Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhật Bản đưa công chức về làm việc trên các cánh đồng do thiếu nhân công

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhân viên bàn giấy ở các chính quyền địa phương của Nhật Bản đang được điều động về các vùng nông thôn để thu hoạch trái cây và phơi tảo bẹ. Đây là nguồn lao động mới nhất được tận dụng cho công việc này sau người già, phụ nữ và lao động nước ngoài.

Yoshiaki Kato, một viên chức tại phòng du lịch ở tòa thị chính thành phố Hirosaki, phía bắc Nhật Bản, đang hỗ trợ nông dân thu hoạch táo. Ảnh: WSJ

Nhiều khu vực của Nhật Bản đang thiếu người trong độ tuổi lao động đến mức các nhà quản lý chính quyền địa phương phải “xắn tay” để giúp đỡ các trang trại.

Vào một ngày cuối tuần gần đây, Yoshiaki Kato, 33 tuổi, một viên chức tại phòng du lịch ở tòa thị chính thành phố Hirosaki cùng một số phụ nữ lớn tuổi thu hoạch táo tại một vườn cây ăn quả ở Hirosaki, một thành phố ở phía bắc đất nước. Kato cũng thỉnh thoảng chất những sọt táo lên xe để chở đi phân loại theo kích cỡ và chất lượng.

“Tôi thường làm công việc bàn giấy, vì vậy công việc ở đây giúp tôi cảm thấy sảng khoái”, Kato nói.

Anh là một trong số hàng chục công chức thành phố được điều động đến làm việc tại các vườn cây ăn quả vào những ngày cuối tuần. Những công chức này được trả công từ 6 -7 đô la Mỹ một giờ, chưa bằng một nửa số tiền họ thường kiếm được.

“Đây là bước tiếp theo để chúng tôi bảo vệ ngành nông nghiệp quan trọng của mình”, Shinichi Sakaki, Giám đốc bộ phận hỗ trợ các nông dân trồng táo của tòa thị chính Hirosaki nói.

Theo một cuộc khảo sát với nông dân ở khu vực Hirosaki, với nhiều người trong số này là người cao tuổi, 80% được hỏi bày tỏ lo ngại về việc thiếu nhân công.

Các câu chuyện tương tự đang diễn ra trên khắp Nhật Bản, đất nước có dân số dần thu hẹp trong hơn một thập niên qua do tỷ lệ sinh thấp. Gần một phần ba dân số của Nhật Bản hiện nay từ 65 tuổi trở lên.

Quốc gia này đã thu hút thêm nhiều phụ nữ và người già tham gia lực lượng lao động để giúp giải quyết vấn đề thiếu lao động kinh niên. Trước đây, lao động nước ngoài giúp lấp đầy khoảng trống lao động trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, khi nguồn lao động này trở nên thiếu hụt kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến, Nhật Bản phải chuyển sang sử dụng công chức.

Đất nước này gần như đóng cửa biên giới hoàn toàn trong hơn hai năm, cắt đứt phần lớn dòng lao động nước ngoài. Hiện nay, Nhật Bản đã mở cửa trở lại nhưng với giá trị của đồng yen giảm đến 25% so với đồng đô la Mỹ trong năm nay, mức lương vốn đã khiêm tốn đối với lao động ở các nước đang phát triển mà Nhật Bản đang cố gắng thu hút nay thậm chí còn trở nên kém hấp dẫn hơn. Có rất ít công việc ở nông trại hoặc nhà máy ở Nhật Bản được trả hơn 7 đô la Mỹ một giờ.

Các công ty chuyên tuyển dụng lao động nước ngoài cho các trang trại, nhà máy hoặc cơ sở chăm sóc người già của Nhật Bản cho biết một số người về nước sớm hơn dự định hoặc muốn chuyển đến làm việc ở các nước khác. Chẳng hạn như Úc, nơi gần đây đã bắt đầu nhận lao động Việt Nam theo thị thực nông nghiệp với mức lương cao hơn nhiều so với ở Nhật Bản. Người Việt Nam là nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản.

Các buổi sáng của mùa Hè và mùa Thu vừa qua, bắt đầu từ 5 giờ sáng, Shiro Sakashita, 47 tuổi đã dành vài giờ để phơi tảo bẹ trước khi đến làm việc tại tòa thị chính ở làng Samani trên hòn đảo Hokkaido, phía bắc Nhật Bản.

“Cơ thể tôi rất khó làm quen với công việc tay chân này”, Sakashita, một trong số khoảng ba chục viên chức làng Samani được điều động phơi tảo bẹ hoặc hái dâu tây, thú nhận.

Sau khi vất vả phơi tảo bẹ trong vài ngày, ông cảm thấy buồn ngủ khi giải quyết công việc giấy tờ ở văn phòng.

Trong nhiều thập niên, Nhật Bản đã đau đầu với tình trạng tử vong do làm việc quá sức, hay còn gọi là karoshi. Sau một số trường hợp tử vong do karoshi dẫn đến làn sóng chỉ trích của công luận cách đây vài năm, chính phủ đã kêu gọi người lao động và doanh nghiệp giảm thời gian làm việc ngoài giờ.

Tuy nhiên, gần đây Nhật Bản đã khuyến khích người lao động làm thêm công việc thứ hai, ngay cả đối với các công chức, những người về nguyên tắc là bị cấm làm thêm công việc bên ngoài.

Về mặt chính thức, chính phủ khuyến khích công chức theo đuổi ước mơ kinh doanh của họ trong khi vẫn đảm bảo công việc chính quyền hàng ngày. Trên thực tế, ở các vùng nông thôn, chính sách này đôi khi có nghĩa là chính quyền địa phương gây áp lực buộc công chức đến làm công việc tay chân cho các doanh nghiệp.

Yoshiaki Kato chở táo đi phân loại sau khi thu hoạch. Ảnh: WSJ

Tại thành phố Nara, thị trưởng Gen Nakagawa gần đây đã kêu gọi các công chức “hãy thể hiện một khía cạnh khác của bản thân các bạn” bằng cách làm thêm một công việc khác vào cuối tuần.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, câu trả lời dài hạn duy nhất cho vấn đề nhân khẩu học của Nhật Bản là lao động nhập cư. Nhật Bản đã dần dần mở cửa rộng rãi hơn cho lao động nước ngoài trong thập niên qua. Có 1,73 triệu người nước ngoài làm việc tại nước này vào năm ngoái, so với mức dưới 700.000 người trong một thập niên trước.

Các nông dân trồng rau diếp ở Kawakami, một ngôi làng phía bắc Tokyo đã thuê khoảng 1.000 lao động từ Việt Nam và Indonesia vào mỗi mùa hè trong những năm gần đây. Sau khi thiếu lao động trong đại dịch, các nông dân ở đây đã đảm bảo đủ nhân công cho năm nay.

Masato Yui, một quan chức phụ trách chính sách nông nghiệp của Kawakami, cho biết nông dân đang lo lắng về tác động của việc đồng yen suy yếu trong năm tới.

Theo ông, chính quyền Kawakami không muốn thúc đẩy các công chức địa phương làm việc trên đồng ruộng bởi vì điều đó không mang lại một giải pháp cơ bản. Hy vọng người lao động từ các nước khác, chẳng hạn như Campuchia sẽ đến thay thế.

Một số nông dân ở Hirosaki đã sử dụng robot để làm các công việc như làm cỏ hoặc phân loại trái cây nhưng chúng vẫn chưa có khả năng hái táo.

Tại trang trại táo nơi Kato giúp việc, những người dân địa phương khác đã tham gia vào vụ thu hoạch vào tháng 10 và tháng 11, cũng như giúp tỉa bớt những quả thừa vào mùa xuân.

Keiichi Sato, chủ sở hữu thế hệ thứ năm của một vườn táo, nơi thu hoạch 80 tấn táo hàng năm, cho biết độ tuổi trung bình của những người giúp việc là trên 70, chủ yếu là phụ nữ.

Sato nói ông đánh giá cao sự giúp đỡ của Kato và một viên chức địa phương khác. “Tôi thực sự cần những bàn tay đàn ông vì có rất nhiều công việc đòi hỏi thể lực”, ông nói.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới