Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Học gì từ thị trường các nước

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nền kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới nhưng vẫn còn một số lĩnh vực chúng ta vẫn cứ đứng ngoài, không hòa nhịp vào các tập quán đã thành chuyện bình thường ở nhiều nước. Ở đây, chỉ xin lấy ví dụ về thị trường trái phiếu thứ cấp, một thị trường rất cần thiết để tạo thanh khoản cho trái phiếu.

Chúng ta đọc tin, có thể thấy câu: “Hiện có tới 94% số trái phiếu của các công ty bất động sản Trung Quốc được giao dịch với mức giá 70 cent. Một số trái phiếu thậm chí được giao dịch với mức giá chỉ dưới 10 cent”. Một công ty bất động sản phát hành trái phiếu; người mua trên thị trường sơ cấp mua đúng mệnh giá, chẳng hạn 100 đồng. Sau đó công ty này thua lỗ, có dấu hiệu mất thanh khoản, người cầm giữ trái phiếu vội vàng đem ra thị trường thứ cấp, bán lỗ còn 70 đồng; thậm chí nếu tình hình tài chính của công ty ấy quá xấu, giá bán sụt còn 10 đồng mới tìm được người chịu mua. Đó chính là cơ chế hoạt động của thị trường trái phiếu thứ cấp, tạo ra thanh khoản cho trái phiếu, bất kể chất lượng của chúng đang ở mức độ nào.

Tại sao chúng ta không nhanh chóng khắc phục các trở ngại để khơi thông một thị trường trái phiếu thứ cấp như thế, sẽ giải quyết biết bao nhiêu vấn đề hiện đang đặt ra. Trái phiếu chưa đến hạn của một công ty có lãnh đạo bị bắt vì các tội danh khác nhau có thể đem ra bán trên một thị trường thứ cấp như thế, dù chắc chắn mức chiết khấu phải cao để bù vào độ rủi ro. Giả dụ công ty này có nhà đầu tư mới chịu mua toàn bộ công ty, chịu đảm nhận hết mọi quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, kể cả trái phiếu đã phát hành. Biết đâu lúc này trên thị trường thứ cấp, giá trái phiếu lại phục hồi, thay vì 10 xu nay tăng lên 50 hay 60 xu cho mỗi đồng mệnh giá.

Một ví dụ khác là chuyện sử dụng các sản phẩm phái sinh trong hợp đồng mua xăng dầu để phòng ngừa rủi ro, biến động giá. Với các nhà sản xuất, điều họ lo ngại nhất là giá cả nguyên liệu đầu vào biến động không lường trước để đưa vào kế hoạch tính toán. Vì thế họ thường ký hợp đồng tương lai hay hợp đồng quyền chọn để chốt giá vào các thời điểm trong tương lai và vì mục đích không phải là tìm giá thấp mà mục đích là ổn định giá, họ sẽ vừa mua vừa bán hợp đồng quyền chọn để đạt được mục tiêu giá muốn nhắm tới ở những thời điểm nhất định.

Các cơ quan điều hành giá bán xăng dầu trong nước, nếu muốn có một mức giá ổn định trong một thời gian xác định, chẳng hạn vào ba tháng tới, hoàn toàn có thể yêu cầu các đơn vị nhập khẩu xăng dầu có vốn của Nhà nước ký các loại hợp đồng phái sinh này để trên cơ sở đó có thể tính giá bán lẻ ổn định cho xăng dầu trong lâu dài.

Với một số loại hợp đồng phái sinh, rủi ro lớn nhất là bị “hớ”, ký mua với giá cao vì cứ nghĩ giá tăng trong khi thực tế giá giảm mạnh, gây thua lỗ. Nhưng như đã nói ở trên, nếu mục đích là ổn định giá, vẫn sẽ có những loại hợp đồng giúp người mua đạt mục tiêu mong muốn, mang tính bảo hiểm giá cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn, một khi các cơ quan điều hành xác định được lợi ích và rủi ro để định hướng cho doanh nghiệp nhà nước, họ sẽ vượt qua các trở ngại như thế và làm quen dần với các công cụ quản lý rủi ro mà bất kỳ doanh nghiệp nào ở các nước đều sẵn sàng sử dụng.

1 BÌNH LUẬN

  1. Ta đang xây dựng kinh tế thị trường, chứ chưa phải kinh tế thị trường. Chưa kể, tâm lý vừa xây, vừa tránh, vừa phòng, vừa chống… vẫn luôn tồn tại một cách hữu ý hoặc vô tình. Chính vì vậy sự vận hành của thị trường, đôi khi chệch choạc, khó hiểu, thậm chí… không giống ai, là điều không có gì lạ. Quy tắc chung là, trước khi hiểu biết hết về thị trường, thì trước hết phải thử cái đã.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới