(KTSG Online) – Đà Nẵng đang thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và công nghệ cao, tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải tìm cách nâng cao số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực trong ngành này để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương.
- Doanh nghiệp Nhật Bản chú ý du lịch và CNTT của Đà Nẵng
- Nhiều thách thức để Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao
Sáng 30-11, trong cuộc tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại thành phố Đà Nẵng”, nhiều ý kiến của chủ doanh nghiệp cũng như lãnh đạo thành phố đã được ghi nhận nhằm tháo gỡ nút thắt trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với lĩnh vực này.
Vấn đề chất và lượng
Trao đổi tại tọa đàm, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho hay trên địa bàn thành phố, ước tính có khoảng 44.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong đó phần lớn tập trung ở lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Dựa trên số liệu dự báo của đề án quy hoạch chung thành phố, trong giai đoạn 2022 - 2025, Đà Nẵng cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm, và trong giai đoạn 2026 - 2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm.
Tuy nhiên, theo bà, điều quan trọng hơn hết là số lượng phải đi đôi với chất lượng. Nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào để giải quyết cung cầu về nhân lực công nghệ thông tin giữa cơ sở giáo dục đào tạo và thị trường, đảm bảo sự đồng bộ giữa chất lượng và số lượng. Bà cho biết thêm, UBND thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, các hiệp hội và cơ sở đào tạo, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ông Lee Jong Wook, Giám đốc Trung tâm Phát triển giải pháp về linh kiện xe hơi của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Đà Nẵng, cho rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc đạt được mục tiêu hoạt động từ tình hình hiện tại. Ông cho biết đơn vị đã tạo ra mô hình dựa trên năng lực và đo lường dựa trên trình độ, với tổng số 40 dự án và 21 công nghệ khác nhau để tạo cơ hội học hỏi khi hợp tác với cá kỹ sư của quốc gia khác.
“Theo thống kê, số lượng người dự tuyển và trúng tuyển có sự chênh lệch lớn, Đà Nẵng thiếu nhân lực có kinh nghiệm và kỹ năng thực hành đầy đủ. Vòng làm việc ở công ty khá ngắn, từ 2 -5 năm. Đà Nẵng cũng không phải là địa phương có sức hấp dẫn về nhân lực IT so với Hà Nội và TPHCM”, ông Lee nhận định.
Giải pháp cụ thể
Theo ông Lee, ở Đà Nẵng vấn đề “nhảy việc” rất nổi cộm vì nguồn nhân sự ít hơn. Nếu doanh nghiệp đầu tư tiền vào phát triển năng lực của kỹ sư nhưng sau đó họ lại bỏ đi để tìm kiếm mức lương cao hơn sẽ gây nên các tổn thất.
Ông Lee cho rằng, với quy mô phát triển hiện tại thì có thể chấp nhận được nhưng khi quy mô tăng lên, đây là vấn đề rất quan trọng. Để giảm thiểu vấn đề, ông đề xuất, cần có mô hình hệ sinh thái hợp tác với chính quyền, nhà trường, doanh nghiệp và các bên liên quan.
Trong đó, chính quyền nên tạo chính sách để thu hút nhân tài. Chỉ riêng môi trường và cơ sở hạ tầng thì không đủ sức hấp dẫn với gen Z, cần để họ hiểu được nơi dừng chân và nơi ở lại khác nhau như thế nào. Các trường đại học nên tạo điều kiện cho sinh viên có năng lực, kỹ năng làm việc phù hợp cho doanh nghiệp.
Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Ngọc Thạch, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Đà Nẵng, cho rằng địa phương cần xây dựng cơ chế riêng thu hút nhân lực chuyển đổi số (CĐS) về khu vực công làm theo thời gian ngắn, giải quyết bài toán của thành phố. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi đối với các chuyên gia, nhà khoa học, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ và thu hút, trọng dụng người có tài năng để phát triển nhân lực khu vực công đến 2030.
“Đại học Đà Nẵng sớm hoàn thiện đề án phát triển Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia Đà Nẵng, triển khai đề án giáo dục đại học số. Các cơ sở đào tạo đổi mới chương trình đào tạo, mở rộng quy mô, bổ sung ngành nghề đào tạo về CĐS”, ông Thạch nói.
Theo ông Thạch, các doanh nghiệp CNTT nên hợp tác với các cơ sở đào tạo để tài trợ hoặc cấp học bổng, tham gia chặt chẽ cùng với nhà trường trong đào tạo. Đặt hàng, đưa các yêu cầu chất lượng đào tạo, nghiên cứu phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo trong nhà trường và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.