(KTSG Online) – Sau khoảng 4 dự án đầu tiên do doanh nghiệp Đức đầu tư cũng như những tiềm năng sắp tới, lãnh đạo tỉnh Bình Định xem đây là thời điểm tốt để khởi động mối quan hệ đầu tư - thương mại giữa Bình Định và CHLB Đức.
- Bình Định: Doanh nghiệp đầu tư hơn 60.000 tỉ đồng vào gang thép và cảng biển
- Bình Định muốn thu hút doanh nghiệp từ Đức
Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Đức tại Bình Định cũng như ký kết hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (AHK) tại Việt Nam với UBND tỉnh Bình Định diễn ra hôm nay, 21-11, được xem là cơ hội để thu hút những làn sóng đầu tư đầu tiên từ Đức chất lượng hơn và bền vững hơn.
Kỳ vọng vào dự án phong điện 4,6 tỉ đô la
Phát biểu tại sự kiện nói trên, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay một trong những lĩnh vực ưu tiên thu hút nhà đầu tư từ Đức là các dự án liên quan công nghiệp và năng lương tái tạo.
Ông cho hay, trong thời gian qua tỉnh Bình Định luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư khảo sát nghiên cứu các dự án năng lượng điện tái tạo.
Hiện nay, Bình Định có 7 dự án điện mặt trời với tổng công suất 529,5 MWp (Megawatt-peak - công suất định danh của một hệ thống điện mặt trời), trong đó đã vận hành phát điện 415,5 MWp.
Ngoài ra, tỉnh miền Trung này còn có 4 dự án điện gió với tổng công suất 111 MW, trong đó đã vận hành phát điện 81 MW.
“Bình Định có thế mạnh phong điện, đặc biệt ngoài khơi, tuy nhiên hiện nay rất ít dự án và dự án quy mô nhỏ, chưa xứng với tiềm năng của tỉnh”, ông nói và cho hay UBND tỉnh Bình Định đang kiến nghị bổ sung vào Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050) 18 dự án điện mặt trời (tổng công suất 1.169MWp) và 11 dự án điện gió (tổng công suất 6.174,5MW).
Ông Tuấn thông tin, tập đoàn PNE AG (Đức) đang nghiên cứu đầu tư điện gió ngoài khơi với công suất dự kiến là 2.000 MW, với vốn đầu tư 4,6 tỉ đô la. Nếu dự án này được triển khai thì đóng góp rất lớn cho sản lượng điện của cả nước và khu vực, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định.
“Hiện tại, năng lượng các doanh nghiệp sử dụng chủ yếu từ nguồn điện lưới quốc gia, trong đó tỷ trọng năng lượng sạch đang tăng dần theo các năm. Nếu các dự án năng lượng tái tạo được triển khai nhanh thì tỷ trọng năng lượng sạch tại Bình Định sẽ gia tăng nhanh chóng”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Thông tin tại sự kiện, ông Thorsten Fastenau, đại diện PNE AG, cho hay nếu được chấp thuận, PNE sẽ xây dựng từ 154 – 166 tua-bin gió trong ba giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện công suất khoảng 700 MW với vốn đầu tư 1,6 tỉ đô la Mỹ ở vùng biển có độ sâu từ 60 – 100 m thuộc 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ với cam kết sẽ tiến hành các bước khảo sát kỹ thuật liên quan tới dự án một cách chặt chẽ. Ông Fastenau hy vọng sẽ sớm có quy hoạch hoàn chỉnh để tập đoàn có thể lên kế hoạch bỏ vốn đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực.
Ưu tiên dự án xanh phục vụ kinh tế xanh
Theo ông Simon Kreye, Phó đại sứ, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam, những dự án năng lượng tái tạo như PNE AG là tiêu biểu cho xu hướng đầu tư hiện nay của các doanh nghiệp Đức. “Hiện nay ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp Đức là các dự án liên quan đến kinh tế xanh và có sử dụng năng lượng thay thế”, ông cho biết và nhận định Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng để thu hút các doanh nghiệp Đức.
Về xu hướng này, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết Bình Định có đủ tiềm năng và năng lực đáp ứng những ưu tiên này dựa theo quy hoạch đã đề ra.
Cụ thể, các nhà đầu tư của Đức tham dự hội nghị lần này đang đầu tư các lĩnh vực điện tử, kim loại công nghệ cao, logistics, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, hi-tech, dệt may. Đây chính là những lĩnh vực rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, gồm công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics bên cạnh phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, xử lý nước sạch, rác thải, nước thải.
Ông Tuấn cho biết thêm, về chiến lược phát triển, hiện nay, Bình Định đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh, theo đó mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung; kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên 5 trụ cột tăng trưởng: công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch, logistics và vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa.
Trả lời các câu hỏi từ AHK cũng như đại diện các doanh nghiệp Đức liên quan đến chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho hay tỉnh Bình Định tập trung thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại; chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn lớn về nguồn nhân lực, nguyên liệu. Tỉnh ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp sử dụng công nghệ từ năng lượng sạch.
“Chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư từ việc hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đến triển khai xây dựng dự án và nhanh chóng đưa dự án đi vào hoạt động bất kể dự án ở trong hay ngoài khu kinh tế và khu công nghiệp, cụm công nghiệp”, ông ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, nói. Ông cho biết thêm, nếu doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Đức nói riêng đầu tư vào Khu Kinh tế Nhơn Hội, bao gồm Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, nhà đầu tư sẽ được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ Việt Nam và ưu đãi bổ sung của tỉnh Bình Định.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm đầu, miễn 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo. Hiện nay, mức thuế thu nhập doanh nghiệp bình thường là 20%. Nhà đầu tư sẽ được miễn thuế nhập khẩu 5 năm đầu sản xuất đối với nguyên liệu, bán thành phẩm mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 dự án của các doanh nghiệp Đức đang được triển khai với tổng vốn đăng ký trên 55 triệu đô la Mỹ. Trong đó, dự án lớn nhất là Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao của Tập đoàn Kurz với tổng vốn đăng ký đầu tư 40 triệu đô la.Các mặt hàng được xuất khẩu của Bình Định đến 116 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục. Trong đó xuất khẩu sang châu Âu đạt 273,3 triệu đô la, chiếm 21,6% và cụ thể xuất khẩu sang Đức đạt 71 triệu USD, chiếm 5,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.