ số chính, 11 phương diện và 40 chỉ tiêu.
[2] Xếp hạng này dựa trên thang điểm 0-100. Để có thể đánh giá các quốc gia theo thang đo 0-100, số liệu về 40 chỉ số sau khi thu thập sẽ được đưa về thang đo này thông qua phép biến đổi logarit cơ số tự nhiên.
Tài liệu tham khảo:
- Yeseul Kim & Dong-Eun Rhee, 2019. Do Stringent Environmental Regulations Attract Foreign Direct Investment in Developing Countries? Evidence on the “Race to the Top” from Cross-Country Panel Data, Emerging Markets Finance and Trade, DOI:10.1080/1540496X.2018.1531240
- Hossein-Ali Fakher & Zahra Abedi, 2017. Relationship between Environmental Quality and Economic Growth in Developing Countries (based on Environmental Performance Index). Environmental Energy and Economic Research, 1(3): 299 – 310 DOI 10.22097/eeer.2017.86464.1001
- Syed Abdul Rehman Khan, Yu Zhang, Anil Kumar, Edmundas Zavadskas, Dalia Streimikiene. 2019. Measuring the impact of renewable energy, public health expenditure, logistics, and environmental performance on sustainable economic growth. Sustainable development. 28:833–843, DOI: 10.1002/sd.2034
- Yale University, 2022. Environmental Performance Index.
- The European House, 2022. The Global Attractiveness Index.
- The European Commission, 2022. The European Regional Competitiveness Index.
- Insight ReportKlaus Schwab, 2018. The Global Competitiveness Report. World Economic Forum.
(*) Trần Phương Trà (Giám đốc chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, IPAG Business School, Pháp, Giám đốc Mạng lưới chính sách kinh tế (EPNet), AVSE Global) - Trịnh Hồng Hải (Nghiên cứu sinh Tiến sĩ, Trường Kinh tế tài chính, Đại học Massey, New Zealand, thành viên Mạng lưới chính sách kinh tế (EPNet) & Mạng lưới tài chính ngân hàng (FBNet), AVSE Global) - Phạm Thúy Quỳnh (Cộng tác viên Mạng lưới chính sách kinh tế (EPNet), AVSE Global)