Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thủy sản xuất sang Nhật Bản phải có chứng nhận khai thác từ đầu tháng 12 tới

N.Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Cùng với thị trường EU, từ đầu tháng 12 tới, Nhật Bản sẽ kiểm soát chứng nhận khai thác trong toàn bộ quá trình chuỗi và đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với bốn loại thủy sản nhập từ Việt Nam.

Nhật Bản hiện đang thừa nhận và áp dụng cơ chế tương đương về quy định Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC).

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) vừa gởi công văn đến các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu thông báo, từ 1-12-2022, Nhật Bản yêu cầu bốn loại thủy sản của Việt Nam khi xuất khẩu sang nước này phải có chứng nhận khai thác.

Theo yêu cầu phía Nhật Bản, các lô hàng thủy sản và sản phẩm thủy sản chế biến từ nguyên liệu gồm mực ống/mực nang (Squid anh Cuttle fish), cá thu đao (Pacific saury, Cololabis spp.), cá thu (Mackerel, Scomber spp) và cá trích (Sardine, Sardinops spp) đánh bắt hoặc xuất sang Nhật sau ngày 1-12 sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận khai thác (Catch Certificate) hoặc xác nhận cam kết (Processing Statement) khi xuất khẩu vào Nhật Bản.

Nafiqad đề nghị các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu bốn loài nêu trên vào thị trường Nhật Bản sau ngày 1-12-2022 cần lập đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT gửi về Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng để được xác nhận.

Các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu phối hợp với nhà nhập khẩu Nhật Bản để cập nhật và thực hiện đầy đủ các quy định, thủ tục có liên quan trong thực hiện IUU để gửi kèm theo lô hàng chế biến từ nguyên liệu được khai thác trước thời điểm yêu cầu này có hiệu lực.

Do yêu cầu truy xuất nguồn gốc thủy sản đáp ứng IUU đòi hỏi xuyên suốt toàn chuỗi, các doanh nghiệp xem xét giao bộ phận đảm bảo chất lượng để liên kết với các bộ phận khác của doanh nghiệp (thu mua, kho bảo quản thành phẩm, nguyên liệu, bộ phận xuất, nhập khẩu…), tránh tình trạng đứt gãy thông tin, dữ liệu gây khó khăn cho việc thực hiện yêu cầu truy xuất trên hồ sơ và thực tế sản xuất.

Ủy  ban châu Âu (EC) đã áp “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam trong 5 năm qua vì vi phạm quy định IUU. Trong bối cảnh “thẻ vàng” thủy sản của EC chưa được tháo gỡ, thị trường Nhật Bản gia tăng những quy định khắt khe hơn khi xuất khẩu thủy sản vào thị trường này đã đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành hàng này trong giai đoạn sắp tới.

Nhật Bản nhập khẩu nhiều tôm, bạch tuộc, mực, cá ngừ... từ Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 10-2022, Nhật Bản vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đạt 160,6 triệu đô la Mỹ, tăng 34,1% so với tháng 10-2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,43 tỷ đô la, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới