Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đừng xem nhẹ mỹ thuật công nghiệp

Nguyễn Đức Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Ngày nay, sản phẩm công nghiệp có sức cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường hay không, ngoài năng suất, chất lượng và hạ giá thành thì yếu tố thẩm mỹ cũng góp phần quyết định.

Hẳn nhiều người đã thấy, trong những thập niên qua rất nhiều sản phẩm công nghiệp của các thương hiệu, chẳng hạn như xe máy và hàng điện và điện tử gia dụng, có sức hút mạnh trên thị trường là nhờ mẫu mã chứ không phải yếu tố kỹ thuật có gì vượt trội hơn đối thủ cạnh tranh khác. Thậm chí, yếu tố mỹ thuật còn tạo ra sự khác biệt về giá cả.

Theo ông Nguyễn Liên Phương, Chủ tịch Công ty cổ phần Học viện doanh nhân LP Việt Nam, có thể sắp xếp ba yếu tố công nghệ, quản trị và cái đẹp thành một hình tam giác mà đỉnh trên cùng chính là cái đẹp. Thông thường, các nhà thiết kế tạo dáng cho sản phẩm trong điều kiện cho phép của kỹ thuật và công nghệ.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chính yếu tố thẩm mỹ là bên ra điều kiện cho kỹ thuật và công nghệ phải đáp ứng. Có thể nói, để chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng ngày nay trước hết là phải đẹp, sau đó mới xét đến tiêu chí độ bền.

Bên cạnh kỹ thuật, công nghệ, thẩm mỹ công nghiệp là yếu tố quan trọng trong thiết kế sản phẩm tiêu dùng. Ảnh: N.K

Các nhà công nghiệp Hàn Quốc quan niệm rằng “tư bản là tiền và thiết kế là hoa của nền công nghiệp”. Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã thành công và trở nên cạnh tranh ngang ngửa với Nhật Bản về hàng tiêu dùng chính nhờ vào yếu tố thẩm mỹ công nghiệp, bên cạnh sự vượt lên về kỹ thuật và công nghệ.

Còn với Việt Nam, muốn sản phẩm công nghiệp có chỗ đứng trên thị trường thì nhất thiết phải đầu tư thích đáng cho yếu tố thẩm mỹ, thậm chí trong cơ cấu lãnh đạo các doanh nghiệp rất cần có vị trí giám đốc thiết kế như ở nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Rất tiếc, ở Việt Nam đang tồn tại một thực tế là kỹ sư thì ít có năng lực về thẩm mỹ, còn hoạ sĩ thì không hiểu về kỹ thuật. Tại các trường đại học về kỹ thuật và công nghệ ở Việt Nam, tình trạng chung là không có môn học về thẩm mỹ công nghiệp trong chương trình đào tạo, cả chính thức lẫn ngoại khóa.

Vì thế, các kỹ sư được đào tạo ra thiếu kiến thức về lĩnh vực này. Đây là thực tế xảy ra ngay cả với những trường kỹ thuật hàng đầu. Còn với ngành mỹ thuật, tuy rằng có hẳn trường đào tạo riêng là Đại học Mỹ thuật công nghiệp, nhưng chương trình đào tạo ở đây hoàn toàn không có các môn học về toán ứng dụng, công nghệ chế tạo, công nghệ vật liệu. Vì thế, sinh viên từ đây mà thiết kế sản phẩm có khi chỉ để chơi, chứ để sản xuất thì e rằng sản phẩm không thích ứng được với quy trình công nghệ.

Trong khi đó, 80% các đại học của hàn Quốc đều tham gia đào tạo về thẩm mỹ công nghiệp. Theo nhà thiết kế Phạm Huyền Kiêu, Chủ tịch Mạng lưới thiết kế Vietnam Design Network, mô hình chung cho đào tạo thẩm mỹ công nghiệp càng có nhiều đại học tham gia càng tốt, để kết hợp chặt chẽ chuyên môn kỹ thuật và công nghệ với cái đẹp.

Việc khắc phục bất cập này không là việc riêng của ngành giáo dục, mà phải có sự hợp tác tích cực của các ngành công nghiệp. Ở tầm vĩ mô thì phải có sự quan tâm của Chính phủ để cho ra đời hẳn hoi một chương trình quốc gia về thẩm mỹ công nghiệp.

Những năm gần đây, Chính phủ mà trưc tiếp là Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai một đề án quốc gia về hỗ trợ khởi nghiệp (Đề án 844). Những kiến thức mà Đề án 844 và các đối tác cung cấp cho các đối tượng khởi nghiệp hiện chỉ về quản trị và công nghệ, còn thẩm mỹ công nghiệp vẫn vắng bóng.

Thẩm mỹ công nghiệp phần nào giống như nhu cầu ăn ngon mặc đẹp của một xã hội phát triển, nó đang và sẽ là một yêu cầu thiết yếu của nền sản xuất và tiêu dùng. Do vậy, trước mắt, sự đầu tư về thẩm mỹ công nghiệp có thể triển khai cho hoạt động khởi nghiệp, còn về lâu dài thì cần phải làm một cách bài bản với hệ thống giáo dục đại học và cao đẳng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới