Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Một cơ hội làm chủ thị trường cho người sản xuất hồ tiêu

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chưa đến hai tháng nữa là qua năm Quý Mão. Nhà vườn trồng hồ tiêu khắp nơi cũng đang khấp khởi với mùa hồ tiêu mới đang về cùng với nỗi lo về giá hồ tiêu chưa được như ý.

Nhìn các chùm hồ tiêu lủng lẳng trên cây, nhiều hột đã bắt đầu chín chuyển sang màu đỏ thắm. Mùa hồ tiêu năm nay tại tỉnh Đắk Nông có sớm hơn nhờ mưa nắng đan xen hợp lý.

Không chỉ ở Đắk Nông mà tại nhiều vùng sản xuất khác, nhà vườn cũng đang khấp khởi do mùa thu hái cận kề vì hồ tiêu thường ra rộ vào giai đoạn trước và sau Tết Âm lịch.

Vui vì lẽ mùa mới đang về, nhưng còn nhiều nỗi lo hiển hiện do giá hồ tiêu chưa được toại nguyện, không ít người tham gia thị trường hồ tiêu còn chập chờn hoang mang.

Thị phần sẽ vào tay nước khác?

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, mười tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 192.000 tấn hồ tiêu, giảm hơn 37.000 tấn, tức giảm 16,34% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu lại tăng 5,79% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 837 triệu đô la Mỹ.

Một vườn tiêu ở Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: N.K

Theo ước tính cả năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu cả nước có thể đạt 220.000-225.000 tấn. So ra, đây là mức xuất khẩu thấp nhất tính từ ba năm trở lại vì 2020 đạt 285.000 tấn và 2021 là 265.000 tấn, theo chiều giảm dần. Từ năm 2020 trở lại đây, thị trường hồ tiêu trải qua bao thăng trầm, từ 34 triệu đồng/tấn vào tháng 3-2020 lên đến 90 triệu đồng/tấn vào đầu năm ngoái và nay đang khá ổn định quanh mức 55-60 triệu đồng.

Nhìn theo con số xuất khẩu, đủ để thấy rằng sản lượng hồ tiêu Việt Nam đang giảm từ từ do giá hồ tiêu trong nước không còn hấp dẫn. Giả sử nếu giá từ 90-100 triệu đồng/tấn, còn có thể kỳ vọng diện tích hồ tiêu tăng do mặt bằng giá hấp dẫn hơn so với các nông sản khác. Nhưng khi giá hồ tiêu trở về mức hiện nay, diện tích trồng không những không tăng mà còn giảm thêm do nhà vườn tìm cách tối ưu hóa thu nhập cho gia đình bằng cách phá bỏ hồ tiêu hay trồng xen sầu riêng, chanh dây… vừa bán chạy vừa có giá.

Nhưng nếu thế thì cũng phải chấp nhận một hệ lụy là thị phần hồ tiêu trên thế giới của Việt Nam sẽ giảm dần so với mức 55% hiện nay như ước lượng của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam tiết lộ gần đây.

Mùa mới đầy khó khăn

Một số chủ vựa thu mua lớn tại vùng sản xuất trọng điểm cho biết năm 2022 không phải là năm tốt cho người trữ hồ tiêu. Thì chuyện không rõ là gì khi giá từ 90 triệu vào đầu năm xuống còn 55-60 triệu đồng/tấn tại những tháng cuối năm?

Tin dụng bị thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng, ai ai cũng thiếu vốn nên chẳng thể kiên trì giữ hàng mua trữ. Nhiều chủ vựa phải bán lỗ hàng tồn kho để kinh doanh thứ khác và hệ quả cung trên thị trường càng nhiều, giá càng “cất đầu không lên”. Đó là nói phía người bán.

Nhiều chủ vựa phải bán lỗ hàng tồn kho để kinh doanh thứ khác và hệ quả cung trên thị trường càng nhiều, giá càng “cất đầu không lên”.

Về bên người mua và nhà nhập khẩu, tình hình cũng khó khăn không kém. Tại các nước tiêu thụ hồ tiêu lớn như Mỹ và châu Âu, người ta đang lo vốn thu mua bị hạn chế đáng kể.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang vướng do tình hình suy thoái, lạm phát tăng mạnh, chi phí vay đắt đỏ, thanh khoản kém có thể dẫn đến hỗn loạn trên thị trường tài chính, vạ lây cho người kinh doanh hàng hóa nông sản, nhất là doanh nghiệp kinh doanh hồ tiêu cần vốn nhiều vì phải dự trữ nhiều để tiêu thụ dần dần. Vốn đọng chính là vấn đề nan giải cho ngành hồ tiêu có những hợp đồng mua bán lớn.

Trung Quốc vốn là một thị trường mua nhiều hồ tiêu của Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ. Ngoài việc chịu sự ràng buộc bởi các yếu tố tài chính, chính sách zero-Covid đang cản trở rất lớn để hàng hồ tiêu Việt Nam thông mạch. Do vậy, trong thời gian qua, thay vì thương lái Trung Quốc mua và nhận hàng thực như các năm trước, thì nay họ có thể dùng mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam như một công cụ tài chính, mượn danh hồ tiêu để kiếm tiền.

Một nhà phân tích hồ tiêu trong nước cho biết đã có hiện tượng thương lái Trung Quốc đặc cọc mua hồ tiêu rồi sau đó đề nghị không nhận hàng nếu như giá hồ tiêu trong nước tăng. Họ chỉ nhận tiền chênh lệch nếu có lời cộng với tiền đã đặt cọc. Còn nếu như giá xuống, họ sẵn sàng bỏ cọc chịu lỗ với lý do khó khăn trong đi lại hay phương tiện vận tải chẳng hạn…

Như vậy, dù sản lượng hồ tiêu Việt Nam mùa mới 2023 có thể giảm, nhưng những khó khăn chung của nền kinh tế vĩ mô sẽ trút lên mặt hàng hồ tiêu. Ai sẽ làm chủ thị trường hồ tiêu mùa mới? Câu trả lời chính là người có tiền mặt.

Có thể sức ép bán ngay tại mùa thu hoạch sẽ làm giá hồ tiêu còn chênh vênh do thiếu người mua nhập khẩu, ít người thu mua do thiếu vốn, giảm lượng nhà xuất khẩu do không có hợp đồng lớn và giao dài ngày. Mong đợi một mức cao như 90 triệu đồng/tấn có thể là một ước mơ cao xa.

Tuy nhiên, khi thị trường hồ tiêu không ai có thể cầm trịch thì chính nhà vườn sẽ nắm quyền quyết định. Quyền trong tay người bán đang có cơ hội về với nông dân hồ tiêu trong năm 2023 nhưng chỉ lo tâm lý kinh doanh bầy đàn, theo đám đông, khi bán thì bán xối xả, khi giữ thì giữ rịt hàng không chịu buông bớt… và đó cũng chính là lúc để các thành phần khác trên thị trường có điều kiện tìm cách giành lại quyền quan trọng ấy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới