Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán chuyển mình từ nguồn lực nội tại, được hay không?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index vẫn dưới mốc 970 điểm - vùng giá của giai đoạn cuối 2019 đầu 2020 trước khi dịch Covid-19 xảy ra, đã tiếp tục làm dấy lên những tranh luận xung quanh biện pháp can thiệp để vực dậy thị trường. Nhiều chuyên gia cho rằng sự can thiệp nên tập trung vào tăng tính minh bạch thị trường, quản lý tin đồn thất thiệt, tránh gây ra ảnh hưởng xấu. Điều quan trọng hơn cả là phải dựa trên tăng trưởng kinh tế, giá cổ phiếu tăng cuối cùng vẫn dựa trên giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Những phân tích này tập trung vào yếu tố thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn có triển vọng phục hồi trong những tháng cuối năm 2022 và chuyển biến tích cực hơn trong năm 2023 nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn cơ bản được giữ vững, còn hoạt động của doanh nghiệp cơ bản vẫn khả quan, dù khó khăn hơn.

Những khó khăn hiện hữu

Các chỉ số trên TTCK Việt Nam có xu hướng sụt giảm mạnh trong những tháng gần đây do chịu ảnh hưởng từ xu hướng giảm của các TTCK lớn trên thế giới. Nhưng điểm đáng lưu ý là những diễn biến tiêu cực trên TTCK diễn ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước tương đối tốt và ổn định so với thế giới, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp cũng tương đối khả quan.

Bất chấp những khó khăn hiện tại, triển vọng trong trung và dài hạn của ngành chứng khoán là rất lớn. Ảnh: Lê Vũ

Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng xu hướng sụt giảm mạnh của các chỉ số trong năm 2022 xuất phát từ một số yếu tố, gồm: xu hướng chung về điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng nóng; rủi ro, thách thức với kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam gia tăng; dòng tiền vào TTCK sụt giảm; áp lực giải chấp lớn; tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng trong bối cảnh rủi ro gia tăng và nhất là sau những sai phạm trên thị trường bị khởi tố vừa qua; yếu tố tâm lý đám đông ảnh hưởng tới hành vi của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Về xu hướng điều chỉnh, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, cho biết TTCK thế giới và Việt Nam trải qua giai đoạn tăng trưởng khá nóng từ quý 2-2020 đến hết quý 1-2022, đưa nhiều chỉ số chứng khoán lên mức cao nhất trong vòng 20-30 năm. Nhưng đà tăng trưởng này là kém bền vững khi chủ yếu dựa vào những yếu tố như dòng tiền rẻ từ các chính sách hỗ trợ trong đại dịch Covid-19, hiện tượng dùng đòn bẩy tài chính cao trong bối cảnh lãi suất thấp, tâm lý hưng phấn của nhiều nhà đầu tư, một số lĩnh vực như CNTT, thương mại điện tử, dược phẩm, bất động sản (BĐS) được hưởng lợi nhiều từ bối cảnh dịch bệnh.

Vì vậy, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đối mặt với áp lực lạm phát tăng, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu có xu hướng thắt chặt, lãi suất và tỷ giá tăng, nhà đầu tư điều chỉnh lại đánh giá, kỳ vọng của mình, việc TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam điều chỉnh mạnh là tất yếu.

Cũng theo ông Lực, chỉ số VN-Index tăng từ khoảng 662 điểm lên khoảng 1500 điểm, tương ứng tăng 2,3 lần trong giai đoạn từ tháng 3-2020 tới cuối tháng 12-2021. Mức tăng này cao hơn tương đối so với mức tăng trong cùng giai đoạn của chỉ số S&P500 (2,04 lần), Euro Stoxx600 (1,7 lần), MSCI Asia (1,6 lần).

Ngược lại, từ đầu năm 2022 đến hết tháng 10-2022, VN-Index giảm từ mức 1500 điểm xuống 1027.36 điểm, tương ứng giảm 32%. Mức giảm này cao hơn nhiều so với mức giảm của S&P 500 (20%), Euro Stoxx600 (14%), MSCI Asia (29%).

“Điều này cho thấy mức độ rủi ro của TTCK Việt Nam là cao hơn so với các TTCK quốc tế chính. Mức độ rủi ro cao của TTCK Việt Nam cũng được phản ánh qua chỉ số hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Việt Nam”, ông Lực phân tích

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng sự sụt giảm của các chỉ số trên TTCK Việt Nam giai đoạn vừa qua là bình thường sau giai đoạn dài tăng trưởng nóng.

“Trong giai đoạn dịch bệnh, hoạt động sản xuất – kinh doanh lâm vào trạng thái đình đốn thì không một kênh đầu tư nào có hiệu suất sinh lời cao như chứng khoán, nhưng khi mọi hoạt động kinh tế trở lại trạng thái bình thường thì các chỉ số trên thị trường dần về gần với thực trạng nền kinh tế”, ông Kiên nói với KTSG Online.

Về rủi ro vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực đánh giá khả năng suy thoái nhẹ kinh tế toàn cầu năm 2023 trong khoảng 55-60%. Với những đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ và EU, tỷ lệ này lần lượt trong khoảng 60-70% và 50-60%. Điều này khiến thị trường xuất khẩu, đầu tư của Việt Nam bị thu hẹp trong bối cảnh lạm phát toàn cầu năm tới còn ở mức cao với tăng khoảng 6,5%.

Với Việt Nam, ông Lực cho biết nền kinh tế đang đối mặt với một số rủi ro, thách thức lớn, gồm: mặt bằng lãi suất, rủi ro tỷ giá, nghĩa vụ nợ tiếp tục tăng trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, nghĩa vụ trả nợ, thị trường đầu ra; xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu, năng lượng, lương thực – thực phẩm; Trung Quốc tăng trưởng thấp do mở cửa thận trọng và tập trung cơ cấu lại; khả năng suy thoái nhẹ kinh tế toàn cầu năm 2023 đã hiện hữu; giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi còn chậm; nợ xấu tiềm ẩn tăng; thị trường chứng khoán, bất động sản đang điều chỉnh giảm và lành mạnh hóa.

Bên cạnh tác động từ trong nước và quốc tế, ông Điêu Ngọc Tuấn, Giám đốc Pháp chế và Tuân thủ thuộc Công ty chứng khoán VNDirect, cho rằng tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư khi chứng kiến cơ quan quản lý liên tục xử lý các trường hợp vi phạm trên thị trường chứng khoán cũng là một nguyên nhân khiến các chỉ số trên thị trường liên tục sụt giảm.

Tương tự, Trung tâm phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết lo ngại liên quan đến thị trường trái phiếu sau sự kiện Vạn Thịnh Phát diễn ra vào tuần đầu tháng 10 và động thái nâng thêm lãi suất điều hành của NHNN vào tuần cuối tháng khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý thu hẹp giao dịch.

Theo đó, dòng tiền trên TTCK tiếp tục suy yếu trong tháng 10-2022 với giá trị trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE ở mức 9.200 tỉ đồng một phiên, giảm 17% so với tháng 9 và thấp hơn 48% so với mức bình quân của 10 tháng đầu năm 2022.

Khả năng phục hồi từ nguồn lực nội tại

Đối mặt với không ít khó khăn, nhưng TS. Cấn Văn Lực cho rằng TTCK Việt Nam vẫn có triển vọng phục hồi trong những tháng cuối năm 2022 và tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2023 nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn cơ bản được giữ vững, còn hoạt động của doanh nghiệp cơ bản vẫn khả quan, dù khó khăn hơn.

Về vĩ mô, chuyên gia này cho biết kinh tế Việt Nam năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại, song vẫn trong khoảng 6-6,5%, mức tăng trưởng khá trong bối cảnh nhiều kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ suy thoái.

Các nền tảng kinh tế vĩ mô và cân đối lớn như lạm phát, lãi suất và tỷ giá cũng cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát. Cụ thể, tỷ giá đã tăng khoảng 8,85% luỹ kế từ đầu năm tới ngày 31-10-2022, tức đồng Việt Nam đã mất giá 8,85% so với đô la Mỹ. Mức này thấp hơn nhiều với Yên Nhật (28%), Nhân dân tệ của Trung Quốc (14,6%), Bath của Thái Lan (13,3%), Rubi của Indonesia (9,11%).

Còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 và 2023 dự báo tăng khoảng 3,3% và 4-4,5%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân toàn cầu là 8,8% và 6,5%.

Nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ dù trong xu hướng tăng lên trong trung hạn nhưng cơ bản vẫn trong ngưỡng an toàn.

Ngoài ra, nền kinh tế thực, nhất là hoạt động của doanh nghiệp cơ bản vẫn khả quan, dù khó khăn hơn. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của trên 200 doanh nghiệp niêm yết trong 9 tháng đầu năm tăng 22% so cùng kỳ, cả năm 2022 dự báo tăng khoảng 18% và năm 2023 dự báo tăng khoảng 10-15%.

Bên cạnh đó, thị giá chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn khi chỉ số PE của hị trường, chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) và thu nhập trên một cổ phiếu (EPS), hiện ở mức 10,2, tương đương vùng đáy lịch sử trong giai đoạn dịch Covid-19. Mức này được đánh giá là hấp dẫn khi nó thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới.

Về dòng tiền, SSI Research cho biết diễn biến dòng tiền của các quỹ đầu tư vào TTCK Việt Nam trong tháng 10 tích cực hơn nhiều so với kỳ vọng. Cụ thể, nhiều quỹ ETF lớn đã ghi nhận sự đảo chiều của dòng tiền sau nhiều tháng bị rút ròng và đónnhận lượng vốn vào khá tốt như VNDiamond với 835 tỉ đồng, VFM VN30 với 566 tỉ đồng, VanEck với 516 tỉ đồng. Quỹ Fubon cũng duy trì tốc độ giải ngân liên tục kể từ đầu năm 2022 và ghi nhận giá trị vào ròng 1.314 tỉ đồng trong tháng 10.

Các quỹ chủ động giải ngân thận trọng hơn so với các quỹ ETF với mức gần 700 tỉ đồng trong tháng 10, mức cao nhất tính theo tháng kể từ tháng 7-2021.

Khối ngoại cung tích cực mua ròng vào các nhóm ngành có nền tảng cơ bản, triển

vọng tích cực nhưng định giá có phần nào bị ảnh hưởng mạnh bởi diễn biến thị trường như bán lẻ hàng thiết yếu (VNM, MSN), bất động sản khu công nghiệp (IDC) và ngân hàng (VCB) với giá trị mua ròng 4.600 tỉ đồng.

Tận dụng cơ hội để chuyển mình

Để TTCK Việt Nam sớm phục hồi, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị các cơ quan quản lý tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ nhằm điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng ở mức phù hợp; tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường hư chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, ngoại hối, vàng, xăng dầu. Đồng thời, đẩy mạnh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở cửa du lịch quốc tế hợp lý nhằm góp phần tăng cung và giảm sức ép ngoại tệ, tỷ giá.

Ngoài ra, đẩy mạnh truyền thông về giá cả, lạm phát, chính sách nhằm giảm thiểu kỳ vọng lạm phát, tình trạng găm giữ và đầu cơ.

Bên cạnh đó, cần sớm nghiên cứu khả năng tiếp tục dùng chính sách tài khóa là chủ lực, chủ yếu là giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp.

Với chương trình phục hồi kinh tế, ông Lực cho rằng nghiêm túc tuân thủ thực hiện các giải pháp được nêu trong các chỉ thị, hướng dẫn của Chính phủ cần được, phấn đấu hết năm giải ngân khoảng 30-35% Chương trình phục hồi và khoảng 85-90% kế hoạch giải ngân đầu tư công.

Với thị trường vốn và chứng khoán, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, áp dụng hài hoà giữa phương thức quản lý tiền kiểm và hậu kiểm.

“Nếu ưu tiên mục tiêu ổn định thị trường, bảo vệ nhà đầu tư thì phải tiền kiểm. Nếu ưu tiên mục tiêu bảo vệ lợi ích doanh nghiệp thì tiến hành hậu kiểm”, ông Kiên nói.

Ngoài ra, điều kiện phát hành các sản phẩm ra thị trường cần cao và chặt chẽ hơn.

Với các nhà phát hành sản phẩm, cần có những yêu cầu mang tính chuyên nghiệp hơn. Ví dụ, doanh nghiệp muốn đầu tư dự án A với mức huy động khoảng 1.000 tỉ đồng thì phải huy động vốn theo tiến độ dự án, không được huy động vốn một lần.

Điều này, theo ông Kiên, sẽ tránh việc doanh nghiệp sử dụng vốn huy động sai mục đích, đồng thời giảm áp lực trả nợ và lãi vay tại thời điểm đáo hạn.

Về dài hạn, các cơ quan quản lý cần thực hiện nguyên tắc “Tuân thủ tuyệt đối các quy luật của nền kinh tế thị trường, không can thiệp hành chính vào thị trường. Đồng thời, có chế tài xử lý mạnh các hành vi lợi dụng cơ chế, cung - cầu thị trường để kiếm lợi bất chính”.

Với các doanh nghiệp, ông Khiên khuyến nghị các lãnh đạo doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần và dần trở thành công ty cổ phần đại chúng. Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp có thể học hỏi kinh nghiệm từ Siemens và Volkswagen, những công ty đại chúng, trụ cột của nền kinh tế Đức có xuất phát điểm là công ty gia đình.

“Những người chủ doanh nghiệp cần thay đổi tư duy theo hướng chấp nhận sự giám sát của nhà đầu tư trên thị trường, thay vì kêu gọi họ góp vốn vào quá trình đầu tư - sản xuất – kinh doanh, nhưng không cho phép họ tiếp cận thông tin về hoạt động điều hành của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Tồn tại này không phải vì nhà nước ngăn cấm, mà do các doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp không muốn bản thân bị giám sát bởi bất kỳ ai”, ông Kiên nói.

Với nhà đầu tư, ông Điêu Ngọc Tuấn khuyến nghị cơ quan quản lý quan tâm hơn tới việc truyền thông trong quá trình xử lý vi phạm, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật làm ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, cần tập trung vào hai vấn đề: sự ổn định và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, thị trường vốn/tiền tệ; khơi thông nguồn vốn cho hoạt động đầu tư kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp, để giúp các doanh nghiệp có đủ nguồn vốn cho hoạt động đầu tư và kinh doanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới