(KTSG Online) - Giai đoạn 2021-2030, xét đến năm 2050, tỉnh Gia Lai dự kiến đầu tư 135 dự án về nguồn năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải với tổng công suất khoảng 15.566 MW.
- Lo ngại an ninh từ việc phụ thuộc sản phẩm năng lượng tái tạo của Trung Quốc
- Tập đoàn điện Singapore đẩy mạnh đầu tư điện tái tạo tại Việt Nam
Các dự án này được nêu ra tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác Bộ Công Thương, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) với UBND tỉnh Gia Lai về tình hình cấp điện nông thôn và phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh ngày 21-11 vừa qua.
Theo TTXVN, tại buổi làm việc, UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét 135 dự án năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải. Đồng thời, đưa các dự án vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, xét đến năm 2050. Tổng công suất hoạt động khoảng 15.566 MW.
Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, EU sẽ hỗ trợ địa phương cách tiếp cận tổng thể trên cơ sở hợp tác giữa EU và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) nhằm tiến tới quá trình chuyển đổi xanh.
Đến nay, tỉnh đã thu hút được nguồn lực cho đầu tư phát triển và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo. Quy mô công suất đạt 4.362,89 MW. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thực hiện mở rộng dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2015-2020 từ lưới điện quốc gia và tiểu dự án nâng cấp lưới điện phân phối đến các địa phương trên địa bàn với tổng vốn đầu tư 1.217 tỉ đồng.
Ngoài ra, tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng đang triển khai đầu tư nhiều dự án truyền tải, dự kiến hoàn thành trong năm 2023 và giai đoạn 2025-2030. Tiêu biểu là nâng công suất trạm biến áp (TBA) 500kV Pleiku 2, xây dựng đường dây 220kV Pleiku 2 - KrongBuk mạch 2, TBA 220kV An Khê và đấu nối.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, mạng lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh Gia Lai với hơn 5.000km đường dây trung áp; hơn 5.000km đường dây hạ áp và hơn 5.500 trạm biến áp. Tổng dung lượng là 1.473.001 kVA. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn sử dụng điện lưới quốc gia. Dự kiến đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh sẽ có 100% xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn như 100% số xã có hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện; trên 99% tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn.